Chị Huyền, Thái Hà, Đống Đa, Hà Nội đến làm việc tại một công ty phần mềm từ tháng 6 năm ngoái. Đã chuyển sổ bảo hiểm sang, nhưng công ty không chịu đóng tiếp cho chị. Nửa năm sau, chị phải gửi sổ vào một công ty khác để nộp nhờ.
Phí dịch vụ ban đầu để được gửi sổ tại đây là 3 triệu đồng. Mỗi tháng chị chuyển cho công ty này hơn 800.000 đồng để đóng các khoản bảo hiểm xã hội, y tế và thất nghiệp.
Nhiều lao động đang tự bỏ tiền để đóng các loại bảo hiểm. Ảnh: Anh Quân |
"Lãnh đạo công ty mình hứa hẹn nhưng không biết phải chờ đến khi nào. Mình lo rằng nếu sang năm sinh con, mà công ty vẫn chưa chịu đóng thì sẽ không được hưởng chế độ, rất thiệt thòi", chị Huyền cho hay.
Đi làm được 5 năm nay, chuyển 3 công ty nhưng chị Thu, Nghĩa Tân, Cầu Giấy vẫn chưa có sổ bảo hiểm. Lần sinh con đầu tiên cách đây 2 năm, chị không được chế độ thai sản. Làm việc ở công ty hiện tại được hơn một năm, chị Thu cũng chưa được làm sổ.
"Lúc mới được tuyển dụng, họ cho biết sẽ làm thủ tục đóng bảo hiểm sau khi hết thời gian thử việc 3 tháng. Tuy nhiên, tôi được ký hợp đồng chính thức khoảng một năm nay, công ty vẫn chưa làm sổ", chị Thu nói.
Không chỉ riêng chị Thu mà có 8 trong số 12 nhân viên của công ty này hiện chưa được làm thủ tục cấp sổ. 4 người khác là nhân viên cũ, có sổ từ lâu nhưng từ tháng 5 năm ngoái, họ phải tự góp tiền hàng tháng để đóng.
Đã nhiều lần, các nhân viên này đề xuất công ty có thể cắt giảm một phần lương để đóng bảo hiểm nhưng lãnh đạo vẫn không có phản hồi. Vừa rồi, chị Thu phải chi 2 triệu để làm sổ bảo hiểm và đóng nhờ thông qua một doanh nghiệp khác.
Chị Hoài, phụ trách hành chính - nhân sự tại một công ty du lịch tại Từ Liêm cho biết cũng đang nhận đóng bảo hiểm cho một số lao động ở đơn vị khác. Ban đầu chị chỉ nhận đóng giúp một số người quen. Gần đây thấy nhiều người có nhu cầu nên chị làm dịch vụ thu phí. Mỗi người xin cấp sổ mới chị thu 2,5 triệu đồng, còn lại là 2 triệu đồng.
"Tiền đóng bảo hiểm có thể thanh toán hằng tháng hoặc theo quý. Ai có nhu cầu đóng cao hơn cũng được. Hiện nay, chủ yếu những người gửi qua công ty mình là nộp theo mức tối thiểu, gồm bảo hiểm xã hội, y tế và thất nghiệp là hơn 800.000 đồng", chị Hoài nói.
Từ tháng 9 năm ngoái đến nay, chị Hoài làm dịch vụ cho 16 trường hợp, gồm cả xin cấp sổ mới và đóng tiếp. "Một số người đã xin rút sổ chuyển về công ty họ. Hiện còn 7 người vẫn gửi đóng qua đơn vị mình. Nếu họ nghỉ thai sản, ốm đau... mình có thể hỗ trợ làm thủ tục giải quyết chế độ", chị Hoài cho hay.
Trong quý đầu năm 2013, số nợ đọng do trốn bảo hiểm xã hội của các doanh nghiệp lên tới 8.000 tỷ đồng. Các chuyên gia cho rằng, nhiều doanh nghiệp né tránh nghĩa vụ đóng bảo hiểm một phần là do khó khăn về tài chính. Tuy nhiên, không ít đơn vị có ý đồ chiếm dụng vốn, đem tiền bảo hiểm đi đầu tư, kinh doanh. Hiện những hình phạt đối với sai phạm này vẫn chưa đủ sức răn đe nên tình trạng tái phạm cứ tiếp diễn.
Trao đổi với VnExpress.net, luật sư Trần Đình Triển - Trưởng Văn phòng Luật Vì Dân cho biết, người lao động có thể khởi kiện nếu doanh nghiệp không chịu nộp các loại bảo hiểm xã hội, y tế.
"Né tránh đóng các loại bảo hiểm bắt buộc là vi phạm Luật Lao động. Nếu cứ lẳng lặng gánh chịu thì người thiệt thòi cuối cùng sẽ là người lao động. Khi ốm đau, thai sản, nghỉ hưu... họ sẽ không được hưởng chế độ gì", ông Triển cho hay.
Ngọc Minh