Ba "hạn chót" để nộp hồ sơ vào đại học Mỹ
Đa số các trường trong top 100 ở Mỹ có ba hạn chót để tuyển sinh: Early Decision, Early Action và Regular Decision.
Early Decision (ED): Hạn chót thường rơi vào ngày 1/11 hoặc 15/11, ứng viên nhận thông báo kết quả vào đầu hoặc giữa tháng 12. Một số trường có hai đợt ED, trong đó đợt 2 vào tháng 1. Nếu đậu, bạn có một vài tuần để đặt cọc.
Tuy nhiên, trước khi nộp hồ sơ, ứng viên phải ký tên vào một tài liệu, hứa rằng chỉ nộp một trường và nếu đậu, sẽ học ở đó. Nếu nộp hơn một và bị phát hiện, những trường nhận đơn sẽ đánh rớt bạn ngay lập tức hoặc hủy quyết định nhận.
Trường hợp duy nhất bạn có thể từ chối nhập học nếu đậu ED là gia đình không đủ khả năng tài chính. Ví dụ, bạn khai chỉ có thể đóng 20.000 USD/năm nhưng trường yêu cầu đóng 30.000 USD/năm.
Early Action (EA): Hạn chót cũng rơi vào 1/11 hoặc 15/11. Bạn sẽ biết kết quả vào tháng 12 hoặc tháng 1 và có thể chờ đến ngày 1/5 để quyết định có đóng tiền nhập học hay không. Do đó, ứng viên có thể nộp nhiều trường trong kỳ EA.
Một số trường, đặc biệt là các trường top như Yale, Stanford, Notre Dame, áp dụng chính sách Restrictive Early Action (REA). Bản chất là ứng viên vẫn nộp hồ sơ EA như thông thường nhưng không được nộp hồ sơ REA hoặc ED vào trường khác.
Regular Decision (RD) là hạn nộp đơn phổ biến, thường rơi vào ngày 1/1, 15/1, 1/2, và 15/2. Một số ít trường kéo dài đến tận ngày 1/3. Nếu nộp RD, bạn sẽ nhận kết quả trước ngày 1/4, đặt cọc nhập học trước ngày 1/5. Từ lúc nhận kết quả đến lúc đặt cọc là khoảng thời gian để bạn so sánh các gói hỗ trợ tài chính của từng trường và suy nghĩ về việc nên học ở đâu.
Rolling Decision: Ứng viên có thể nộp hồ sơ cho đến thời điểm nhập học vào tháng 8. Ai nộp trước thì được ban tuyển sinh xét trước. Những trường này thường không được biết đến nhiều, nên học dùng hình thức này để tăng số người nộp đơn. Mặc dù không có hạn chót, ứng viên vẫn nên gửi hồ sơ càng sớm càng tốt. Khoảng sau tháng 3, trường đã trao gần hết tiền hỗ trợ tài chính cho các sinh viên khác, nên nếu nộp muộn, bạn có thể phải đóng nhiều hơn bình thường.
Chiến thuật nộp đơn
Đại học Mỹ muốn nhận những ứng cử viên cam kết sẽ nhập học. Do đó, tỷ lệ trúng tuyển ở vòng ED thường cao hơn các vòng khác.
Ví dụ, Washington & Lee (trường đứng thứ 11 trong bảng xếp hạng đại học khai phóng) có tỷ lệ chấp nhận ứng viên nộp RD ở mức 16,1%, nhưng với ED, con số này lên 48,2%. Tương tự, tại Dartmouth College (trường top 13 bảng xếp hạng quốc gia), hai tỷ lệ này lần lượt là 4,2% và 25,1%.
Tuy nhiên, một số trường có tỷ lệ đậu ED thấp hơn RD, như University of Denver (xếp hạng 93). Vì vậy, bạn nên dùng công cụ Common Data Set để nghiên cứu những dữ liệu này trước khi lên chiến lược nộp đơn.
Điểm mạnh của việc nộp ED là khả năng bạn đậu vào trường cao hơn bình thường, còn hạn chế là phải chuẩn bị hồ sơ sớm, trước tháng 11. Thời điểm này, bạn chưa có điểm trung bình của học kỳ 1 lớp 12 nên có thể bất lợi nếu cần cải thiện điểm.
Ngoài ra, nếu được nhận, bạn chỉ có một tháng để nộp tiền cọc, chứ không được chờ đến tháng 5 để so sánh gói hỗ trợ tài chính với các trường khác. Vì vậy, tôi khuyên chỉ nên nộp ED vào những trường bạn thực sự yêu thích.
Với hạn nộp đơn EA, tỷ lệ đậu không được công bố, nhưng tôi được biết là cao hơn RD và thấp hơn ED. Nếu ứng viên muốn nâng xác suất đậu mà không phải cam kết vào một trường nhất định, EA là lựa chọn tốt nhất. Sau đó, bạn có thể nộp RD ở các trường còn lại.
Để tận dụng các hạn chót khác nhau, ứng viên cần chuẩn bị sớm và có tổ chức. Chẳng hạn, sau khi lên danh sách trường mong muốn, bạn dùng Excel để liệt kê tỷ lệ đậu ED và RD, hạn chót nộp đơn của các trường. Nhìn vào đó, bạn có thể vạch ra kế hoạch ứng tuyển phù hợp.
Điều này không đảm bảo bạn sẽ trúng tuyển vào trường top nhưng nâng cao xác suất đỗ đáng kể.
Nguyễn Ngọc Khương