Trước đó một ngày, trong buổi họp trực tuyến, một nhà phân tích ở Australia đã đặt câu hỏi thẳng thắn khi tôi nói Việt Nam đang hướng tới tăng trưởng 8%: "có quá tham vọng trong bối cảnh kinh tế năm nay?".
Đây không phải lần đầu tôi nghe thấy câu hỏi này. Trong hai tháng đầu năm, đã ba lần tôi được hỏi "tham vọng quá hay không?", "làm thế nào đạt được?" khi nhắc tới con số 8% trong những buổi chia sẻ với đồng nghiệp nước ngoài. Nhiều chuyên gia Việt Nam cũng tâm tư "đạt được bằng cách nào?". Còn Thủ tướng thừa nhận: "Mục tiêu như thế, không làm không được. Do đó, có rất nhiều việc phải làm và nỗ lực phải rất lớn".
Vậy mục tiêu này ở đâu ra? Theo Cổng Thông tin Chính phủ, con số này là tính toán để thoát bẫy thu nhập trung bình, đạt khát vọng vươn mình trong kỷ nguyên mới. Muốn thoát bẫy thu nhập trung bình, Việt Nam phải duy trì tăng trưởng cao, bền vững liên tục từ nay tới năm 2045. 8% chỉ là thách thức ban đầu.
Biết mục tiêu là như vậy, làm sao đạt được nó? Trước hết, phải khơi thông những điểm nghẽn đã ngăn chúng ta tăng trưởng 8% trước đây.
Điểm nghẽn đầu tiên là thiếu tiền, và có tiền mà không tiêu được. Tại Hội nghị chuyên đề và định hướng phát triển thị trường chứng khoán trong xu hướng hội nhập do Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tổ chức ngày 21/2, Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng ước tính, chúng ta cần nguồn vốn hơn 4 triệu tỷ đồng, tương đương 160 tỷ USD. Nếu so với mặt bằng GDP hàng năm, trên 400 tỷ USD của Việt Nam, thì đây là con số rất lớn. Năng lực hấp thu của nền kinh tế đối với khoản vốn này, nguồn huy động từ đâu, và địa chỉ dòng vốn đó đổ vào, có gây ra lạm phát cao hay không, đều là chủ đề tranh luận.
Nhưng điều quan trọng hơn, là tiền đổ vào thì tạo ra sản phẩm gì, bán đi đâu? Vì nếu chỉ đổ vào bất động sản hay tiêu dùng tư nhân, nó sẽ tạo ra tăng trưởng GDP nhưng đồng thời cũng đẩy mặt bằng giá cả lên cao, đốt nóng nền kinh tế một thời gian, rồi... thôi; không tăng năng suất và kinh tế tư nhân trong nước tiếp tục bị lấn át bởi khối ngoại. Đó là điểm đáng lo và cũng liên quan đến điểm nghẽn thứ hai.
Điểm nghẽn thứ hai là vị trí của doanh nghiệp tư nhân Việt Nam và hàng hóa nội địa trong chuỗi cung ứng toàn cầu không được gia tăng đáng kể trong một thập kỷ qua.
Cuối năm 2024, khi đi dạo tại một cửa hàng sang trọng trong sân bay, tôi bắt gặp một chiếc áo giá hơn nghìn bảng Anh của một thương hiệu nổi tiếng, sản xuất ở Việt Nam. "Made in Vietnam" là một niềm tự hào nhưng nó chỉ có thể đưa chúng ta thoát nghèo. Bởi Việt Nam chỉ góp một phần rất nhỏ vào tổng giá bán nghìn bảng đó, mà theo một người bạn trong nghề nói với tôi, chắc chỉ vài chục bảng, trong khi phần lớn công việc vất vả do ta làm. Công đoạn thu nhiều tiền như thiết kế, marketing, đưa lên kệ, đưa tới tay người giàu đều do người ta nắm hết. Họ nắm "chuỗi cung ứng, tên tuổi và mạng lưới người nổi tiếng", bạn tôi kết luận.
Trên chuyến bay, tôi cứ ngẫm nghĩ về câu chuyện này và liên hệ với những mục tiêu của Việt Nam. Muốn thoát ra khỏi nước thu nhập trung bình, mục tiêu sâu xa mà tăng trưởng 8% hướng tới phải là: không chỉ sản xuất "made in Vietnam" mà phải "thiết kế, sáng chế bởi doanh nghiệp Việt Nam" nữa.
Mô hình tăng trưởng cũ, chỉ hướng tới "made in Việt Nam" có một điểm nghẽn quan trọng: giá trị gia tăng chủ yếu bị doanh nghiệp nước ngoài thâu tóm. Cụ thể, tính đến hết ngày 15/12/2024, tổng trị giá xuất khẩu của Việt Nam đạt hơn 385 tỷ USD, tăng 13,9%, doanh nghiệp FDI đóng góp khoảng 71% số đó. Doanh nghiệp nội địa vẫn mắc căn bệnh mà một số chuyên gia gọi là "không chịu lớn".
Điều gì khiến các doanh nghiệp nội địa không chịu lớn? Sự cản trở đến từ nhiều nơi, trong đó có môi trường kinh doanh và luật lệ.
Tổng Bí thư Tô Lâm gọi tên những cản trở đó là "thể chế". Nhân dịp về Việt Nam dự một số hội thảo vào tháng 10/2024, tôi nhận ra vấn đề "thể chế" này ở khắp nơi: từ chuyện chuyển đổi xanh cho tới ứng dụng AI trong trường học... Doanh nghiệp, tổ chức phi chính phủ, ngân hàng muốn chuyển đổi xanh nhưng phải chờ bộ tiêu chí phân loại xanh, chờ đến hàng năm. Trường học muốn ứng dụng AI nhưng phải chờ vô số cuộc họp, mà vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể cái gì được dùng AI, cái gì không.
Những chuyện đó cho thấy, chưa cần tới mô hình tăng trưởng gì ghê gớm, mà chỉ cần làm sao cho doanh nhân, công ty khởi nghiệp của người Việt có thể dễ dàng thử nghiệm nhanh, thậm chí sẵn sàng chấp nhận thất bại nhanh để lại bắt tay vào thử nghiệm khác, thay vì ngồi không chờ thủ tục...
Mô hình quản lý phải đơn giản sao cho doanh nghiệp, nhà khoa học, chuyên gia trong nước dễ dàng tham gia các dự án với những tên tuổi hàng đầu thế giới. Như thế, Việt Nam mới có cơ hội chia sẻ miếng bánh lớn hơn trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Được làm chung với thế giới ở các khâu giá trị nhất, người Việt mới "học nghề" được, mới cho họ biết chúng ta "làm được", mới có những đơn hàng ở các khâu "sang chảnh, đắt tiền" nhất.
Muốn vậy, ý tưởng về mô hình quản lý một cửa hoặc rất ít cửa trước đây từng nêu lên phải được cụ thể hóa. Thủ tục phải đơn giản, doanh nghiệp phải có địa chỉ hỗ trợ kịp thời về hành chính, quy trình. Văn bản trả lời của cơ quan quản lý cũng cần bớt đánh đố, tránh tình trạng doanh nghiệp đọc hiểu kiểu nào cũng... có thể sai.
Tôi nhấn mạnh đến khu vực tư nhân, nhưng logic tương tự cũng áp dụng được cho một động lực tăng trưởng khác là đầu tư hạ tầng, giải ngân ngân sách.
"Làm sao các địa phương giải ngân được?" - câu hỏi đặt ra trong vài năm qua chỉ là bắt bệnh chữa triệu chứng. Cách trị gốc phải nằm ở chỗ: địa phương cần hạ tầng gì là có thể huy động vốn giải quyết nhanh gọn, rốt ráo. Nghĩa là họ không cần quan tâm đến việc làm sao giải ngân, mà họ lên kế hoạch tăng trưởng, biết địa chỉ cần chi, được linh hoạt trong huy động nguồn vốn và xác định địa chỉ giải ngân. Được quyền linh hoạt tất nhiên phải đi chung với trách nhiệm giải trình và chấp nhận chỉ tiêu tăng trưởng cao hơn.
Chung quy lại, tạo được cơ chế ít cửa, ít dấu, ít quy định đánh đố người thực thi, thì mới hy vọng tăng trưởng 8%.
Định hướng sắp xếp, tinh gọn bộ máy của Chính phủ là một hướng đi đúng. Nhưng sắp xếp và tinh gọn bản thân nó không vì mục tiêu tinh gọn không thôi, mà phải hướng đến chỗ: làm sao để người dân và doanh nghiệp ít phải loay hoay với thủ tục nhất, ít phải hỏi xin ý kiến nhất.
Khi quyền tự chủ trong làm ăn được nâng lên, doanh nhân sẽ mạnh dạn đột phá, xâm nhập sâu hơn vào chuỗi cung ứng, mạnh dạn hợp tác với những tên tuổi hàng đầu thế giới. Nói cách khác, nếu cởi trói về quy định, Việt Nam mới không cần "dọn tổ đón đại bàng" mà sẽ có cơ hội bay chung với đại bàng.
Ít cửa, ít dấu, ít phải hỏi không phải là chuyện bây giờ mới nói, mà Việt Nam đã hướng tới nhiều năm trước, nhưng chưa được triển khai triệt để, khiến giấc mơ tăng trưởng thần kỳ chưa đạt được. Nay muốn đạt được chỉ số tăng trưởng này, trước hết phải làm sống lại tham vọng cải cách mô hình quản lý kinh tế.
Hồ Quốc Tuấn