Trong tiếng trống, chiêng, kèn, thanh la... rộn rã, những bậc cao niên áo dài, khăn đóng chỉnh tề cùng con cháu với trang phục truyền thống rước linh vị về tế tự nơi đình làng.
Dòng người tham gia rước linh vị kéo dài hơn một km. Thanh niên trai tráng đi đầu hai bên cầm cờ xí rực rỡ, giữa rừng cờ là thuyền rồng rước linh vị Hải đội Hoàng Sa, phía sau là ban lễ nhạc cùng tăng ni, phật tử, con cháu các tộc họ và du khách.
Thuyền rồng chở linh vị Hải đội Hoàng Sa được rước ra khỏi Âm linh tự để đưa về đình làng An Vinh, bắt đầu hai ngày lễ tế khao lề thế lính Hoàng Sa. Ảnh: Trí Tín |
Theo kế hoạch, lễ cầu siêu cho hải đội Hoàng Sa được hơn 1.000 nhà sư, tăng ni tổ chức chiều nay tại đình làng An Vĩnh, cùng nghi lễ phóng sinh: thả chim bồ câu, thả cá. Sau lễ cầu siêu, những người tham gia sẽ thả hoa đăng xuống biển cầu nguyện linh hồn các hùng binh Hoàng Sa được siêu thoát.
Để chuẩn bị cho lễ tế khao lề thế lính Hoàng Sa, hơn 40 tộc họ ở Lý Sơn đã kết trên 500 đèn hoa đăng, 5 mô hình thuyền lễ Hải đội Hoàng Sa, lễ vật: lợn, gà, bánh ít lá gai, gạo, muối, hoa quả...
Suốt nhiều ngày qua, hàng nghìn người dân của hơn 40 tộc họ ở huyện đảo Lý Sơn tất bật trang hoàng cờ, phướn rực rỡ tại các đình làng, lăng miếu. Các bậc cao niên cùng con cháu tộc họ nô nức đi chọn những thân chuối ven đảo kết với giấy gương làm đèn hoa đăng sặc sỡ sắc màu. Các bà, các chị thì cần mẫn làm bánh ít lá gai, chia nhau đi chợ làm bếp sửa soạn tươm tất các món ăn dâng lên ngày giỗ tổ. Cánh thanh niên thì hì hục kiếm tre, xốp, giấy cứng... thay phiên nhau làm mô hình thuyền lễ để phục vụ nghi thức khao binh, thả thuyền trong lễ khao lề thế lính Hoàng Sa.
Dòng người rước linh vị kéo dài đến một cây số. Ảnh: Trí Tín |
Ngồi tỉ mẩn vót tre, ngư dân Lê Chín xúc động nói: "Vào dịp tháng 3 năm nào cũng vậy, người dân trên huyện đảo này đều tổ chức ngày lễ khao lề thế lính Hoàng Sa như là ngày giỗ tổ. Chúng tôi làm mô hình những chiếc thuyền buồm này là để tri ân công đức tổ tiên, vừa nhắc nhớ con cháu luôn ý thức gìn giữ, bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng".
Sắp xếp đèn hoa đăng làm bằng thân cây chuối ở đình làng An Vĩnh, ông Nguyễn Văn Lang ở thôn Tây, xã An Vĩnh, tâm sự: “Đã thành lệ rồi, mỗi năm đến dịp tháng 3 là tôi thấy rạo rực, không làm đèn hoa đăng cho ngày lễ khao lề thế lính Hoàng Sa là như cảm giác thiếu vắng cái gì trong lòng”.
Lặng lẽ dõi theo từng thao tác con cháu làm thuyền lễ, đèn hoa đăng, ông Võ Toại - được người dân nơi đây xem là "thầy pháp" huyện đảo Lý Sơn trầm ngâm kể: bậc tiền nhân ra giữ biên cương, bảo vệ lãnh hải ở Hoàng Sa, Trường Sa, thuở xưa gọi là khẳng định chủ quyền lãnh hải cho “Đại Nam” (nước Đại Việt).
"Từ thời cha, ông của chúng tôi đã có “lệ” khao lề thế lính Hoàng Sa này rồi. Xưa bày nay làm, cha ông đã để bài cúng, nghi thức lễ thành sáchcho con cháu tiếp nối tục lệ tốt đẹp này", ông Toại nói.
Theo ông Nguyễn Đăng Vũ, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ngãi, nét độc đáo của lễ khao lề thế lính Hoàng Sa là toàn bộ các nghi lễ đều do hơn 40 tộc họ trên huyện đảo Lý Sơn thực hiện theo đúng nghi lễ văn hóa truyền thống duy trì hơn 300 năm qua.
Trí Tín