Đề xuất được PGS.TS Vũ Đức Lợi, Viện trưởng Vkist nêu sau khi Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy đề nghị các đơn vị trực thuộc Bộ cùng ngành chức năng, chính quyền địa phương sớm phối hợp tìm giải pháp phát triển bền vững nghề hầm than ở Sóc Trăng.
Yêu cầu được ông Bùi Thế Duy nêu khi dẫn đầu đoàn công tác của Bộ Khoa học và Công nghệ đến khảo sát thực tế làng nghề hầm than lớn nhất tỉnh Sóc Trăng ở xã Xuân Hòa, huyện Kế Sách ngày 29/8.
Chia sẻ thông tin với đoàn công tác, ông Nguyễn Văn Chuyển, chủ 7 lò hầm than, cho biết cơ sở của gia đình hoạt động hàng chục năm qua. Mấy năm trước cơ sở có sử dụng hệ thống gom khói, phun sương nhằm giảm khói bụi nhưng lượng khí CO còn nhiều. "Tôi mong muốn được hỗ trợ đầu tư, công nghệ mới, hiệu quả nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm thiểu tối đa tình trạng ô nhiễm môi trường, phát triển lâu dài", ông Chuyển nói.
Toàn xã Xuân Hòa có 207 hộ làm nghề hầm than với 431 lò, tập trung chủ yếu ở 3 ấp Hòà Thành, Hòa Lộc 2, Hòa An. Công việc của những hộ dân nơi đây là cho gỗ đước, củi tạp vào lò, châm lửa cho đến khi cháy hết thành than. Thời gian mỗi mẻ đốt từ 20 ngày đến một tháng. Khi than chín, chờ khoảng 20 ngày cho nguội mới dỡ than ra lò, bán cho thương lái. Làng nghề mỗi năm cung ứng ra thị trường gần 34.000 tấn sản phẩm, đạt doanh thu gần 52 tỷ đồng mỗi năm, trong đó lợi nhuận hơn 30 tỷ đồng.
Thứ trưởng Bùi Thế Duy yêu cầu Viện Vkist tìm giải pháp nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm, tiết kiệm chi phí, giảm ô nhiễm môi trường cho làng nghề hầm than. Ông gợi ý giải pháp liên hoàn bằng cách tận dụng nguồn nhiệt rất lớn từ các lò để bổ trợ nhau trong quá trình sản xuất, nhằm giảm chi phí, giảm phát thải khí CO; đồng thời xây dựng bộ tiêu chí, quản lý về chất lượng sản phẩm, hướng tới mở rộng thị trường xuất khẩu, nâng cao thu nhập cho người dân.
Tại buổi làm việc, PGS.TS Vũ Đức Lợi, Viện trưởng Vkist, cho biết làng nghề hoạt động theo kinh nghiệm truyền thống, sản phẩm được tiêu thụ rộng, có thể xuất khẩu song chất lượng không đồng đều, chưa có tiêu chuẩn, quá trình sản xuất tốn nhiều thời gian, còn lãng phí nguồn nhiệt rất lớn.
Ông đề xuất sắp tới sẽ chọn một số hộ thí điểm giải pháp tận dụng nguồn nhiệt tuần hoàn phục vụ sản xuất than. Cụ thể nguồn nhiệt từ lò thứ nhất khi phát ra có thể lắp đặt hệ thống truyền dẫn làm nguyên liệu nung đốt cho lò than thứ 2, sau đó kế tiếp dần. Quá trình này sẽ giúp người dân tiết kiệm chi phí, giảm phát thải khí CO, từ đó giảm ô nhiễm môi trường.
Ông Nguyễn Thành Duy, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Sóc Trăng, cho biết làng nghề hầm than được hình thành cách đây 70 năm, chủ yếu dọc theo bờ sông Kinh Củ và sông Cái Côn, thuộc xã Xuân Hòa huyện Kế Sách; không những giúp người dân có cuộc sống ổn định mà còn tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động địa phương.
Sản phẩm than được xuất khẩu sang Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản và tiêu thụ rộng rãi ở thị trường trong nước. Làng nghề giải quyết việc làm cho hơn 1.000 lao động, bình quân thu nhập 4-5 triệu đồng mỗi người một tháng. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, làng nghề hầm than gây ra khói bụi, khí thải ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân, gây thiệt hại đến sản xuất nông nghiệp.
Theo đó ông Nguyễn Thành Duy kiến nghị Bộ Khoa học và Công nghệ hỗ trợ địa phương nghiên cứu thiết bị xử lý khói, bụi đồng thời có chính sách hỗ trợ cho chủ lò kinh phí lắp đặt thiết bị đảm bảo không gây ô nhiễm. Đồng thời cần giải pháp hỗ trợ về quy trình sản xuất, nhằm rút ngắn thời gian tạo ra sản phẩm nhanh và chất lượng hơn, góp phần tăng thu nhập cao hơn cho người dân.
An Bình