![]() |
Tên lửa hành trình đất đối hạm SSN4 Ra'ad có tầm bắn 350 km. Ảnh: IRIB. |
Ngày càng có nhiều lời đồn đoán về khả năng Tổng thống Mỹ George W. Bush mở cuộc tấn công quân sự chống Iran trước khi rời nhiệm sở đầu năm 2009, cho dù Washington vẫn tuyên bố theo đuổi giải pháp ngoại giao nhằm giải quyết khủng hoảng hạt nhân.
"Về mặt quân sự, chiến thắng là điều dễ dàng", nhà phân tích quân sự ở London Andrew Brookes nói. "Cái khó là: sau đó sẽ là gì. Chiến tranh sẽ giống như mở cửa địa ngục cho những ác quỷ bay ra".
Các cường quốc phương Tây đang nghi ngờ Iran cố chế tạo bom hạt nhân. Nhưng Tehran khẳng định chương trình của họ chỉ nhằm sản xuất điện, để nước này có điều kiện xuất khẩu thêm dầu và khí đốt.
Nhà lãnh đạo tinh thần tối cao của Iran, giáo chủ Ayatollah Ali Khamenei từng nói rằng Iran sẽ đáp trả bằng cách vận động các đồng minh ở Trung Đông chiến đấu ở khu vực này.
"Nếu họ thích chơi chúng tôi, tôi tin rằng chỉ trong vài ngày chúng tôi có thể biến Iraq thành bãi chiến trường", giáo chủ nói.
Các chuyên gia quân sự nêu những ý kiến khác nhau về sức mạnh quân sự của Iran trong trường hợp đối đầu với Mỹ. Họ tin rằng nếu tấn công, Mỹ sẽ sử dụng không lực chứ không dùng quân bộ.
Quân đội Iran, vốn chịu lệnh cấm vận nhiều năm của Washington, vẫn dựa chủ yếu vào máy bay chiến đấu và các khí tài mua từ trước năm 1979, cùng những thiết bị trong nước tự sản xuất hoặc nhập khẩu từ Nga.
Một nhà ngoại giao phương Tây nói rằng ban lãnh đạo Iran tin chắc là việc Mỹ không kích cũng chẳng thể ảnh hưởng đến vị thế nắm quyền của họ như hiện nay.
"Một trận ném bom không thể nào hất đổ được một chính phủ, và nhất là trong một đất nước như thế này - nơi không có một phe đối lập có tổ chức nào đáng kể", nhà ngoại giao trên nhận xét.
Sự tự tin của Iran tăng lên khi họ quan sát thất bại của Mỹ trong việc bình ổn Iraq, cho dù Mỹ có ưu thế vượt trội về quân sự.
Tehran tuyên bố họ có những tên lửa đủ sức chạm đến Israel và các vũ khí tối tân khác, rằng phương Tây sẽ phải hối tiếc nếu tấn công, và cảnh báo rằng "vũng lầy mới sẽ sâu hơn Iraq".
Những lời lẽ to tát đó có thể đã phóng đại và nhằm vào người nghe trong nước, nhưng một số chuyên gia phân tích cho rằng Iran có thể trả đũa thực sự, chẳng hạn dùng các tàu siêu tốc thực hiện những phi vụ đột kích rồi rút nhanh, nhằm vào những con tàu chở dầu - tức là thực hiện một cuộc chiến bất xứng.
Iran, từng bị tố cáo thực hiện những vụ đánh bom nhằm vào lợi ích của Mỹ ở Beirut hồi thập kỷ 1980, có thể sử dụng lại bài cũ. Một viên tư lệnh quân đội nước này vừa tuần trước tuyên bố rằng các chiến binh "cảm tử" có đủ khả năng cắt đứt những huyết mạch vận chuyển dầu lửa trong vùng Vịnh.
"Iran có thể sẽ không thắng được về mặt quân sự thông thường, nhưng điều họ có thể làm là gây thật nhiều tác hại sau chiến tranh", Brookes đoán.
Cách nghĩ này giống với một bài bình luận trên tờ nhật báo Iran là Siyasat-e Ruz, trong đó nói rằng lực lượng Vệ binh Cách mạng đã diễn tập theo "chiến lược chiến tranh phi thông thường".
"Chúng ta tin tưởng có thể bảo vệ đất nước này ... Trong trường hợp chiến tranh xảy ra, người Iran sẽ làm tất cả những gì có thể", một nhà phân tích chuyên về Iran tên là Abbas Maleki nói.
Tim Ripley, một chuyên gia quốc phòng làm việc cho Jane's Defence Weekly, nhận xét rằng lực lượng quân sự Iran đã chứng tỏ khả năng cầm cự trong cuộc chiến tranh với Iraq những năm 1980. Và như vậy, viễn cảnh ảm đạm nhất sẽ là Washington khơi mào một cuộc chiến rồi không thể thoát ra được.
Mỹ tất nhiên có đủ khả năng làm một chiến dịch "sốc và kinh hoàng", nhưng chiến đấu với Iran có thể không giống như việc xâm lược Iraq vào năm 2003. Mặt khác, một số đơn vị quân đội của Iran có thể "đánh đấm ra trò", Ripley nói.
Ông cho rằng ban lãnh đạo Iran có thể sẽ sử dụng lợi thế của họ để tạo ra ảnh hưởng rất lớn. Chẳng hạn, Tehran sẽ tuyên bố eo biển Hormuz - cửa ngõ đi vào vịnh Persian - là khu vực chiến tranh, để đẩy giá dầu thô vốn đã gần ngưỡng 100 USD vọt lên cao hơn nữa.
Bên cạnh đó, làm thế nào để ngăn chặn sự lan rộng của chiến tranh ở Iraq, nơi có rất đông dân quân người Shiite trung thành với Tehran, cũng là điều mà các nhà hoạch định chiến tranh phải tính đến, trong trường hợp xảy ra xung đột vũ trang với Iran.
"Chiến địa chính vẫn là ở Iraq", nhà phân tích an ninh Mustafa Alani nói.
Một số chuyên gia quân sự phương Tây cho rằng sức mạnh quân sự của iran thực ra có thể tốt hơn mức người ta tưởng, nhờ các thiết bị khí tài của Nga, trong đó có hệ thống phòng không.
Nhưng ông Alani không tin. Ông không nghĩ rằng Tehran có đủ khả năng ngăn chặn một cuộc tiến công của Mỹ hay đủ sức trả đũa bằng cách đóng chặt eo biển Hormuz.
"Tôi cho là đang có sự phóng đại về tiềm lực quân sự của Iran", Alani nói. "Vấn đề đau đầu duy nhất là Iraq kia".
T. Huyền (theo Reuters)