Theo Tiến sĩ Nhã, An Nam Đại quốc họa đồ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, được Giám mục Taberd (Pháp) lập và xuất bản năm 1838 vẽ rất chính xác tọa độ Paracel hay Hoàng Sa của Việt Nam.
Tiến sĩ sử học Nguyễn Nhã tặng bản đồ An Nam Đại quốc họa đồ cho đại diện các tộc họ ở huyện đảo Lý Sơn. Ảnh: Trí Tín |
Tiến sĩ Nhã khẳng định: "Đây là chứng cứ quý, tài liệu duy nhất của người nước ngoài vẽ rất cụ thể, xác lập tọa độ khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa. Đặc biệt trên bản đồ này không ghi bất cứ hòn đảo nào của nước ngoài".
Lễ tiếp nhận bản đồ cổ này được đại diện Bảo tàng hải đội Hoàng Sa và hơn 40 tộc họ ngư dân Lý Sơn tiếp nhận, đặt trang trọng trong bảo tàng, đêm 27/4; cùng với lễ cầu siêu, thả hoa đăng tưởng nhớ những dân binh hơn 150 năm trước vâng mệnh triều đình dong buồm ra khơi khảo sát, bảo vệ chủ quyền lãnh hải ở Hoàng Sa.
Thả hoa đăng trên biển tưởng niệm hải đội Hoàng Sa. Ảnh: Trí Tín |
Sáng nay, Lý Sơn chính thức khai mạc lễ tế khao lề thế lính Hoàng Sa; đồng thời khánh thành quần thể di tích lịch sử hải đội Hoàng Sa kiêm quản Trường Sa. Tổng kinh phí trùng tu, xây dựng quần thể di tích hơn 15 tỷ đồng.
Tại lễ khánh thành, Tiến sĩ Nguyễn Đăng Vũ, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Ngãi đã thừa ủy quyền trao tặng bằng khen của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho ông Đặng Lên, đại diện tộc họ Đặng vì đã hiến tặng tờ lệnh tòng quân thời Nguyễn - tài liệu quý liên quan đến chủ quyền lãnh hải trên quần đảo Hoàng Sa cho quốc gia. Tộc họ Đặng đã trao truyền, gìn giữ tài liệu này qua sáu đời (tương đương với 175 năm).
Khánh thành quần thể di tích với tượng đài đội hùng binh Hoàng Sa. Ảnh: Trí Tín |
Đêm 27/4, hàng nghìn hoa đăng được người dân thả trên biển, cùng lễ cầu siêu để tưởng niệm đội hùng binh năm xưa dong buồm đến Hoàng Sa bảo vệ chủ quyền lãnh hải.
Trí Tín