Theo kế hoạch cung ứng và vận hành được Bộ Công Thương điều chỉnh hôm nay, sản lượng điện sản xuất, nhập khẩu của Việt Nam năm 2024 dự kiến là 310 tỷ kWh, trong đó mùa khô gần 151 tỷ kWh. Mức này tăng khoảng 4 tỷ kWh so với kế hoạch đưa ra cuối năm ngoái.
Riêng lượng điện cho 4 tháng hè - cao điểm nắng nóng là 111 tỷ kWh, tăng thêm 2 tỷ kWh so với kế hoạch Bộ Công Thương đưa ra cuối 2023.
Việc điều chỉnh này được nhà điều hành đưa ra trên cơ sở nhu cầu sử dụng điện cả nước và miền Bắc tăng vọt trong 3 tháng đầu năm, hơn 11,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Một số địa phương nhu cầu năng lượng cho sản xuất, dịch vụ tăng cao như Quảng Ninh 45%, Khánh Hòa 39%...
Tại báo cáo gửi Chính phủ cuối tuần trước EVN cho biết, miền Bắc có dự phòng nguồn rất thấp, tiềm ẩn rủi ro nếu các yếu tố bất lợi cùng xảy ra như lượng nước về các hồ thủy điện kém, điện than gặp sự cố hoặc giảm công suất.
Để đủ điện cung ứng trước nhu cầu sử dụng tăng cao, tập đoàn này tính tới phương án huy động các nguồn điện diesel mượn của khách hàng để bổ sung trong tình huống khẩn cấp. Hiện, họ đã làm việc với khách hàng, dự kiến có thể huy động hơn 2.700 máy phát điện diesel tại miền Bắc, tổng công suất hơn 3.000 MVA.
Cùng đó, EVN đàm phán để nhập khẩu 1,8 tỷ kWh từ Trung Quốc, tăng gần 700 triệu kWh so với kế hoạch. Việc tăng nhập điện từ Lào qua khu vực Nghệ An, Quảng Trị cũng đang được tập đoàn này đàm phán với các đối tác.
Tại kế hoạch hôm nay, Bộ Công Thương yêu cầu EVN tiếp tục rà soát, cập nhật số liệu hàng tháng để kịp thời điều chỉnh kế hoạch. Tập đoàn này cũng phải tăng giám sát các nhà máy điện, không để xảy ra sự cố. Các tập đoàn PVN, TKV, Tổng công ty Đông Bắc dự phòng, đảm bảo đủ nhiên liệu (than, khí, dầu) cho sản xuất điện.
Với các giải pháp trên, Bộ Công Thương cho hay cung ứng điện mùa khô năm nay sẽ được đảm bảo.
Trước đó, tại công điện hôm 15/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá năm 2024 vẫn tiềm ẩn nguy cơ thiếu điện. Nguyên nhân là nhu cầu tiêu thụ trong thời gian mùa khô (tháng 4-7) được dự báo tăng trưởng rất cao, lên đến 13%, hơn nhiều so với kế hoạch khoảng 9,6%. Riêng miền Bắc dự kiến nhu cầu tiêu thụ tăng kỷ lục 17% so với cùng kỳ năm 2023.
Phương Dung