Mặc dù chỉ là buổi sơ duyệt vở Hamlet nhưng sân khấu Nhà hát kịch Việt Nam (số 1 Tràng Tiền, Hà Nội) vào tối 23/10 nườm nượp người tới xem. Ai cũng chuẩn bị tâm thế đón nhận một tác phẩm kinh điển của thế giới hàng trăm năm qua. Nhà hát kịch Việt Nam không làm người xem thất vọng khi ra mắt vở bi kịch có nội dung sâu sắc, thông điệp mạnh mẽ và thiết kế sân khấu nhiều sáng tạo.
NSƯT Anh Tú trong vai trò đạo diễn gói gọn kịch bản của văn hào Shakespeare trong hai tiếng. Một số diễn biến được giản lược bằng lời kể, vừa để vở diễn không quá dài, vừa tập trung cho những xung đột. Tác phẩm mở ra bằng cảnh Claudius (NSƯT Trung Anh) và hoàng hậu Gertrude (Phương Nga) giết vua. Claudius thay anh trai lên ngôi, cưới hoàng hậu. Hoàng tử Hamlet (Tạ Tuấn Minh) đang học tại Đức tức tốc lên đường về chịu tang cha. Nhìn cảnh mẹ chàng tái hôn sau cái chết của chồng chưa đầy hai tháng, Hamlet lòng dạ ngổn ngang nhiều mối nghi ngờ. Hồn ma vua cha hiện về báo mộng kẻ đã sát hại mình, đòi Hamlet phải trả thù. Từ đó, lòng hoàng tử tràn đầy căm phẫn, ghê tởm những lọc lừa dối trá. Để có thể trả thù, chàng giả điên.
Chuỗi bi kịch liên tiếp với hàng loạt cái chết. Trong tác phẩm, ai cũng chết, dù chính nghĩa hay gian tà. Cái chết của quan đại thần Polonius không phải do thanh gươm của Hamlet, mà xuất phát từ sự khôn ngoan của chính ông. Sự qua đời của nàng Ophelia là kết quả của những lầm tưởng bị phụ tình. Nàng là nạn nhân của xã hội gian dối... Và Hamlet - chàng tuấn kiệt thông minh, hào hoa, nhân ái, đóa hồng của Đan Mạch - cuối cùng chết bởi lưỡi gươm tẩm độc. Nhưng đó là sự trả giá cho việc muốn đòi lại phẩm hạnh, cái thiện và lẽ sống con người. Hoàng hậu Gertrude và vua em Claudius cuối cùng cũng rơi vào bi thảm, trở thành nạn nhân của những tội ác do chính mình gieo rắc.
Tuy toàn sầu khổ, giết chóc, tác phẩm của NSƯT Anh Tú không mang màu sắc bi lụy, tang thương. Trong tấn bi kịch, đạo diễn làm nổi lên những cặp phạm trù của đạo đức. Đó là tình yêu và quyền lực, là căm thù và trả giá, nhan sắc và đức hạnh, lẽ phải và gian dối, tội ác và sám hối… Việc Hamlet đi tìm sự thật chính là một hành trình bảo vệ lẽ sống con người. Mỗi hành động, lời thoại của nhân vật đều đề cao nhân cách cao đẹp.
Những trích đoạn hay nhất của tác phẩm chính là bốn phân đoạn mà các nhân vật đấu tranh tư tưởng, hoặc tự vấn lương tâm. Tư tưởng quyết đấu tranh đến cùng cho lẽ phải được gửi gắm trong đoạn Hamlet nằm dưới ánh trăng tự hỏi lòng mình: “Tồn tại hay không tồn tại – đó là vấn đề. Chịu đựng tất cả những viên đá, những mũi tên của số phận phũ phàng, hay là cầm vũ khí vùng lên mà chống lại với sóng gió của biển khổ, chống lại để mà tiêu diệt chúng đi, đằng nào cao quý hơn?”.
Sự sám hối sau tội lỗi gửi gắm vào đoạn hoàng hậu Gertrude đối thoại với Hamlet. Những đau đớn, dằn vặt được đặt vào trích đoạn Claudius xưng tội trước Chúa. Dù có nắm được quyền lực là ngai vàng mà ông đang ngồi, dù tước được tình yêu là hoàng hậu Gertrude, thì đêm đêm tâm lý ám ảnh vẫn như tảng đá đè nặng trên ngực ông. Cảnh độc thoại của nàng Ophelia trước khi chết cho thấy niềm tin, tình yêu khi bị phá vỡ có hậu quả vô cùng lớn lao.
Bốn diễn viên Tạ Tuấn Minh, Trung Anh, Phương Nga, Quỳnh Hoa đã hóa thân xuất sắc vào các vai diễn. Trong đó những cảnh nội tâm của NSƯT Trung Anh là gây ấn tượng hơn cả. Anh diễn thoắt đấy là ánh mắt của một kẻ ác tới tận cùng, sẵn sàng ra tay sát hại anh trai, giết cháu ruột. Nhưng cũng đôi mắt ấy, thoắt sau lại là một sự sợ hãi trước lẽ phải, lương tâm.
Góp phần làm nên thành công của Hamlet là sự sáng tạo trong thiết kế sân khấu. NSND Doãn Châu đưa vở diễn lên một sân khấu động, chỉ với những bục gỗ có thể di chuyển mà biến hóa nên nhiều bối cảnh. Các bục gỗ khi là dãy tường thành của lâu đài phồn hoa, lúc là con thuyền lênh đênh trên biển, khi mở ra đóng lại làm nấm mồ chôn, lúc lại hóa thân thành hồ băng đang rạn vỡ để Ophelia trẫm mình...
Cảnh trí được giản lược tối đa, với những hình ảnh mang tính biểu tượng cao. Mô hình tường thành là biểu trưng cho một xã hội Đan Mạch thịnh vượng nhưng trong lòng nó đang xảy ra nhiều rạn nứt về văn hóa, nhân cách con người. Chiếc ghế mà Claudius ngồi là biểu trưng cho sức quyến rũ của quyền lực, thanh gươm gợi sức mạnh của công lý, chính nghĩa.
Trong vở kịch kinh điển của thế giới, đạo diễn Anh Tú mạnh dạn đưa vào trò Xuân Phả - tổ hợp múa giân dan vùng Thanh Hóa. Một số động tác, vũ điệu được biên đạo và sử dụng trong phần mở đầu của tác phẩm vừa hòa quyện với tinh thần vở diễn, nhưng vẫn giữ nét nghệ thuật dân gian riêng.
Kịch Hamlet sẽ có buổi diễn ra mắt vào ngày 3/11 tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Sau đó, tác phẩm tiếp tục diễn tại Nhà hát Kịch Việt Nam trong tháng 11.
*Một số hình ảnh trong vở diễn
Lam Thu