Hà Nội thực hiện thích ứng an toàn, nới lỏng nhiều hoạt động từ 20/10. Lúc đó, số ca nhiễm hàng ngày tại thủ đô được kiểm soát dưới 20. Sau nửa tháng, số nhiễm tăng lên gấp 5 lần, 7 ngày gần đây tăng 10 lần.
Ngày ghi nhận F0 mới cao nhất là 15/11 với 289 ca nhiễm. Riêng hôm 24/11, thành phố ghi nhận 274 ca mới, trong đó có 159 ca cộng đồng - cao nhất trong 10 ngày qua. Hà Nội đang điều trị cho 2.968 F0 tại 11 bệnh viện, trong đó có 19 ca thở oxy, 3 ca thở máy xâm lấn.
Dịch tại Hà Nội đang ở cấp độ 2 (theo Nghị quyết số 128 của Chính phủ). Trước tình hình diễn biến phức tạp hơn, nhu cầu điều trị sẽ tăng nên chính quyền thành phố đã xây dựng phương án đáp ứng thu dung, điều trị Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát dịch Covid-19 hiệu quả theo mô hình 3 tầng của Bộ Y tế. Ước tính thời gian tới có 2% ca nặng và nguy kịch, 6% mức độ vừa, 92% nhẹ hoặc không có triệu chứng.
"Thành phố kiên định điều trị F0 tập trung tại bệnh viện nhằm giúp họ được chăm sóc tốt hơn, hạn chế nâng tầng điều trị và giảm nguy cơ tử vong", Tiến sĩ Trần Văn Chung, Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội, cho biết.
Hiện, toàn bộ bệnh nhân nhẹ (có biểu hiện không đặc hiệu như sốt, ho khan, đau họng, nghẹt mũi, mệt mỏi, đau đầu, đau mỏi cơ, tê lưỡi, không viêm phổi hoặc thiếu oxy, SpO2 trên 96%, nhịp thở dưới 20 lần/phút) và không triệu chứng (không có biểu hiện lâm sàng, được khẳng định nhiễm nCoV) được điều trị tại tầng 1 - là các cơ sở thu dung và trạm y tế lưu động.
5 cơ sở thu dung, điều trị đã được triển khai tại Thượng Thanh, Long Biên, quy mô 2.000 giường; Ký túc xá Trường Đại học Phenikaa ở quận Hà Đông; Trần Phú, Hoàng Mai quy mô 2.000 giường; Nhà 30T1 - 30T2 ô A14 khu đô thị Nam Trung Yên, Nam Từ Liêm, quy mô 3.000 giường...
Thành phố cũng thí điểm cơ sở thu dung F0 nhẹ không triệu chứng tại cộng đồng ở 5 địa phương: Trung tâm Văn hóa Thể thao phường Thạch Bàn (quận Long Biên) với quy mô 150 giường; Trường THCS Tiền Yên (huyện Hoài Đức) 300 giường; Phòng khám Đa khoa Minh Phú (huyện Sóc Sơn) 200 giường; Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên (huyện Thanh Trì) 300 giường; Trường mầm non Lê Thanh A (huyện Mỹ Đức) 200 giường.
Mỗi cơ sở thu dung, điều trị Covid-19 và trạm y tế lưu động tối thiểu có một nhà vệ sinh, nhà tắm; hai khu vực, một cho nhân viên y tế và một theo dõi, điều trị. Kíp nhân lực của các đơn vị này gồm một bác sĩ, 2-3 điều dưỡng, một dược sĩ trình độ trung học trở lên, phục vụ 50-100 F0.
Dù đã thành lập các trạm y tế lưu động ở một số nơi để điều trị F0 nhẹ, Hà Nội chưa áp dụng mô hình này như ở TP HCM. Các trạm này chỉ hoạt động khi dịch bệnh diễn biến phức tạp và lan rộng trong cộng đồng.
Tầng 2 - điều trị 6% bệnh nhân mức độ vừa. F0 được chăm sóc bởi 19 bệnh viện đa khoa tuyến huyện, thành phố phụ trách, có đủ chuyên khoa và thiết bị chẩn đoán như: Đa khoa Hoài Đức, Quốc Oai, Đan Phượng, Phúc Thọ...
Các bệnh nhân tại đây thường trên 65 tuổi, có bệnh nền hoặc mắc Covid-19 mức độ vừa (viêm phổi, khó thở, thở nhanh 20-25 lần/phút; da khô, nhịp tim nhanh, huyết áp bình thường và không có dấu hiệu suy hô hấp nặng, SpO2 94-96%, có thể khó thở khi đi lại trong nhà, lên cầu thang); trẻ dưới 2 tháng tuổi nhịp thở trên 60 lần/phút; trẻ 2-11 tháng nhịp thở trên 50 lần/phút; trẻ 1-5 tuổi thở trên 40 lần/phút và không có các triệu chứng viêm phổi nặng; X-quang hoặc CT ngực của bệnh nhân cho thấy có tổn thương dưới 50%.
Tầng 3 - điều trị 2% F0 nặng và nguy kịch (thở máy, cần hỗ trợ về chức năng sống, lọc máu, ECMO...) do bệnh viện tuyến thành phố, bệnh viện hạng I và các bệnh viện tuyến trung ương, bộ, ngành đảm nhiệm, gồm: Bệnh viện Điều trị người bệnh Covid-19 (quy mô lớn nhất miền Bắc), Đa khoa Đức Giang, Thanh Nhàn, Xanh Pôn, Hà Đông, Đống Đa... Trong đó, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang và Thanh Nhàn đã nhận nhiệm vụ từ tháng 5. Hai nơi này đang cứu chữa gần 220 bệnh nhân.
Phó giáo sư Hoàng Bùi Hải (Phó giám đốc Bệnh viện Điều trị người bệnh Covid-19) cho biết, đơn vị đang điều trị 134 F0, bao gồm bệnh nhân ở Hà Nội và một số tỉnh thành phía Bắc. Các ca nặng trung bình trở lên chiếm khoảng 20%, đa số 60-70 tuổi, lớn nhất là 96 tuổi. Diễn biến đặc trưng của nhóm này là khó thở, giảm oxy máu, tổn thương phổi rộng kèm bội nhiễm, tắc mạch, sau đó suy đa tạng.
Bệnh viện có nhiều khu, đầy đủ giường hồi sức tích cực (ICU), giường cho bệnh nhân nặng và phòng áp lực âm cho trường hợp đặc biệt. Hai bồn oxy dung tích 18 m3 và 15 m3 đảm bảo phục vụ người bệnh trong 48 giờ liên tục; hệ thống điều hòa không khí riêng cho từng phòng bệnh để giảm nguy cơ lây nhiễm chéo. "Tuy nhiên, nếu ca nhiễm tại Hà Nội tăng, bệnh viện đã có kịch bản ứng phó theo ba giai đoạn 100, 200 và 500 giường - sẵn sàng tiếp nhận thêm nhóm bệnh nhân nhẹ để giảm tải áp lực cho các bệnh viện khác", bác sĩ Hoàng Bùi Hải nói.
Trong đợt dịch thứ 4 (từ ngày 29/4 đến nay), Hà Nội ghi nhận 8.547 ca nhiễm, trong đó 3.204 ca cộng đồng, 5.343 ca tại khu cách ly. Tính đến ngày 24/11, thành phố tiêm được hơn 11,6 triệu liều vaccine; trong đó, tiêm mũi một được 6,18 triệu liều (đạt gần 99% dân số từ 18 tuổi trở lên và hơn 70% tổng dân số), tiêm mũi hai được 5,43 triệu (đạt gần 88% dân số từ 18 tuổi trở lên và gần 60% tổng dân số).
Chính quyền Hà Nội cũng đã xây dựng kịch bản ứng phó nếu thành phố ghi nhận 10.000 ca nhiễm: tầng 1 tăng lên 9.200 giường; tầng 2 có 600 giường; tầng 3 là 200 giường. Trường hợp xuất hiện 40.000 ca, các tầng điều trị lần lượt tăng số giường lên 36.800, 2.400 và 800.
Nếu có 100.000 ca, thành phố chuẩn bị tổng cộng 92.000 giường ở tầng 1 (22.100 giường tại các cơ sở thu dung, điều trị và 69.900 giường tại các trạm y tế lưu động thuộc quận, huyện, thị xã); 6.000 giường ở tầng 2 và 2.000 giường ở tầng 3.
Thùy An - Thúy Quỳnh - Lê Chi