Cuối 2022, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 30 về phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bằng sông Hồng đến 2030, tầm nhìn 2045.
Tại hội nghị sáng 12/2 triển khai nghị quyết này của Bộ Chính trị, Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng GRDP vùng bình quân khoảng 9% một năm đến năm 2030, tăng 1,06% so với giai đoạn 2005-2020 và tăng khoảng 3 lần so với năm GRDP năm 2020.
Trong đó, công nghiệp và xây dựng vẫn là lĩnh vực chủ chốt, đóng góp khoảng 47% vào tăng trưởng; dịch vụ đóng góp 41%, thuế sản phẩm trừ trợ cấp 8,5% và nông, lâm và thuỷ sản 3,5%.
GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 274 triệu đồng một người một năm. Tới 2030, tốc độ tăng năng suất lao động xã hội của vùng này bình quân đạt hơn 7%; đóng góp bình quân của năng suất tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng khoảng 55%.
Kinh tế số đạt khoảng 35% GRDP; tỷ lệ đô thị hoá trên 55%. Vùng đồng bằng sông Hồng cũng đặt mục tiêu 10 năm tới đạt tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ 48-52%; giảm ít nhất 9% lượng phát thải khí nhà kính...
Để đạt mục tiêu này, 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp được Chính phủ giao Bộ Xây dựng hoàn thành lập Quy hoạch Vùng đồng bằng sông Hồng, trong đó lưu ý không gian phát triển cân bằng, gắn với hành lang kinh tế để kết nối nội vùng, liên vùng và các đầu mối trung tâm kinh tế.
Các bộ, ngành hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển vùng, liên vùng; phát triển kết cấu hạ tầng đô thị bền vững, gắn với công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; sửa đổi Luật Thủ đô để có cơ chế, chính sách vượt trội cho Hà Nội phát huy vai trò là đầu tàu, động lực phát triển của vùng và cả nước.
Mô hình, cơ chế đặc thù cho vùng cũng sẽ được thí điểm để tạo đột phá phát triển Thủ đô Hà Nội, tam giác động lực tăng trưởng Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh.
Vùng đồng bằng sông Hồng gồm 11 tỉnh, thành: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên; và Thái Bình, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình. Vùng được coi là cửa ngõ phía bắc kết nối Việt Nam với ASEAN và phát triển kinh tế, thương mại với Trung Quốc.
Tỷ trọng đóng góp vào GDP cả nước của vùng tăng từ 27% năm 2010 lên gần 30% vào 2020. Thu nhập bình quân đầu người cao hơn 1,3 lần so với bình quân chung cả nước. Vùng này đóng góp gần 33% tổng thu ngân sách cả nước, với tốc độ tăng thu bình quân 16,7% một năm...