Nội dung trên được Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết trong phiên chất vấn tại Quốc hội sáng nay (9/11) khi trả lời câu hỏi của đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) về vấn đề phát triển vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
"Nguồn tăng thêm từ ngân sách 2 tỷ USD này, có khoảng 1,05 tỷ USD sẽ dùng xây dựng toàn bộ tuyến đường ven biển, một số hồ ở An Giang và vài tuyến giao thông quan trọng", Bộ trưởng Dũng thông tin và cho biết thêm, nguồn từ Trung ương còn sử dụng để hỗ trợ các dự án trọng điểm có tính chất liên vùng.
Ngoài nguồn lực từ Trung ương, Bộ Giao thông vận tải sẽ tính toán để xây dựng những tuyến đường quốc lộ, đặc biệt là đường cao tốc Cà Mau - Bạc Liêu và Bạc Liêu - Cần Thơ, dự kiến hoàn thành đến năm 2025. Ngoài ra, một phần nguồn lực phát triển là từ các địa phương để thực hiện những dự án hạ tầng, đồng thời còn có hợp tác đối tác công tư, tức là huy động vốn từ xã hội.
Những nguồn lực này chuẩn bị cho kế hoạch tổng thể phát triển vùng đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng. Kế hoạch này gồm rà soát, xây dựng cơ chế điều phối vùng; lập quy hoạch vùng đến năm 2030 và tầm nhìn 2050; xây dựng danh mục dự án đầu tư quan trọng và bố trí nguồn lực thực hiện.
Theo Bộ trưởng Dũng, hai mục tiêu đầu tiên về lập hội đồng vùng, xây dựng cơ chế điều phối và lập danh mục dự án quan trọng đã được hoàn thành. Vấn đề lập quy hoạch vùng đến năm 2030, tầm nhìn 2050 đã và đang được Bộ lấy ý kiến, dự kiến tháng 12 sẽ trình Chính phủ.
Trước đó, vấn đề hạ tầng giao thông được nhiều đại biểu nêu ra trên nghị trường. Đại biểu Nguyễn Thanh Xuân (Cần Thơ) cho rằng, hơn 10 năm qua, phát triển hạ tầng giao thông khu vực Đồng bằng sông Cửu Long "quá chậm và khiêm tốn".
Cả khu vực mới có 41 km cao tốc TP HCM - Trung Lương, đang làm thêm 52 km Trung Lương - Mỹ Thuận và 23 km Mỹ Thuận - Cần Thơ. Khi hoàn thành, cả vùng chỉ có 115 km đường cao tốc, quá ít so với đóng góp 13% GDP cả nước.
Đại biểu Hồ Thị Cẩm Đào chung đánh giá khi cho rằng, Đồng bằng sông Cửu Long có tới 80% khối lượng hàng hóa vận chuyển bằng đường bộ tới các cảng TP HCM để xuất khẩu. Mạng lưới đường bộ của vùng hình thành trên cơ sở 5 tuyến trục dọc và các tuyến trục ngang kết nối, nhưng đến nay mới có 40 km đường cao tốc.
"Các tuyến trục dọc vẫn chưa được đầu tư hoàn chỉnh theo quy hoạch, vì vậy tạo thành những điểm nghẽn thường xuyên gây ùn tắc giao thông. Trong khi đó, các tuyến trục ngang đã cơ bản hình thành nhưng quy mô và chất lượng đường còn yếu kém, chưa đáp ứng được nhu cầu vận tải của các tỉnh trong vùng", đại biểu nói và kiến nghị sớm đầu tư các dự án giao thông.
Minh Sơn