"Các bộ, ngành liên quan, đặc biệt là UBND các tỉnh, thành phố cần phải coi đó là việc quan trọng, tạo điều kiện tối đa cho học sinh, sinh viên đến trường đảm bảo an toàn", Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long nói trong cuộc làm việc cùng người đồng cấp, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn, chiều 1/11, về công tác phối hợp đảm bảo an toàn phòng, chống dịch tại các cơ sở giáo dục khi mở cửa.
Bộ trưởng Long cho biết hai Bộ sẽ thống nhất, hướng dẫn sớm nhất Sổ tay về phòng chống Covid-19 trong trường học; tổ chức tập huấn cho hệ thống trường học kỹ năng về dự phòng, quản lý, chăm sóc và phòng chống dịch để "mỗi giáo viên trở thành một cán bộ y tế tại trường học".
Một trong những vấn đề đảm bảo an toàn khi mở cửa trường học là tiêm vaccine cho trẻ. Hiện, một số địa phương như TP HCM, Ninh Bình, Bình Dương đã triển khai tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ em. Các cơ sở giáo dục lập danh sách, khảo sát lấy ý kiến đồng ý của phụ huynh, chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tổ chức tiêm tại trường học.
Phó giáo sư Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Vệ sinh dịch tễ Trung ương đề nghị các điểm tiêm tại nhà trường tuân thủ hướng dẫn tiêm chủng an toàn.
Kế hoạch tiêm vaccine cho trẻ theo hình thức chiến dịch, thực hiện trước với tuổi 16-17, hạ thấp dần độ tuổi. Cha mẹ, người giám hộ ký phiếu đồng ý tiêm chủng vaccine cho trẻ. Việc tiêm chủng chủ yếu thực hiện tại các trường học, trẻ không đi học thì tiêm tại trạm y tế, trẻ có bệnh nền tiêm tại trung tâm y tế, bệnh viện để xử trí phù hợp...
"Tổ chức tiêm chủng cho trẻ em theo hình thức chiến dịch, do đó ngành giáo dục cần phối hợp chặt chẽ với ngành y tế", bà Hồng nói.
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo,22 tỉnh, thành phố đang dạy học trực tiếp; 16 tỉnh, thành phố kết hợp giữa dạy học trực tiếp, trực tuyến và qua truyền hình; 25 tỉnh, thành phố dạy trực tuyến và qua truyền hình.
Hôm nay, UBND thành phố Hà Nội quyết định cho học sinh khối 5, 6, 9, 10 và 12 của 18 huyện, thị ngoại thành đi học trực tiếp từ ngày 8/11. Các trường bắt buộc phải đạt yêu cầu an toàn theo bộ tiêu chí tại hướng dẫn liên ngành của Sở Giáo dục và Đào tạo cùng Sở Y tế Hà Nội, đồng thời lên phương án đảm bảo giãn cách, giảm sĩ số học sinh trên một buổi dạy. Những giáo viên chưa tiêm đủ hai mũi vaccine Covid-19 chỉ dạy trực tuyến, không đến lớp dạy trực tiếp.
Trong quá trình dạy trực tiếp, nếu xảy ra trường hợp liên quan dịch tễ các ca nhiễm, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch cấp huyện, thị xã sẽ xem xét cho dừng việc học trực tiếp để đảm bảo an toàn cho học sinh, giáo viên.
Để đưa ra đề xuất này, ngành giáo dục cho rằng các khối lớp đầu và cuối cấp đang thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, thay sách giáo khoa đồng thời phải thi chuyển cấp, thi tốt nghiệp. Cùng với đó, khu vực ngoại thành đều đạt cấp độ 1 và 2 trong công tác phòng chống dịch, còn nội thành vẫn là địa bàn tiềm ẩn nhiều nguy cơ.
Học sinh Hà Nội, TP HCM và nhiều địa phương đã dừng đến trường khoảng 6 tháng, trong đó hơn một tháng học online liên tục. Nhiều nhà quản lý giáo dục, chuyên gia tâm lý đánh giá ở nhà quá lâu và tiếp xúc với máy tính liên tục có thể khiến trẻ sợ hãi, lo lắng quá mức; kích động so với bình thường hoặc so với phần lớn trẻ khác; hành vi ứng xử hung hăng, mất kiểm soát và chống đối; dễ nóng nảy và cáu kỉnh; né tránh các tương tác xã hội; mất hứng thú với các hoạt động yêu thích; ăn mất ngon hoặc ăn quá nhiều...