Thông tin nêu trên vừa được Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đưa ra trong buổi cung cấp thông tin định kỳ quý II. Theo đánh giá của Trưởng ban Thu - ông Trần Đình Liệu, một số quy định trong Luật Bảo hiểm xã hội hiện hành còn chưa phù hợp. Ví dụ như quy định về điều kiện hưởng trợ cấp hưu trí, tuổi nghỉ hưu thấp so với các nước trên thế giới và trong khu vực, cho phép người lao động có dưới 20 năm đóng bảo hiểm xã hội nhận trợ cấp một lần... chưa phù hợp.
Bên cạnh đó, quy định về tính mức bình quân tiền lương, tiền công tháng làm căn cứ tính hưởng bảo hiểm xã hội còn có sự khác biệt giữa khu vực hành chính, sự nghiệp, doanh nghiệp Nhà nước, lực lượng vũ trang và các doanh nghiệp ngoài Nhà nước.
Cũng theo ông Liệu, hiện tại, Quỹ hưu trí và tử tuất có nguy cơ mất cân đối trong tương lai gần do mức đóng chưa tương xứng với mức hưởng, tỷ trọng giữa số tiền chi trả chế độ so với số thu từ đóng góp của người lao động và người sử dụng lao động hằng năm có xu hướng tăng nhanh.
Theo dự báo của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), với các chính sách hiện hành thì Quỹ hưu trí và tử tuất đến năm 2021 thu trong năm không đủ chi, để bảo đảm khả năng chi trả, phải lấy từ nguồn kết dư của Quỹ. Đến năm 2034, phần kết dư không còn, số chi lớn hơn rất nhiều lần so với số thu, nguy cơ vỡ Quỹ sẽ trở thành thực tế.
Nguyên nhân chính của thực trạng trên là do nợ đóng, chậm đóng bảo hiểm xảy ra còn khá phổ biến, đặc biệt là ở các doanh nghiệp ngoài quốc doanh và các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (chiếm trên 70% tổng số nợ). Điều này làm ảnh hưởng đến nguồn thu Quỹ BHXH và quyền lợi của người lao động.
Một trong những nguyên nhân chính của tình trạng nợ đóng, chậm đóng bảo hiểm xã hội là do Luật hiện hành quy định lãi chậm đóng bằng mức lãi suất của hoạt động đầu tư từ Quỹ Bảo hiểm xã hội trong năm. Trong khi đó mức lãi suất của hoạt động đầu tư từ Quỹ thường thấp hơn nhiều so với lãi suất cho vay của các ngân hàng. Mặt khác, mức phạt tiền đối với các hành vi vi phạm pháp luật về bảo hiểm theo quy định còn thấp. Vì vậy, nhiều doanh nghiệp cố tình nợ đóng, chậm đóng và chấp nhận chịu phạt để chiếm dụng tiền.
Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, để cân bằng Quỹ giữa đóng và hưởng trong thời gian tới, 8 nhóm giải pháp sẽ được thực hiện.
Luật Bảo hiểm Xã hội sửa đổi sắp tới sẽ sửa nâng mức lãi phạt chưa đóng, chậm đóng bằng 2 lần lãi suất liên ngân hàng. Đồng thời, hướng tới mục tiêu đầu tư tăng trưởng Quỹ, sửa đổi hình thức đầu tư “Cho ngân hàng thương mại của Nhà nước vay” bằng hình thức “Gửi tiền tại ngân hàng thương mại do Nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ”. Đồng thời, Luật cũng bổ sung hình thức đầu tư “Ủy thác đầu tư thông qua các hợp đồng quản lý đầu tư”.
Những giải pháp căn cơ cũng sẽ được chú trọng như mở rộng đối tượng theo hợp đồng lao động có thời hạn từ một tháng đến dưới 3 tháng được giao kết bằng văn bản. Quy định này sẽ được áp dụng từ 1/1/2018 để có tính khả thi do hiện nay công tác quản lý lao động chưa đáp ứng được yêu cầu.
Bên cạnh đó, tuổi nghỉ hưu cũng sẽ tăng lên, quy định lộ trình tăng tuổi hưu đối với từng nhóm đối tượng theo hướng từ năm 2016 trở đi thực hiện tăng tuổi nghỉ hưu đối với cán bộ, công chức, viên chức. Sau đó từ năm 2020 trở đi sẽ thực hiện tăng tuổi nghỉ hưu đối với các nhóm đối tượng còn lại theo phương thức: cứ mỗi năm tăng thêm 4 tháng tuổi cho đến khi đạt 60 tuổi đối với nữ và 62 tuổi đối với nam. Riêng đối với lực lượng vũ trang thực hiện theo quy định của Luật Sĩ quan quân đội nhân dân Việt Nam hoặc Luật Công an nhân dân.
Theo Chinhphu