Biến dạng - vở kịch của Nhà hát Tuổi Trẻ, do NSƯT Anh Tú đạo diễn - có buổi diễn tổng duyệt tối 8/2 tại Hà Nội. Tác phẩm được xây dựng trên kịch bản của tác giả Chu Thơm, lấy vấn đề chống tiêu cực làm trọng tâm, từ đó đặt ra mục tiêu thức tỉnh lương tri mỗi con người.
Vở kịch mở màn bằng cảnh một người phụ nữ sắp lâm bồn. Bà mang thai đã 9 tháng 25 ngày mà đứa trẻ không chịu ra. Bà đỡ nhiều kinh nghiệm cho biết, nếu cứu được đứa con thì không cứu được mẹ; bà đề nghị bỏ con cứu mẹ nhưng không được chấp thuận. Người mẹ nhân từ nguyện chết để con mình được chào đời. Bà chỉ kịp để lại lời dặn cho hài nhi bé nhỏ: Lớn lên, con hãy làm người tốt. Nhưng đứa trẻ tên Sát ấy đã lớn lên không như lời mẹ dặn. Đường quan lộ của Sát trải đầy hoa hồng. 30 tuổi đã là giám đốc một công ty, 40 tuổi trở thành quan chức cấp cao của nhà nước.
Câu chuyện xảy ra ở thì hiện tại, khi ông Sát đã sắp tới tuổi nghỉ hưu. Với vị trí một quan chức cao cấp, ông từng nhận tiền hối lộ để phê duyệt một dự án xây dựng mà ông biết chắc sẽ lấy đi "bờ xôi ruộng mật" của nhiều người dân. Đó còn là mảnh đất quê hương, tiên tổ của ông. Những người như ông Vạn khuyên can không được, có ý định tố cáo ông Sát; hoặc những người biết rõ nhiều việc khuất tất của ông, đều bị tạo tai nạn tàn ác nhằm bịt đầu mối.
Trong nhà ông Sát có một cái gương từ thế kỷ 15, và nó mang lời nguyền: tất cả ông chủ gia đình không ai sống qua tuổi 60. Tuổi già, bệnh trọng, con hư - ba đại họa được cho là của con người - ông Sát đều có cả. Nhưng những thứ ấy chưa phải là nỗi lo sợ lớn nhất của một người kinh qua nhiều biến đổi chốn quan trường như ông. Chính những chuyện trong quá khứ mới là thứ đêm ngày tra tấn ông.
Đạo diễn Anh Tú mang tới một vở diễn không có nút thắt, cao trào. Tất cả tình tiết đều là sự đan cài giữa những tội ác trong quá khứ và sự ân hận trong thời hiện tại của ông Sát. Những tình tiết như cảnh nóng của ông Sát với cô bồ nhí, cảnh nhập đồng... giúp làm giảm tính căng thẳng cho một vở kịch với đề tài chống tiêu cực.
Dàn diễn viên Nhà hát Tuổi trẻ với sự chuyên nghiệp đã khắc họa tính cách nổi bật của từng nhân vật, nhất là ở tuyến nhân vật phản diện. Nghệ sĩ Sĩ Tiến vào vai ông Sát đầy mưu mô, tỉnh táo, tàn độc với vẻ ngoài điềm tĩnh. Nguyệt Hằng thể hiện một cô Tham tham lam vô lối, giấu trong vỏ bọc sang trọng. Còn Bá Anh làm nổi bật tính cách bỉ ổi trong vỏ bọc lịch lãm, học thức của một người có chút chức quyền.
Sân khấu của vở "Biến dạng" chỉ lấy một bối cảnh: nhà ông Sát. Tuy vậy, sự khéo léo trong cách sắp xếp đạo cụ đã tạo ra những không gian hợp lý, giúp các nhân vật thể hiện tốt tâm trạng, tính cách. Sau khi dựng Vòng phấn Kavkaz, Nhà hát Tuổi trẻ áp dụng một phần thủ pháp của sân khấu gián cách trong các vở kịch. Ở Biến dạng, đôi khi nhân vật trở thành người dẫn chuyện, có những đoạn diễn viên vẫn diễn trong khi người chuẩn bị đạo cụ thay đổi bố cục không gian sân khấu. Sự cố ý ấy như một lời nhắc nhở khán giả rằng những gì đang xảy ra chỉ là kịch, nhưng thông điệp của nó không loại trừ một ai.
Tuy lấy đề tài chống tiêu cực, có tuyến nhân vật chính diện, phản diện, nhưng Biến dạng không lên án nhân vật, hành động nào cụ thể. Toàn bộ tấn bi kịch nội tâm mà ông Sát trải qua là quá trình thức tỉnh lương tri trong mỗi con người. Ông Sát muốn quay đầu lại, nhưng ông đã đi quá xa bờ "thiện" nên phải chịu cái họa lúc về già. "Làm việc ác phải biết tự dừng lại, phải biết quay đầu về bờ. Bằng không nỗi lo âu và niềm ân hận luôn hiện hữu ngay cả trong giấc ngủ, thậm chí cả khi chết rồi vẫn không thoát khỏi sự nguyền rủa của nhân thế" - đó chính là thông điệp mà nội dung Biến dạng đã truyền tải trọn vẹn.
Lam Thu