Khi Elizabeth Peters được bạn thân mời tham dự một buổi giao lưu Cơ đốc giáo tại một quán cà phê ở London, cô đã hy vọng được khám phá quan điểm tôn giáo trong một khung cảnh thoải mái, thân mật và không ràng buộc.
Khi đó, Peters không biết đây là khởi đầu cho một năm cô phải gắn kết với một giáo phái Hàn Quốc, khiến cô cảm thấy kiệt quệ, bị cô lập và bị mắc kẹt.
Buổi giao lưu được tổ chức bởi giáo phái Tân Thiên Địa, phong trào tôn giáo gây tranh cãi được thành lập vào năm 1984 bởi Lee Man-hee, 89 tuổi, tự xưng là người kế tục của Chúa Jesus.
Nhưng không ai nói với Peters điều đó. Ban đầu, các buổi giao lưu diễn ra như những cuộc tụ họp thân mật của bạn bè, nhưng chúng nhanh chóng trở thành một thứ gì đó hơn thế và Peters nhận thấy hoạt động của nhóm ngày càng chiếm nhiều thời gian của cô hơn. Tuy nhiên, khi cô cố gắng tìm hiểu ai đang điều hành nhóm, các thành viên khác tức giận.
"Sau khi tham dự buổi đầu tiên, họ hỏi liệu chúng tôi có muốn đến các lớp học diễn giải Kinh thánh riêng của các nhà truyền giáo và học giả hay không", Peters, 31 tuổi, kể. "Tôi bắt đầu đi học hai tuần một lần rồi sau đó ba lần một tuần". Khóa học ban đầu được ấn định kéo dài hai tháng nhanh chóng chuyển thành 6 tháng. Peters được yêu cầu thực hiện nhiều nhiệm vụ hơn như đi lễ hàng ngày, tham dự các buổi rao giảng hai lần một tuần và đi chào mời thêm người gia nhập.
"Khi đó tôi đang mang thai, vậy mà họ bắt tôi đi trên đường phố để cố gắng lôi kéo những người khác, bằng cách sử dụng những lời nói dối mà họ luôn dùng để dụ dỗ tân binh", Peters nói.
Peters được học về những lời rao giảng của giáo chủ Lee Man-hee, như chỉ những người gia nhập Tân Thiên Địa mới có được cuộc sống vĩnh cửu, rằng Lee là người duy nhất có thể diễn giải đầy đủ Kinh thánh, rằng các mục sư trong các nhà thờ truyền thống truyền đạt kiến thức sai. Tuy nhiên, các thành viên đã cảnh cáo cô không nên cố gắng tìm kiếm thông tin về nhóm trên Internet, nói rằng đó là tội lỗi tương đương với "Eva bị con rắn cám dỗ và ăn trái cấm".
"Họ đã sử dụng rất nhiều chiến thuật hù dọa, nói những điều như 'nếu không làm điều này, cô và gia đình sẽ xuống địa ngục'", Peters kể. "Họ thậm chí còn muốn tôi giữ bí mật với chồng về việc tham gia giáo phái".
Tân Thiên Địa đã cố gắng tuyển mộ những người nước ngoài như Peters kể từ năm 2014. Khi vượt qua mốc ban đầu là tuyển 140.000 thành viên, Tân Thiên Địa nhắm tới mục tiêu tham vọng hơn là thống nhất tất cả tôn giáo trên thế giới. Nỗ lực tuyển mộ được tăng cường trong những tháng gần đây, khi Tân Thiên Địa mất đi nhiều thành viên sau khi cụm dịch Covid-19 tại chi nhánh Daegu ở Hàn Quốc khiến giáo phái bị chú ý.
Vào tháng 2/2020, một phụ nữ 61 tuổi tham gia các buổi lễ tại chi nhánh Daegu được xác định là người siêu lây nhiễm. Đến ngày 8/3 năm ngoái, 4.482 người liên quan đến Tân Thiên Địa nhiễm nCoV, chiếm hơn 62% ca nhiễm toàn Hàn Quốc vào thời điểm đó. Vấn đề trở nên tồi tệ hơn khi Tân Thiên Địa ban đầu từ chối cung cấp cho cơ quan y tế danh sách đầy đủ thành viên để truy vết tiếp xúc, khiến giới chức tỉnh Gyeonggi phải đột kích trụ sở Tân Thiên Địa ở Gwacheon để lấy thông tin. Thành phố Seoul sau đó đã kiện Tân Thiên Địa.
Suh Min-jun, tại Trung tâm Tư vấn Dị giáo Tân Thiên Địa, nơi giúp đỡ những người đã rời bỏ giáo phái và giúp các thành viên gia đình liên lạc với người thân là tín đồ Tân Thiên Địa, nói rằng số thành viên đã giảm mạnh sau đợt bùng phát Covid-19.
"Trước đại dịch, Tân Thiên Địa có tổng cộng 239.353 thành viên và 31.849 người trong số họ ở bên ngoài Hàn Quốc", Suh cho biết. "Nhưng chúng tôi tin rằng vụ bê bối Daegu năm ngoái đã góp phần khiến khoảng 100.000 tín đồ rời đi".
Do đó, việc tuyển mộ ở nước ngoài trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Giáo phái khó tuyển mộ tín đồ trong nước do có nhiều tai tiếng. Họ từng chịu tiếng xấu vì tổ chức một cuộc tụ tập đông người trái phép tại công viên Olympic vào năm 2015 và bị cáo buộc trốn thuế bằng cách làm giả biên lai cho các khoản quyên góp không có thật. Ngoài ra, ở Hàn Quốc, các thành viên giáo phái còn bị tố sử dụng phương pháp thiếu minh bạch để lôi kéo thành viên, như đóng giả làm sinh viên để tìm kiếm người mới.
Ở nước ngoài, nơi dư luận ít nghe về bê bối của Tân Thiên Địa, những người như Peters là mục tiêu dễ bị nhắm tới. Peters cuối cùng tìm ra sự thật ngay sau khi sinh con đầu lòng. Việc mang thai đã giúp cô có cơ hội để tách rời với nhóm, khiến cô có can đảm để tìm hiểu về Lee Man-hee trên mạng.
Sau đó cô chất vất bạn mình và biết được rằng giống như hệ thống kinh doanh đa cấp, bạn của cô từng bị dụ dỗ tham gia giáo phái và sau đó, chính cô này lại dùng phương thức tương tự để dụ Peters tham gia. Vài năm trước đó, bạn của cô bị một người lạ trên phố bắt chuyện, tự xưng là sinh viên đang thực hiện một cuộc khảo sát. Giống như Peters, cô này được mời tham gia một buổi giao lưu về tôn giáo.
Peters cảm thấy thương cảm cho bạn mình, người vẫn tiếp tục hoạt động cho giáo phái và đã "bỏ lỡ rất nhiều niềm vui của cuộc sống, bao gồm việc dành thời gian cho gia đình và bạn bè".
Suh, người mở trung tâm tư vấn, cũng là cựu tín đồ Tân Thiên Địa. Ông cho biết Tân Thiên Địa đã bắt đầu tích cực tuyển mộ người ngoại quốc ở cả Hàn Quốc và nước ngoài vào khoảng thời gian diễn ra hội nghị Hòa bình của Liên minh các Tôn giáo Thế giới (Warp) năm 2014.
"Tân Thiên Địa đã thành lập một tổ chức phi chính phủ có tên Văn hóa Thiên liêng, Hòa bình Thế giới, Phục hồi Ánh sáng (HWPL) vào năm 2013 như một công cụ tuyên truyền để mời các cựu tổng thống, đại sứ, các lãnh đạo tôn giáo cùng các tổ chức phi chính phủ trên toàn cầu tham dự hội nghị Warp năm 2014", Suh nói.
Các chức sắc nước ngoài như cựu tổng thống Romania Emil Constantinescu và cựu tổng thống Croatia Stjepan Mesic đã tham dự sự kiện này và các hội nghị khác do HWPL tổ chức kể từ đó, nhưng nhiều khách mời nổi tiếng khác đã từ chối sau khi biết về mối liên hệ của tổ chức phi chính phủ trên với Tân Thiên Địa.
"Tổ chức hội nghị là phương pháp để tạo ra hình ảnh nhân văn cho nhóm và thu tiền từ các thành viên", Suh nói.
Suh nói rằng Tân Thiên Địa cần mục tiêu mới sau khi chiêu mộ được 140.000 thành viên vào năm 2013. "Tân Thiên Địa đã rao giảng với các tín đồ rằng một khi họ tập hợp được 140.000 thành viên, tất cả người dân thế giới sẽ đột nhiên quy phục Tân Thiên Địa", ông nói.
"Nhưng vì điều này rõ ràng đã không xảy ra vào năm 2013, họ tạo ra hội nghị Warp ở Seoul vào năm sau đó và đặt ra mục tiêu mới là thống nhất tất cả tôn giáo dưới trướng Tân Thiên Địa trong khi mở rộng ảnh hưởng ra nước ngoài".
Kể từ đó, các tín đồ Tân Thiên Địa đến các trường đại học, trường ngoại ngữ và câu lạc bộ thể thao để tuyển mộ người nước ngoài sống ở Hàn Quốc. Zach Rainer, 37 tuổi, đến từ Australia, là một trong nhiều người nước ngoài được các tín đồ Tân Thiên Địa tiếp cận trong thời gian này.
Rainer đang đi dạo ở thành phố Yeoju thì hai phụ nữ đến bắt chuyện và muốn giới thiệu anh đến với "câu lạc bộ" của họ. "Tôi mới đến Hàn Quốc nên tôi muốn kết bạn với một số người bản địa", Rainer kể. "Họ thực sự rất dễ thương, vì vậy, tôi đã cho họ số điện thoại".
Vài ngày sau, một người đàn ông ngoài 50 tuổi đi cùng những người phụ nữ này tới gặp Rainer trong một quán cà phê. Cả nhóm đã thuyết phục Rainer cùng lên xe buýt đến sân vận động Olympic ở Seoul vào cuối tuần để tham dự Lễ hội Hòa bình Thế giới.
"Sách giới thiệu và video họ cho tôi xem về sự kiện này dường như đã bị lược bỏ nội dung thực tế", Rainer nói. "Các tín đồ Tân Thiên Địa đã tiếp cận khá nhiều người nước ngoài khác và nhờ họ làm ký hiệu tay của Tân Thiên Địa để tạo dáng chụp ảnh. Dường như họ sử dụng chúng cho một loại hiệu ứng quảng cáo nào đó".
Thực tế, Lễ hội Hòa bình Thế giới năm 2012 mà Rainer được mời tham dự nhằm phô diễn sự giàu có và nổi tiếng của Tân Thiên Địa với báo chí Hàn Quốc. Một blogger từng được mời tham dự lễ hội năm 2012 viết rằng anh thấy rất nhiều khẩu hiệu về "tân thiên, tân địa" và "những điều khải huyền do Lee Man-hee dự đoán".
Suh cho biết Tân Thiên Địa có bộ phận quốc tế chuyên cử các thành viên đến chi nhánh khu vực ở nước ngoài để tuyển mộ người ngoại quốc.
Trong bài viết năm 2019 của No Cut News, một trang tin trực tuyến do Mạng lưới Truyền phát Công giáo Hàn Quốc điều hành, một cựu thành viên bộ phận quốc tế của Tân Thiên Địa thú nhận rằng cô đã lợi dụng sự quan tâm của người nước ngoài đối với K-pop, phim Hàn và mỹ phẩm Hàn để thu hút họ. Cô được cử đến Thổ Nhĩ Kỳ trong năm nhất đại học và làm việc từ 7h đến nửa đêm để tuyển mộ tín đồ.
Năm ngoái, chính quyền Singapore bắt 21 thành viên từ một chi nhánh địa phương của Tân Thiên Địa. Giới chức xác định họ là "thành viên của một nhóm bất hợp pháp", là mối đe dọa đối với "an toàn công cộng, hòa bình và trật tự của Singapore" với "phương pháp tuyển mộ lừa đảo".
Leticia Leal ở Brazil đã không biết về Tân Thiên Địa khi được một phụ nữ Hàn Quốc liên lạc qua mạng xã hội vào năm ngoái. "Giới trẻ Brazil ngày càng quan tâm đến văn hóa Hàn Quốc như K-pop và phim Hàn", cô nói. "Vì vậy, tôi đã tìm một người bạn Hàn Quốc để nói chuyện về văn hóa".
Các tin nhắn và cuộc gọi video của họ ban đầu tập trung vào văn hóa, nhưng sau đó nhanh chóng chuyển sang chủ đề tôn giáo và cuối cùng Leal được mời tham gia một buổi nghiên cứu Kinh thánh trực tuyến.
"Giảng viên giảng rất hay và có những học viên từ các quốc gia khác như Ấn Độ và Mỹ trong lớp học qua Zoom", Leal kể. "Nhưng tôi bắt đầu nghi ngờ khi bạn tôi tránh nói về tên của giáo phái hay giáo chủ".
Giống như Peters, Leal đã lên mạng tìm hiểu và ngay lập tức cắt đứt quan hệ. Leal cho mình đã may mắn khi sớm biết sự thật. "Nếu không tìm hiểu, tôi sẽ tiếp tục tham gia các buổi học Kinh thánh. Mọi người đều tử tế và thân thiện, tôi thực sự cảm thấy như đang kết bạn trực tuyến và học hỏi từ họ".
Cô hiểu rằng nếu cô không sớm cắt quan hệ, cô có thể lún sâu với tổ chức này. Nhiều người đã phàn nàn trên mạng về những người thân bỏ bê gia đình vì quá đắm chìm với Tân Thiên Địa.
"Trong khi có những gia đình sẽ liều mạng để đưa con cái ra khỏi Tân Thiên Địa, những người khác tôn trọng quyền tự do và để họ tin vào bất cứ điều gì họ muốn. Điều này phụ thuộc vào văn hóa của mỗi nước", Suh nói.
Cho Mit-eum, thuộc Bareun Media, điều hành trang web chuyên chống lại các học thuyết và hoạt động của các nhóm tôn giáo không chính thống như Tân Thiên Địa, nói rằng giáo phái này đã lợi dụng nỗi sợ hãi để ngăn cản các thành viên rời đi, bằng cách nói với họ rằng địa ngục đang chờ đợi những ai muốn rời nhóm. "Tân Thiên Địa thậm chí còn được cho là khuyến khích tín đồ ly hôn", Cho nói.
Peters muốn ngăn chặn nhóm tuyển mộ thêm thành viên ở London. Cô thường đăng về trải nghiệm của mình trên Facebook như một lời cảnh báo cho những người khác.
"Tôi muốn cảnh báo những người mà họ nhắm mục tiêu để họ không rơi vào hoàn cảnh giống tôi hoặc bạn tôi", cô nói.
Phương Vũ (Theo SCMP)