Chính phủ đang trình Quốc hội tăng lương cơ sở từ 1,49 lên 1,8 triệu đồng mỗi tháng, thực hiện từ 1/7/2023. Nếu thông qua, mức lương cơ sở trong khu vực nhà nước sẽ tăng thêm 20,8% sau 3 năm không điều chỉnh. Song nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị tăng sớm từ 1/1 thay vì 1/7 như đề xuất để tháo gỡ khó khăn cho ngành giáo dục, y tế.
Nghị quyết 27 năm 2018 của Trung ương cũng đề ra lộ trình cải cách tiền lương, song hai năm chưa thể thực hiện một phần do đại dịch. Trong khi thu nhập của công chức, lao động khu vực công chịu tác động của bão giá, dịch bệnh... khiến hơn 39.500 người rời khỏi hệ thống từ năm 2020 đến nay.
Tăng lương cơ sở từ 1/1/2023 là hợp lý
Ông Lê Đình Quảng, Phó ban Chính sách Pháp luật, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, cho biết việc áp dụng tăng lương cơ sở vào giữa năm dường như trở thành thông lệ sau khi nghị định tăng lương ban hành năm 2013. Đây là năm đầu tiên chia tách lương tối thiểu chung thành lương cơ sở áp dụng trong khu vực nhà nước với lương tối thiểu vùng trong doanh nghiệp. Không có văn bản nào quy định bắt buộc lấy mốc giữa năm để điều chỉnh, nhưng nếu áp dụng ngay từ đầu năm sẽ tạo thuận lợi cho việc làm kế hoạch cũng như chính sách.
Lương cơ sở được điều chỉnh dựa trên khả năng ngân sách nhà nước, chỉ số giá tiêu dùng CPI và tốc độ tăng trưởng kinh tế của đất nước. Xét ba yếu tố hiện tại đều đủ điều kiện để tăng lương sớm. Ông Quảng phân tích, các đợt trước bình quân tăng 7-9% nên nay tăng 20,8% (thêm 310.000 đồng) chỉ tương đương với mức của ba năm chưa điều chỉnh cộng lại. Nếu xét ngân sách thì con số trên "cũng là phù hợp". Còn tính tới CPI và GDP thì chưa đủ bù đắp do bão giá cũng như chưa đáp ứng nguyện vọng của đông đảo người lao động ở khu vực công.
"Vì vậy cần bù đắp bằng thời điểm tăng lương cơ sở sớm hơn, từ 1/1 chứ không đợi đến 1/7", ông Quảng nói, thêm rằng tăng lương sớm còn góp phần hạn chế tình trạng công chức rời khu vực nhà nước. Công chức rời đi do nhiều nguyên nhân mà lương không đủ sống là yếu tố quyết định trực tiếp.
>> Đề nghị tăng lương cơ sở từ 1/1/2023
Nguyên Thứ trưởng Lao động Thương binh và Xã hội Phạm Minh Huân cũng đồng tình tăng lương từ đầu năm 2023 vì "tăng sớm ngày nào tốt ngày ấy khi đời sống đang chịu tác động của vật giá". Song bài toán khó là tiền bởi điều chỉnh sớm nửa năm thì ngân sách chi cho khoản này sẽ đội gấp đôi, chưa kể phần cho lương hưu, trợ cấp xã hội cũng tăng theo.
Mức tăng 310.000 đồng đủ bù trượt giá để tiền lương thực tế của công chức, viên chức không hao hụt nhiều chứ chưa thể xóa chênh lệch giữa lương khu vực công và tư. Ông Huân nhận định thu nhập công chức làm việc 6-7 năm mới đạt 60-70% so với mức lương lao động trình độ tương đương ở doanh nghiệp. Sự cào bằng đã triệt tiêu động lực của người làm trong khu vực công khi giải quyết công việc hiệu quả, sáng tạo đến mấy cũng chỉ được trả lương từng ấy.
Tạo tiền đề khởi động đề án cải cách tiền lương
Chuyên gia nhấn mạnh tăng lương chỉ là biện pháp trước mắt song sẽ tạo tiền đề khởi động đề án cải cách tiền lương đề ra từ 5 năm trước. Chính sách được Trung ương đặt ra trong Nghị quyết 27 năm 2018, dự kiến thực hiện từ tháng 7/2021. Song lộ trình cải cách lùi sang 1/7/2022 rồi sau năm 2022 và đến giờ chưa rõ thời điểm thực hiện. Mới nhất hôm 20/10 Chính phủ tiếp tục trình Quốc hội chưa cải cách tiền lương trong năm 2023.
Theo ông Huân, bốn vấn đề của cải cách tiền lương là nguồn ngân sách; tổ chức bộ máy biên chế hợp lý thông qua chọn người năng lực; thiết kế hệ thống lương và cuối cùng là cơ chế chi trả. Khu vực tư nhân thu hút được người giỏi vì ngoài trả lương đúng năng lực, vị trí còn có cơ chế khuyến khích trả lương gắn với hiệu suất công việc, chế độ đãi ngộ, thăng tiến, môi trường làm việc không gò bó.
Để khởi động đề án cải cách tiền lương, ông Huân cho rằng cần tiếp tục tinh giản bộ máy, sắp xếp đúng vị trí việc làm. Có những vị trí đảm nhiệm rất nhiều việc, nhưng cũng có những cơ quan số lượng công chức có chức năng chồng chéo thì nên cắt giảm, từ đó mới có nguồn cho tăng lương hàng năm.
Ông Nguyễn Quang Đồng, chuyên gia chính sách công, cho rằng nhà nước cần sớm tính tới phần sau tăng lương hơn là nhích mỗi năm một mức chỉ giải quyết được phần ngọn. Muốn cải cách tiền lương trước tiên phải có tiền và xử lý đồng thời hai khâu: Tăng hiệu quả công việc và giảm số lượng người xuống.
Tinh giản biên chế không phải nói là làm được ngay mà phải chọn lọc nhóm nào cần giảm trước. Ông Đồng đánh giá sẽ rất khó cắt giảm công chức vì khối lượng công việc hành chính nhà nước ngày càng tăng. Khi các hoạt động kinh tế đa dạng, phức tạp hơn thì giao dịch sẽ nhiều thêm và nhu cầu quản lý điều hành của nhà nước tăng chứ không giảm.
Vì vậy giảm quy mô khu vực công có thể bắt đầu từ nhóm viên chức, những người chủ yếu cung cấp dịch vụ công. Lâu dài Nhà nước cần cho tư nhân đấu thầu cung cấp dịch vụ công nhằm giảm sự tham gia của nhà nước xuống. Ông Đồng tin rằng cùng dịch vụ công song để tư nhân cung cấp thì chất lượng hơn và chi phí rẻ hơn, tiết kiệm được một phần ngân sách cho tăng lương. Một phần nguồn tiền còn đến từ tiết kiệm chi thường xuyên, quy định cắt giảm hội họp, in ấn giấy mời, tăng ứng dụng công nghệ thông tin như họp trực tuyến.
Đề án cải cách tiền lương tiến tới xây dựng, ban hành hệ thống bảng lương mới theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo thay thế hệ thống bảng lương hiện hành. Bảng lương mới bảo đảm không thấp hơn tiền lương hiện hưởng, trong đó bãi bỏ mức lương cơ sở và hệ số lương hiện nay, xây dựng mức lương cơ bản bằng số tiền cụ thể. Thiết kế cơ cấu tiền lương mới khu vực công gồm lương cơ bản (chiếm khoảng 70% tổng quỹ lương), các khoản phụ cấp (chiếm 30%); bổ sung tiền thưởng (quỹ tiền thưởng bằng khoảng 10% tổng quỹ tiền lương của năm, không bao gồm phụ cấp).
Bộ Nội vụ thống kê từ năm 2020 đến giữa năm 2022, hơn 39.500 công chức, viên chức thôi việc hoặc chuyển sang khu vực tư. Trong đó có hơn 4.000 công chức và hơn 35.000 viên chức. Tỷ lệ nghỉ ở Trung ương là 18% và địa phương 82%. Trung bình số người thôi việc mỗi năm 15.800, chiếm 0,8% tổng biên chế, tập trung nhiều nhất là giáo dục và y tế.
Hồng Chiêu