Trận chung kết diễn ra ngày 7/7, giữa Mỹ và Hà Lan. Hà Lan thì ngay cạnh Pháp, ngồi xe lửa vài giờ là tới sân vận động. Vậy mà sân Olympic Lyon đa phần là khán giả Mỹ. Bởi vì người Mỹ đã mua gần hết vé từ mấy tháng trước do tin tưởng vào khả năng của đội tuyển. Người Hà Lan cũng kéo sang Lyon rất nhiều, nhưng họ đành tập trung ở nơi chiếu màn hình lớn ngoài trời để xem vì không kiếm ra vé.
Tới lúc trao cúp cho tuyển Mỹ thì chủ tịch FIFA Infantino được chào đón bằng một loạt la ó rồi kèm theo câu khẩu hiệu "Equal pay" mà khán giả Mỹ dành tặng cho FIFA. Tổng thống Pháp Marcon cũng có mặt để trao cúp và ông cũng phải hứng chịu những tiếng la ó của khán giả Mỹ. Trong bóng đã nữ, chỉ có tuyển Mỹ mới có một lực lượng người hâm mộ lớn và cuồng nhiệt như vậy.
Bóng đá nữ ở Mỹ bắt đầu từ khoảng năm 1986, khi Mỹ đá trận quốc tế đầu tiên. Các nước khác cũng bắt đầu có bóng đá nữ từ đó. Năm 1991, bóng đá nữ tổ chức World Cup lần đầu, chỉ có 8 đội tham dự. Chỉ trong vòng 28 năm, số đội tham dự đã tăng lên 24, và lần tới sẽ là 32.
Bóng đá nữ Mỹ đã trải qua thời kì đìu hiu vắng vẻ. Tới tận giờ cũng chỉ có đội tuyển quốc gia là đi tới đâu cũng có vài chục nghìn khán giả. Giải quốc gia nữ Mỹ có 9 đội, họ cũng vất vả lắm mới có chừng 5000 khán giả mỗi trận. Đội thành công nhất là Portland Thorns cũng chỉ kiếm được chừng 18,000 khán giả mỗi trận sân nhà. Liên đoàn phải trả lương cho các ngôi sao trong tuyển Mỹ và cho họ đá cho giải quốc gia để tăng sức thu hút với khán giả.
Để có được chút sự quan tâm của khán giả đó không hề dễ dàng. Mỹ có một đạo luật gọi là Title IX. Nó yêu cầu các trường học phải dành ngân sách cho thể thao một cách công bằng cho nam và nữ. Vì vậy, các nữ sinh ở mọi bậc học tại Mỹ đều có cơ hội chơi thể thao. Ở trường đại học cũng vậy, các trường có đội bóng riêng, một nam một nữ, và họ thi đấu với nhau. Các tuyển thủ nữ Mỹ đa phần đều xuất thân từ các trường đại học, cụ thể thì trong 23 tuyển thủ quốc gia có tới 21 người có bằng đại học.
Mặt khác, liên đoàn phải đầu tư rất nhiều để cải thiện khả năng thi đấu của các nữ cầu thủ. Bóng đá đòi hỏi thể lực rất nhiều và đòi hỏi đủ thứ kĩ thuật. Với một lực lượng cầu thủ trẻ đông đảo, liên đoàn thường xuyên đi tuyển các cầu thủ ở nhiều lứa tuổi để tập luyện, tăng cường tìm kiếm nhân tài. Sau cùng, họ phải tìm đủ cách để quảng bá các trận đấu, kêu gọi mọi người đi xem.
Có những "mánh lới" trong marketing bóng đá nữ mà người Mỹ làm rất khéo. Các tuyển thủ Mỹ ngoài tài năng ra thì đa phần đều rất xinh đẹp. Khi không đá bóng thì ai có khả năng sẽ làm người mẫu bán chuyên. Họ tham gia quảng cáo và đi từ thiện, thăm các em nhỏ trong bệnh viện, ghé trường học dạy các bé gái học đá bóng... Lực lượng hâm mộ bóng đá nữ Mỹ có rất nhiều bé gái được các bà mẹ dẫn đi xem và những người đàn ông thích phụ nữ xinh đẹp. Họ còn có thêm một lực lượng người hâm mộ đồng tính đông đảo, do các cầu thủ đồng tính luôn cởi mở về bản thân.
Hồi lúc đầu những năm 1990 thì bóng đá nữ Mỹ cũng ở trong tình trạng như Việt Nam hiện giờ. Cái khác là liên đoàn của họ đã đổ tiền ra đầu tư nâng cao trình độ cầu thủ và tạo ra nhu cầu xem và chơi bóng đá trong nữ giới. Nhờ vậy mà dần họ mới phát triển hơn.
Bóng đá đỉnh cao thật ra chỉ là một môn giải trí mà các cầu thủ chuyên nghiệp thi đấu cho khán giả xem. Nói cách khác, cái nhu cầu đó là do con người tạo ra, mà đã tạo được nhu cầu cho bóng đá nam thì cũng có thể tạo ra nhu cầu cho bóng đá nữ, chỉ là bóng đá nữ xuất phát sau mà thôi.
Mấy năm gần đây, bóng đá nữ một số nước đã lên hương một cách bất ngờ. Đó là tuyển nữ của Hà Lan, Ý, và Chile. Lí do họ lên hương là vì... tuyển nam của mấy nước này gần đây bết bát quá, người hâm mộ thất vọng nên họ chuyển sang hâm mộ bóng đá nữ. Cả ba đội này đều đạt được những thành tích đột phá trong những năm gần đây đồng thời được quan tâm hơn rất nhiều. Khán giả kéo tới sân và lượng người xem trên TV đông hơn hẳn. Nói cách khác, chuyện bóng đá nam hay hơn về chuyên môn chỉ là một phần. Nếu người ta cảm thấy bóng đá nữ có thể đem về cảm xúc vui vẻ thì họ cũng sẽ ủng hộ.
Nếu để ý một chút thì chúng ta cũng có thể thấy rằng, một số thách thức mà bóng đá nữ gặp phải cũng là những vấn đề mà bóng đá nam Việt Nam phải đối đầu. Bóng đá nữ gặp khó trong vấn đề cạnh tranh chất lượng chuyên môn với bóng đá nam, còn bóng đá nam Việt Nam gặp vấn đề tương tự khi so sánh với bóng đá thế giới. Vì vậy mà bóng đá nam ở cấp tuyển quốc gia được quan tâm, bởi vì người hâm mộ có tình cảm dành cho đất nước Việt Nam. Chứ ở cấp độ câu lạc bộ, tình cảm mang tính chất địa phương không nhiều thì người hâm mộ Việt Nam bận xem các giải đấu ở châu Âu, bởi vì các giải đó có chất lượng chuyên môn hơn hẳn.
Cách giải quyết bài toán bóng đá nữ ở Việt Nam có thể nhìn thấy qua bài học phát triển bóng đá nữ của các nước. Một mặt, VFF cần tạo thêm điều kiện để các nữ sinh được chơi đá bóng trong học đường. Mặt khác, chính VFF cũng phải tham gia quảng cáo, đề nghị các đài truyền hình phát sóng các trận đấu để tăng cường sự quan tâm của khán giả. Đó là một quá trình dài lâu mà VFF đã không làm được trong suốt mấy chục năm qua.
Quá trình này cũng sẽ đúng khi được áp dụng ở bóng đá nam. Thành công của bóng đá nam không phải sẽ chỉ gói gọn trong thành tích nhờ một huấn luyện viên mát tay, mà còn phải dựa trên một quá trình phát triển lâu dài. Quan trọng nhất là Việt Nam cần tạo ra văn hóa chơi bóng chứ không phải chỉ là văn hóa xem bóng đá.
>> Quan điểm của bạn về bóng đá nữ Việt Nam thế nào? Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.
Khanh