Đám cưới của 23 gia đình công nhân có hoàn cảnh khó khăn được tổ chức tại trung tâm tiệc cưới ở TP Thái Nguyên. Chiều cùng ngày, họ đã dâng hương tại khu di tích Thanh niên xung phong Đội 91 Bắc Thái và chụp ảnh lưu niệm tại quảng trưởng Võ Nguyên Giáp.
Bà Chu Thị Xuân Hảo, Trưởng ban Tuyên giáo Nữ công, Liên đoàn Lao động Thái Nguyên, cho hay vàng cưới là quà mừng truyền thống, thiết thực cho công nhân để dành hoặc lấy vốn làm ăn sau này. Ngoài quà mừng, các đôi được hỗ trợ chụp ảnh cưới, trang phục, trang điểm và nhận vé trăng mật tại khu du lịch trên địa bàn.
23 cặp được chọn trong số 60 hồ sơ gửi về và đều có hoàn cảnh đặc biệt. Có công nhân mồ côi cha mẹ; người nặng gánh nuôi em câm điếc bẩm sinh, mẹ già, cha ốm nặng nên chưa có tiền làm đám cưới. Có cặp dành dụm hết tiền lương chạy chữa hiếm muộn, không còn tích lũy. Có gia đình con đã lớn khôn, cô dâu mới sinh và cũng có người đang mang bầu vài tháng.
Đám cưới có đại diện công đoàn làm chủ hôn, cha mẹ, họ hàng hai bên và con cái của công nhân. Theo bà Hảo, lễ cưới ngoài mục đích chia sẻ với người lao động còn để họ yên tâm sản xuất. Bởi không phải ai cũng có điều kiện tổ chức lễ cưới tươm tất, nhất là lao động xa quê.
Cô dâu Trần Thị Thanh Hương, 35 tuổi, đứng trong hôn trường rưng rưng nước mắt nắm chặt tay chú rể Đào Xuân Tuyến, 37 tuổi. Được mặc váy cưới là niềm mong ước của nữ công nhân suốt 13 năm qua.
Vợ chồng chị đăng ký kết hôn từ năm 2009. Nhưng cách đám cưới 9 ngày, anh trai ruột chị Hương qua đời nên họ đành hoãn cưới để tổ chức đám tang. Gia đình sau đó làm vài mâm cơm báo hỷ mà chưa thể có đám cưới trọn vẹn. Hai con gái, trai lần lượt ra đời cùng việc chăm sóc mẹ già khiến vợ chồng bàn nhau tích cóp dựng nhà trước. Chị làm công nhân, anh phụ hồ, thu nhập mỗi tháng vừa đủ nuôi mẹ già, con nhỏ.
Nhiều lần dự đám cưới đồng nghiệp hay người quen, chị Hương lại ao ước khi nhìn cô dâu mặc váy trắng. Nhưng chị chưa bao giờ nói thành lời với chồng. Hồi yêu rồi xác định cưới, chị Hương biết anh mang di chứng da cam. Thương anh tính thật thà, chị vẫn quyết lấy. Phần anh Tuyến, bao năm vẫn luôn thấy mình có lỗi khi chưa thể cho vợ một đám cưới tươm tất.
"Vợ chồng cùng nhau nếm trải vui buồn, sướng khổ quan trọng hơn một đám cưới linh đình. Chờ các con lớn chút nữa, dành dụm thêm chút tiền tổ chức sau cũng được", chị từng động viên anh.
Khi công đoàn công ty thông báo nộp hồ sơ làm đám cưới tập thể, chị Hương gửi đăng ký và không nghĩ được duyệt khi thấy còn nhiều đồng nghiệp khó khăn hơn. Cuối tháng 9 nhận được tin mừng, hai vợ chồng không ngủ vì hạnh phúc. Hôm thử váy cưới, chị Hương thấy mình như trẻ lại.
Nắm chặt tay vợ trên sân khấu, anh Tuyến thay mặt 23 đôi vợ chồng cảm ơn các bên đã tổ chức cho họ đám cưới trọn vẹn, hứa sẽ cùng vun đắp hạnh phúc gia đình. Anh hy vọng chương trình được duy trì mỗi năm để công nhân có hoàn cảnh đặc biệt khác được san sẻ.
Năm 2019-2022, Liên đoàn Lao động tỉnh Thái Nguyên tổ chức đám cưới tập thể cho hơn 60 gia đình công nhân có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn.
Hồng Chiêu