Ông Trần Quang Vũ. |
Đồng thời, Văn phòng Chính phủ cũng truyền đạt quyết định của Thủ tướng đề nghị Hội đồng quản trị đình chỉ chức tổng giám đốc đối với ông Vũ. Nguyên nhân của quyết định này nhiều khả năng được cho là do liên quan đến công tác điều hành tại Vinashin.
Trước đó, trong lần trả lời VnExpress, trên cương vị Tổng giám đốc, ông Vũ cũng thừa nhận sai lầm khó tha thứ của tập đoàn. "Tôi nghĩ mình cũng có lỗi và chấp nhận mọi hình thức xử lý kỷ luật mà không phàn nàn điều gì".
Ngoài ông Vũ còn có Trưởng ban kiểm soát của Vinashin cũng bị ký quyết định đình chỉ chức vụ.
Trước đây, ông Vũ là tổng giám đốc Tổng công ty Công nghiệp Tàu thủy Nam Triệu (NASICO), cũng thuộc tập đoàn Vinashin. Tổng công ty này cũng hoạt động, kinh doanh đa ngành: đóng tàu, sửa chữa tàu biển, cung ứng dịch vụ hàng hải, xây lắp công trình điện, du lịch và khách sạn, xuất nhập khẩu…
"Công tác quản lý có những bất cập, đây là nguyên nhân rất quan trọng. Nhiệm vụ của Chính phủ rõ ràng và khả thi, nhưng chúng tôi thực hiện còn yếu kém. Chúng tôi đang phân tích rất nghiêm túc. Lúc đó chúng tôi chỉ chú trọng tới vấn đề ký hợp đồng, mà không để ý tới quản lý hệ thống", ông Trần Quang Vũ. |
Đề nghị cách chức tân Tổng giám đốc Vinashin được đưa ra khoảng 2 tuần sau khi Chính phủ có quyết định thành lập Ban chỉ đạo tái cơ cấu Vinashin.
Theo quyết định của Chính phủ, việc tái cơ cấu Vinashin được thực hiện theo hướng chuyển giao một số cơ sở và chi nhánh cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines).
Hiện tổng tài sản của Vinashin là 90.000 tỷ đồng, vốn điều lệ khoảng 9.000 tỷ đồng, tổng dư nợ của Vinashin lên tới hơn 80.000 tỷ đồng. Sau tái cơ cấu các khoản nợ liên quan chuyển về các đơn vị tiếp nhận. Số nợ chuyển sang PVN và Vinalines khoảng 20.000 tỷ đồng.
Đầu tháng 8, cơ quan điều tra đã bắt giam ông Phạm Thanh Bình, nguyên tổng giám đốc Vinashin 4 tháng.
Hồng Anh