Con trai út của tôi rất cao so với các bạn cùng trang lứa, bản thân vợ chồng tôi và con lớn cũng rất cao. Con lớn tôi 15 tuổi cao 1,79 m, tôi cao 1,77 m. Thế nhưng tôi lo lắng khi thấy nửa năm lại đây chiều cao của con trai út giữ nguyên. Ngoài ra cháu có biểu hiện dậy thì sớm như bắt đầu mọc lông. Cháu chơi thể thao nhiều, bao gồm bơi lội, đá banh, đi xe đạp.
Xin hỏi bác sĩ, cháu có thể bị ngưng cao từ 12 tuổi hay không? Có cách gì giúp cháu cao thêm không? (Sơn)
Trả lời
Chào bạn,
Quá trình tăng trưởng của trẻ chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố, trong đó có hai yếu tố cơ bản là di truyền (giới, chủng tộc, yếu tố gene) và môi trường (bà mẹ, điều kiện kinh tế, khí hậu, hoạt động thể chất, stress và quan trọng là yếu tố dinh dưỡng).
Trong các yếu tố trên thì gene di truyền là yếu tố quyết định chiều cao của trẻ, nghĩa là chiều cao của trẻ phụ thuộc vào chiều cao của bố mẹ. Khi bé một tuổi, chiều cao trung bình là 75-76 cm. 2 tuổi, chiều cao trung bình của trẻ là 86 cm. Có thể ước tính chiều cao khi bé 2 tuổi nhân đôi sẽ ra chiều cao trung bình khi bé lớn. Có thể tính chiều cao của bé trên một tuổi theo công thức sau:
Chiều cao (cm) = 75 + (n-1) x 6 (hoặc 7)
Trong đó: n là số tuổi của bé, 6 hoặc 7 là số cm trẻ tăng trung bình trong một năm.
Đến tuổi dậy thì (đối với bé trai khoảng 13-17 tuổi, bé gái 10-13 tuổi) lại có sự tăng vọt về chiều cao. Trong thời gian này có năm bé có thể tăng 8-10 cm. Sau tuổi dậy thì, chiều cao mỗi năm chỉ tăng khoảng một cm, đến 18 tuổi thì dừng lại.
Để có thể giúp con bạn phát triển chiều cao, nên lưu ý:
- Chế độ ăn hằng ngày cần đủ 4 nhóm thực phẩm gồm đạm, tinh bột, chất béo, vitamin và khoáng chất. Nên sử dụng nhiều thực phẩm có hàm lượng canxi cao như tôm, cua, cá, đặc biệt là sữa vì sữa có chứa một lượng canxi lớn giúp cho hệ xương phát triển tốt hơn.
Ngoài ra có thể bổ sung thêm vitamin A, kẽm cũng góp phần kích thích phát triển chiều cao.
- Hàng ngày động viên con bạn ăn, ngủ điều độ. Buổi tối cố gắng đi ngủ trước 10h vì hoóc môn tăng trưởng của cơ thể tiết ra cao nhất là vào ban đêm, khoảng 22-24h khi mà cháu đã ngủ say. Nếu ngủ quá muộn, ngủ nhiều ban ngày thì lượng hoóc môn tiết ra rất ít, ảnh hưởng đến phát triển chiều cao.
Bên cạnh đó, bạn vẫn cần khuyến khích cháu luyện tập thể dục thể thao thường xuyên. Những trẻ hoạt động thể thao thường xuyên thường cao hơn so với trẻ ít vận động.
Vì vậy bạn có thể xem xét lại chế độ dinh dưỡng, tập luyện, nghỉ ngơi của cháu để điều chỉnh, giúp cháu tiếp tục phát triển chiều cao.
Thạc sĩ, bác sĩ Doãn Thị Tường Vi
Phòng khám dinh dưỡng, Trung tâm y tế dự phòng Hà Nội