Tên sách: Hồn Trương Ba da hàng thịt - Tuyển kịch Lưu Quang Vũ
Tác giả: Lưu Quang Vũ
Xuất bản tháng 9/2013
NXB Hội Nhà Văn và công ty Nhã Nam đã xuất bản cuốn sách này để tưởng niệm 25 năm ngày mất nhà thơ, kịch tác gia kiệt xuất Lưu Quang Vũ. Cuốn sách gần 400 trang tập hợp 5 kịch bản tiêu biểu của Lưu Quang Vũ, đó là Hồn Trương Ba, da hàng thịt, Ông vua hóa hổ, Ngọc Hân công chúa, Tôi và chúng ta, Điều không thể mất.
Viết về những câu chuyện hoàn toàn khác nhau nhưng cả 5 kịch bản đều có một điểm chung là nói về những thân phận, những kiếp người. Cuốn sách do đó thấm đẫm tính nhân văn sâu sắc.
Được nhiều người biết tới nhất là vở Hồn Trương Ba da hàng thịt được lấy làm tiêu đề sách. Vở kịch này từng được Nhát hát Kịch Việt Nam dàn dựng thành công, gây được tiếng vang trong nước và nước ngoài, và trở thành một vở kịch kinh điển của sân khấu Việt Nam. Bằng những tình huống kịch tính, căng thẳng, nhiều thông điệp đã được gửi đi trong cốt truyện mang chất liệu dân gian này. Đó là lời nhắc nhở về việc một linh hồn thanh cao không thể sống trong một thân xác thô phàm, là thông điệp về cái xấu đang ngày càng lấn át, và có nguy cơ làm băng hoại cái đẹp, là những thông điệp phi thời gian như “Không thể sửa một sai lầm này bằng một sai lầm khác”…
Trong kịch bản Ngọc Hân công chúa, Lưu Quang Vũ đã dựng nên một tác phẩm lịch sử có sức sống lâu bền. Cuộc hôn nhân ép buộc giữa Ngọc Hân và Nguyễn Huệ đã trở thành một mối tình đẹp, cả hai người đều là giai nhân, anh hùng; và hơn cả đó là tình yêu lớn của hai con người có nhân cách lớn, tư tưởng lớn. Trong vở kịch lịch sử này, Lưu Quang Vũ đã khéo léo lồng ghép những tư tưởng về cách dụng người tài, quan điểm về hiền sĩ… Nghệ thuật dựng nhân vật đạt tới mức điển hình trong kịch bản này. Như nhân vật Nguyễn Văn Chỉnh “chẳng thiết nhà Lê, nhà Trịnh nhà Tây Sơn hay bất cứ nhà nào! Điều khao khát nhất của ta là có quyền, thật sự có quyền. Bằng mọi cách, dù phải luồn lụy, bóp chết ai ta cũng làm bằng được” đã trở thành tiêu biểu cho những tên quan đứng phía sau mà có quyền hô phong hoán vũ, làm rối ren thời cuộc.
Ông vua hóa hổ là câu chuyện mang màu sắc cổ tích, nhưng những ý nghĩa lại không một chút màu hồng, mà lại là thông điệp về xã hội, chính trị, nhân cách. Nếu như Từ Đạo Hạnh lên ngôi nhờ vào sức mạnh, phép thuật của hùm beo, thì khi lên nắm quyền cũng hóa thành hổ. Câu chuyện đã gửi gắm nhiều tiếng nói có giá trị không chỉ cho những người nắm quyền, mà còn là tiếng nói của lòng nhân ái và cái thiện. Tư tưởng ấy được thể hiện rõ qua nhân vật Nguyễn Minh Không, khi ông chủ trương “càng có sức mạnh, càng ở ngôi cao, lòng nhân ái càng phải lớn”.
Kịch bản Điều không thể mất là một câu chuyện thời hậu chiến, tuy không ai là kẻ xấu, không có kết cục mất mát đau thương nhưng lại lấy nhiều nước mắt khán giả qua bao lần dàn dựng.
Vở Tôi và chúng ta lại viết về câu chuyện xảy ra trong thời kỳ Đổi mới. Tác giả đặt ra những vấn đề về lối quản lý kinh tế chung, đặt cao cái “chúng ta” hữu hình mà không nhìn nhận, nói chính xác hơn là bỏ qua yếu tố “tôi”- yếu tố con người. Kịch bản không chỉ là một hoạt cảnh, mà còn là những trăn trở, những thao thức của một người sáng tạo văn hóa với sự phát triển kinh tế đất nước, với việc giữ gìn những điều tốt đẹp trong quá khứ dân tộc.
Chỉ với 5 vở kịch, chiếm một phần mười trong kho tàng kịch bản mà Lưu Quang Vũ viết trong khoảng thời gian ngắn ngủi cuối đời, đã cho độc giả, công chúng hình dung về tầm vóc của tác giả đã góp sức lớn cho một giai đoạn mà nền sân khấu, văn học từng phát triển rực rỡ.
Hiền Đỗ