Quốc hội Nhật Bản hôm nay bầu tân lãnh đạo đảng Dân chủ Tự do (LDP) Shigeru Ishiba, 67 tuổi, làm Thủ tướng kế nhiệm ông Fumio Kishida. Ông Ishiba trước đó đánh bại 8 đối thủ trong cuộc đua nội bộ LDP để giành ghế chủ tịch đảng.
Đây là lần thứ năm ông Ishiba, người từng giữ chức bộ trưởng quốc phòng Nhật Bản, tranh cử vị trí lãnh đạo đất nước, trong nỗ lực được ông gọi là "cuộc chiến cuối cùng" và ông đã thành công.
Takahashi Kosuke, bình luận viên của Diplomat, cho hay Ishiba là một trong những chuyên gia hàng đầu về quốc phòng trong giới chính trị Nhật Bản. Từng hai lần giữ cương vị bộ trưởng quốc phòng, ông có nhiều am hiểu về chính sách an ninh và có tài hùng biện cũng như sẵn sàng bảo vệ quyết liệt quan điểm của mình.
Ông ủng hộ tăng cường sức mạnh quân sự của Nhật Bản và củng cố liên minh trong khu vực để đối phó với các thách thức an ninh ngày càng tăng. Trong một bài luận gửi cho Viện Hudson ở Mỹ hai tuần trước, ông Ishiba đã phác thảo ý tưởng thiết lập NATO phiên bản châu Á.
"Việc không có hệ thống phòng thủ tập thể như NATO ở châu Á đồng nghĩa xung đột có khả năng bùng nổ, vì các nước không có nghĩa vụ phòng thủ chung", ông viết.
Ông hé lộ thêm về tầm nhìn khi phát biểu tại trụ sở LDP hôm 27/9, cho rằng "Mỹ đang suy giảm sức mạnh" trong khu vực, khiến cho việc thành lập một tổ chức hiệp ước phòng thủ chung ở châu Á trở nên cần thiết.
Ông nói rằng việc máy bay Nga và Trung Quốc gần đây xâm nhập không phận Nhật Bản và các cuộc thử tên lửa liên tục của Triều Tiên là bằng chứng cho thấy Tokyo phải tăng cường an ninh khu vực.
Nhật Bản hồi cuối tháng 8 nói trinh sát cơ Trung Quốc xâm phạm không phận nước này ngoài khơi tỉnh Nagasaki, khiến Tokyo phải triển khai chiến đấu cơ ứng phó. Cuối tháng 9, Nhật Bản cáo buộc máy bay tuần tra Nga Il-38 ba lần xâm nhập không phận phía bắc đảo Rebun, Hokkaido.
"Nhật Bản muốn chủ động thực hiện trách nhiệm của mình và bắt đầu thảo luận về cách thiết lập hòa bình tại khu vực", ông Ishiba trả lời khi được hỏi về ý tưởng "NATO châu Á". Ông cho rằng đó có thể là sự mở rộng và kết hợp của một số khối hiện tại, như nhóm Bộ Tứ gồm Nhật Bản, Mỹ, Ấn Độ và Australia; các hiệp ước hiện có như thỏa thuận AUKUS của Canberra, Washington và London, hay hợp tác an ninh sâu sắc hơn với Hàn Quốc.
Ông Ishiba cũng đề xuất thành lập liên minh an ninh mới chia sẻ quyền kiểm soát vũ khí hạt nhân của Mỹ để răn đe. Tuy nhiên, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ đặc trách Đông Á và Thái Bình Dương Daniel Kritenbrink đã mô tả ý tưởng này của ông Ishiba là "hấp tấp".
"Ông ấy đưa ra những ý tưởng - có người nói táo bạo, có người nói thú vị - về các thỏa thuận an ninh của Nhật Bản. Ý tưởng về phòng thủ tập thể ở khu vực đặc biệt đáng chú ý, nhưng làm thế nào ông ấy có thể đạt mục tiêu này lại là câu hỏi khác", Shihoko Goto, giám đốc chương trình châu Á - Thái Bình Dương tại Trung tâm Wilson ở Mỹ, nêu quan điểm.
Trong khi đó, Trung Quốc cho rằng việc quan hệ Trung - Nhật ổn định và phát triển về lâu dài là điều có lợi cho người dân hai nước. "Đó là lựa chọn phù hợp duy nhất", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lâm Kiếm nhấn mạnh hôm 27/9. Ông hy vọng Tokyo "sẽ theo đuổi chính sách tích cực, hợp lý với Bắc Kinh".
Ông Ishiba còn từng bày tỏ mong muốn định hình lại liên minh quân sự giữa Nhật Bản với Mỹ, trong đó có việc giám sát kỹ càng hơn các căn cứ quân sự Mỹ ở Nhật Bản, vốn bị nhiều người dân địa phương phản đối vì những sự việc gây tranh cãi liên quan đến lính Mỹ đồn trú.
Trong bài luận gửi cho Viện Hudson, Ishiba nêu ý tưởng xem xét lại Hiệp ước An ninh Nhật - Mỹ và Thỏa thuận về Quy chế Lực lượng (SOFA) bằng cách cho phép Nhật triển khai quân đồn trú tới đảo Guam của Mỹ nhằm tăng cường năng lực răn đe của cả hai bên.
Chính trị gia 'dị biệt'
Ông Ishiba sinh năm 1957 ở thị trấn Yazu, tỉnh Tottori. Ông tốt nghiệp ngành luật tại Đại học Keio năm 1979, sau đó làm nhân viên Ngân hàng Mitsui. Bố ông, Jiro Ishiba, từng là bộ trưởng trong nội các và qua đời năm 1981. Cựu thủ tướng Kakuei Tanaka, bạn của ông Jiro, đã khuyến khích Ishiba nối nghiệp bố.
Ông Ishiba tham gia LDP và được bầu vào Hạ viện năm 1986, đại diện cho Khu vực 1 của Tottori, là nghị sĩ trẻ tuổi nhất khi đó và vẫn giữ vị trí này cho đến nay.
Ông rời LDP năm 1993 khi đảng này thất cử, gia nhập hai đảng khác trước khi trở lại LDP năm 1997. Ông là bộ trưởng quốc phòng năm 2007-2008, bộ trưởng nông nghiệp năm 2008-2009 và là thư ký LDP năm 2012-2014, trong nhiệm kỳ thứ hai của cựu thủ tướng Shinzo Abe.
Trong nền chính trị đề cao tính đảng phái ở Nhật Bản, ông Ishiba lại tỏ ra "dị biệt" và sẵn sàng công kích chính LDP. "Suốt thời gian dài, ông Ishiba xa cách khỏi các thành viên chủ chốt của LDP, công khai chỉ trích chính sách đảng dưới thời ông Abe", Yu Uchiyama, giáo sư chính trị Đại học Tokyo, nói.
Quan điểm này khiến ông đối đầu với nhiều thành viên quyền lực trong LDP, nhưng lại thu hút sự ủng hộ từ đảng viên phổ thông và công chúng. "Ông ấy lên tiếng rằng LDP cần thay đổi, sau hàng loạt bê bối liên quan tài trợ và các vấn đề khác. Điều này có thể đã giúp Ishiba giành thêm lợi thế", Uchiyama cho hay.
Vợ ông là bà Yoshiko Ishiba, bạn cùng lớp thời đại học. Hai người có hai con gái.
Một điểm khiến nhiều người thích thú là ông Ishiba là fan hâm mộ cuồng nhiệt của Candies, nhóm nhạc Nhật Bản gồm ba thành viên hoạt động trong thập niên 1970. Ông thường chọn bài của Candies khi hát karaoke và không cần nhìn lời trên màn hình. Ông đam mê đường sắt và thích sưu tầm mô hình, đặc biệt là tiêm kích và tàu chiến.
Năm 2022, ông thành lập nhóm người hâm mộ mì trong quốc hội để thúc đẩy văn hóa ramen, góp phần hồi sinh kinh tế địa phương. Trong những chuyến đi quanh Nhật Bản, ông cũng thường đến các tiệm mì để nếm thử hương vị bản địa.
Thách thức
Tân Thủ tướng Nhật Bản sẽ đối mặt hàng loạt thách thức về kinh tế và xã hội. Ông đã cam kết đưa Nhật Bản "thoát hoàn toàn" khỏi tình trạng lạm phát cao, đạt tăng trưởng tiền lương thực tế. Ông ủng hộ dự luật cho phép phụ nữ giữ nguyên họ sau kết hôn, giảm phụ thuộc năng lượng hạt nhân để chuyển qua năng lượng tái tạo.
Ông ủng hộ Ngân hàng Trung ương Nhật Bản dừng chính sách tiền tệ nới lỏng phi truyền thống được triển khai từ thời cựu thủ tướng Abe, cho rằng "có dư địa để tăng thuế doanh nghiệp". Ngân sách bổ sung từ tăng thuế sẽ giúp chính phủ thực hiện kế hoạch tăng chi quốc phòng lên 2% GDP như tiêu chuẩn chung của NATO.
Tân lãnh đạo LDP đặt mục tiêu tăng tỷ lệ sinh đang ở mức thấp của Nhật Bản, thông qua các biện pháp như xét lại giờ làm việc, tăng hỗ trợ cho các gia đình, hồi sinh kinh tế vùng để ứng phó tình trạng suy giảm dân số ở nông thôn.
Shigeru Ishiba còn phải cải thiện hình ảnh LDP, trong bối cảnh Nhật Bản sẽ tổ chức bầu cử quốc hội vào tháng 7/2025. Asahi Shimbun dẫn nguồn thạo tin nói ông Ishiba dự kiến giải tán quốc hội vào ngày 9/10 để bầu cử sớm vào ngày 27/10. Giai đoạn vận động tranh cử bắt đầu ngày 15/10.
Emi Uchibori, cư dân 67 tuổi ở Tokyo, ủng hộ ông Ishiba, cho rằng Nhật Bản cần một lãnh đạo có thể dẫn dắt vững chắc đất nước trong tương lai. "Nhật Bản là xã hội dân số già. Tôi hy vọng phúc lợi xã hội sẽ được thúc đẩy. Về ngoại giao, tôi muốn thấy Nhật Bản giải quyết được các vấn đề với Trung Quốc, Nga và Triều Tiên", bà nói.
Trong khi đó, Manami Otsuchi, 22 tuổi, muốn có những cải cách "không tạo quá nhiều gánh nặng lên giới trẻ và giúp kinh tế Nhật Bản tăng trưởng".
Như Tâm (Theo Asahi Shimbun, CNN, Nippon)