Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Hoàng Đức, Trưởng khoa Tiết niệu, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM, cho biết nữ bệnh nhân 59 tuổi ở TP HCM nhập viện cách đây vài ngày do đau hông bên trái kéo dài. Cách đây 15 năm người này từng trải qua ca mổ hở lấy sỏi thận. Đến nay biết có viên sỏi rất lớn ở thận trái song bà không dám điều trị vì sợ đau, có bệnh viện còn chỉ định cắt bỏ một bên thận.
Kết quả CT scan cho thấy bệnh nhân mang sỏi san hô lớn đường kính 74x48 mm. Tảng sỏi chiếm hết toàn bộ thận trái và các đài thận. Theo bác sĩ, đây là trường hợp sỏi thận phức tạp, hiếm gặp, được gọi là sỏi san hô vì có hình dạng như một tảng san hô. Nếu không điều trị, sỏi sẽ lớn thêm và tàn phá hết nhu mô thận, làm mất chức năng thận dẫn đến suy thận hoặc gây những đợt nhiễm trùng thận, nặng có thể đe dọa tính mạng. Do vậy bệnh nhân cần phẫu thuật ngay.
Bác sĩ quyết định phẫu thuật nội soi lấy sỏi qua da cho bệnh nhân. Theo đó, các phẫu thuật viên tạo một đường hầm nhỏ xuyên từ ngoài da vào trong thận để tán sỏi và gắp vụn sỏi ra ngoài. Vì tính chất phức tạp của sỏi nên không thể lấy sạch trong một lần mổ được mà phải tiến hành thành nhiều đợt. Qua mỗi lần phẫu thuật, người bệnh nằm lại viện một đêm, sau đó về nhà nghỉ ngơi vài ngày rồi trở lại điều trị tiếp.
Qua 4 lần nội soi gắp sỏi, người bệnh đã sạch gần 98% sỏi san hô, chỉ còn sót lại một mảnh vụn sỏi khoảng 5 mm. Ca phẫu thuật không cần truyền máu, người bệnh hồi phục nhanh. Bác sĩ Đức cho biết, lần tới bệnh nhân đến tái khám sẽ được tán sỏi ngoài cơ thể cho sạch hết mà không cần phẫu thuật.
Bác sĩ Đức khuyến cáo, Việt Nam nằm trong vùng dịch tễ sỏi thận của châu Á. Có thể khí hậu ở vùng nhiệt đới khiến cơ thể dễ bị mất nước làm tăng sự cô đặc nước tiểu, các tinh thể canxi dễ lắng đọng trong nước tiểu và hình thành sỏi. Phẫu thuật điều trị sỏi niệu luôn chiếm 60-70% khối lượng công việc của các bác sĩ chuyên khoa Tiết niệu ở hầu hết bệnh viện trong nước.
Sỏi niệu gặp ở mọi lứa tuổi, từ trẻ em đến người lớn. Độ tuổi thường gặp nhất là từ 40 đến 70. Triệu chứng nổi bật của bệnh là đau tức vùng hông lưng, tiểu máu. Dù vậy, khoảng 30% trường hợp sỏi hình thành trong thận diễn tiến âm thầm không có triệu chứng đặc hiệu. Người bệnh chỉ phát hiện được khi bệnh tiến triển nặng, sỏi đã gây các biến chứng như mủ thận, suy thận, sốc nhiễm trùng…
Trước đây, biện pháp điều trị sỏi san hô là mổ hở lấy sỏi, trường hợp nặng có thể phải cắt bỏ thận. Quá trình mổ lấy sỏi tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai biến như chảy máu sau mổ, xì rò nước tiểu, tổn thương nhu mô thận ảnh hưởng đến chức năng thận. Phẫu thuật nội soi có nhiều lợi ích hơn cho bệnh nhân. Theo đó, các viên sỏi san hô được lấy ra khỏi thận chỉ với một vết mổ nhỏ khoảng 10 mm vùng hông lưng. Ưu điểm của kỹ thuật này là ít sang chấn, ít mất máu, hạn chế ảnh hưởng đến chức năng thận, bệnh nhân đau ít và hồi phục nhanh sau mổ.
Để phát hiện và điều trị sớm sỏi niệu, bác sĩ Đức khuyên người dân thường xuyên kiểm tra sức khỏe định kỳ. Siêu âm bụng là phương tiện tầm soát giúp phát hiện sỏi niệu tốt và sớm nhất. Biện pháp duy nhất để phòng ngừa sỏi niệu là uống nhiều nước, trung bình từ 1,5 đến 2 lít mỗi ngày để hạn chế tình trạng lắng đọng canxi gây ra sỏi thận.
Video Phẫu thuật nội soi tán sỏi cho bệnh nhân