Lãnh đạo Công đảng Australia Anthony Albanese, 59 tuổi, hôm nay tuyên thệ nhậm chức Thủ tướng sau khi đánh bại người tiền nhiệm Scott Morrison của đảng Tự do.
"Tôi, Anthony Albanese, trịnh trọng khẳng định và tuyên bố rằng bản thân sẽ phụng sự tốt cho Australia, đất nước và người dân trên cương vị Thủ tướng", ông Albanese nói.
Tân Thủ tướng Australia được kỳ vọng sẽ mang đến những thay đổi lớn lao cho đất nước sau khi chấm dứt 9 năm lãnh đạo của đảng Tự do.
Là một chính trị gia lão luyện, ông Albanese đến Canberra khi thủ tướng John Howard lên nắm quyền vào năm 1996. Ông tốt nghiệp đại học chuyên ngành kinh tế, nhưng dường như luôn xác định mục tiêu sự nghiệp là chính trị.
"Tôi sinh ra với ba đức tin lớn: Công đảng, giáo hội Công giáo và đội rugby South Sydney Rabbitohs", ông từng nói trong quá trình vận động tranh cử.
"Cử tri Australia đã lựa chọn thay đổi. Tôi thấy mình thật nhỏ bé trước chiến thắng này", ông nói trước người ủng hộ ở Sydney sau khi kết quả bỏ phiếu được công bố hồi cuối tuần trước.
Như nhiều người kỳ vọng, tân Thủ tướng Australia đã cam kết sẽ mang đến những thay đổi lớn lao cho đất nước sau gần 10 năm đảng bảo thủ nắm quyền, từ đẩy mạnh hành động về khí hậu cho đến thúc đẩy quyền của người bản địa và chống lại cái mà ông gọi là "tham nhũng chính trị".
Trong bình luận đầu tiên sau chiến thắng, Albanese tuyên bố ông muốn gắn kết người dân Australia lại với nhau.
"Tôi muốn đoàn kết đất nước. Tôi nghĩ rằng mọi người đã quá chán nản trước cảnh chia rẽ. Điều họ muốn là đoàn kết với tư cách một quốc gia và tôi sẽ dẫn dắt con đường đó", tân Thủ tướng Australia tuyên bố.
Trong 26 năm kể từ khi Albanese lần đầu tiên được bầu vào quốc hội, Công đảng Australia mới chỉ nắm quyền được 5 năm, trong những nhiệm kỳ đầy biến động của thủ tướng Kevin Rudd và Julia Gillard.
Ông lần đầu tiên trở thành bộ trưởng sau khi ông Rudd chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 2007, sau đó vươn lên trong hàng ngũ Công đảng, cuối cùng lên nắm quyền lãnh đạo đảng này vào năm 2019.
Albanese thường xuyên nhắc tới những năm tháng thơ ấu đầy cơ cực và quá trình trưởng thành khó khăn của mình ở vùng Camperdown, ngoại ô thành phố Sydney.
"Mẹ tôi đã mơ về một cuộc sống tốt đẹp hơn cho tôi và tôi hy vọng hành trình cuộc đời của mình sẽ truyền cảm hứng cho nhiều người dân Australia vươn tới những vì sao", ông cho hay. "Tôi muốn Australia tiếp tục là một quốc gia mà bất kể bạn sống ở đâu, bạn tôn thờ ai, bạn yêu mến ai hay họ của bạn là gì thì hành trình cuộc đời của bạn sẽ không bao giờ bị giới hạn".
Khi còn là một đứa trẻ, Albanese được người mẹ gốc Ireland kể rằng cha ông qua đời trong một vụ tai nạn xe hơi ở châu Âu ngay sau khi kết hôn. Đến năm Albanese 14 tuổi, mẹ ông mới tiết lộ sự thật rằng cha ông chưa chết và hai người chưa bao giờ kết hôn.
Bà sống với cha mẹ trong ngôi nhà thuộc sở hữu của chính quyền địa phương tại khu Camperdown, khi Albanese được sinh ra vào ngày 2/3/1963.
Vì không muốn làm tổn thương mẹ, sau khi bà qua đời vào năm 2002, Albanese mới bắt đầu tìm kiếm cha.
Hai người đoàn tụ vào năm 2009 tại thành phố Barletta, phía nam Italy, quê hương cha ông. Albanese khi đó tới Italy để tham dự một cuộc họp với tư cách bộ trưởng giao thông và cơ sở hạ tầng Australia.
Ở tuổi 12, Albanese đã tham gia tổ chức một cuộc đình công để ngôi nhà xã hội của mẹ ông không bị bán cho các nhà phát triển bất động sản. Những người quen biết Albanese nói rằng quan điểm của ông pha trộn giữa chủ nghĩa thực dụng và mối quan tâm đến công bằng xã hội, được hình thành từ những cuộc đấu tranh thời thơ ấu.
"Khi lớn lên, tôi rất hiểu ảnh hưởng của chính phủ trong việc tạo ra thay đổi cho cuộc sống người dân", ông nói. "Cụ thể hơn, đó là tạo ra cơ hội cho họ".
Albanese là người đầu tiên trong gia đình theo học đại học, nơi ông theo ngành kinh tế và tham gia vào các hoạt động chính trị của sinh viên.
Năm 22 tuổi, ông được bầu làm chủ tịch chi nhánh thanh niên của Công đảng và làm cán bộ nghiên cứu dưới chính quyền thủ tướng Bob Hawke, thủ tướng thuộc Công đảng tại nhiệm lâu nhất.
"Anthony có nhãn quan chính trị sâu rộng", Robert Tickner, cựu thành viên Công đảng Australia, nhận xét về Albanese. "Ông ấy tin rằng vẫn còn những người có thiện chí trong cộng đồng. Ông ấy không phải người theo chủ nghĩa bè phái".
Công đảng dưới thời Albanese đã cam kết cung cấp nhiều hỗ trợ tài chính và một mạng lưới an sinh xã hội vững chắc hơn, khi Australia phải vật lộn với lạm phát cao nhất kể từ năm 2001 và giá nhà đất tăng vọt.
Ông hứa sẽ cắt giảm 43% lượng khí thải carbon vào năm 2030 so với mức năm 2005, tăng cường năng lượng tái tạo, giảm giá cho ôtô điện, đồng thời giúp xây dựng các dự án điện mặt trời do cộng đồng sở hữu.
Về chính sách đối ngoại, Công đảng sẽ tiếp tục duy trì quan điểm ủng hộ Mỹ. Albanese từng nói rằng "trụ cột đầu tiên" trong chính sách đối ngoại của Australia là liên minh với Mỹ.
Albanese không ít lần chỉ trích cách xử lý của chính quyền Morrison trong mối mối quan hệ với Quần đảo Solomon, quốc gia gần đây ký một thỏa thuận an ninh với Trung Quốc. Ông cho rằng chính sách chống biến đổi khí hậu tham vọng hơn của Australia sẽ giúp cải thiện quan hệ với các quốc đảo Thái Bình Dương, vốn đang đe dọa bởi tình trạng nước biển dâng.
Các thành viên Công đảng trong chính quyền tân Thủ tướng Albanese đã đề xuất thành lập một trường quốc phòng Thái Bình Dương để hợp tác đào tạo với quân đội các nước láng giềng, dường như nhằm ứng phó với hiện diện quân sự tiềm tàng của Trung Quốc ở Quần đảo Solomon ngay sát nách Australia.
Khi được yêu cầu mô tả những gì ông có thể mang lại cho Australia trên cương vị Thủ tướng, Albanese trả lời: "Tính chính trực và khả năng chịu trách nhiệm".
Albanese từng không ít lần chỉ trích người tiền nhiệm Morrison vì đã không nhận ra sai lầm của mình. "Tôi không giả vờ hoàn hảo. Việc tôi làm là chấp nhận trách nhiệm. Tôi dám bước lên và sẽ không né tránh", ông nói trước cuộc bầu cử.
Vũ Hoàng (Theo Al Jazeera, ABC News)