Xuyên suốt hai tiếng vở kịch "Trái tim trong trắng" của cố tác giả Lưu Quang Vũ, diễn ra sáng 15/9 tại rạp Công Nhân (Hà Nội), các diễn viên đã mang đến cho khán giả mọi lứa tuổi nhiều cung bậc cảm xúc; từ tiếng nấc xót thương cho những "trái tim trong trắng" đến nụ cười mãn nguyện trước chiến thắng của tình yêu, công lý trước sự bất công, oan trái.
Buổi diễn sáng 15/9 tại rạp Công Nhân thu hút được mọi thành phần, lứa tuổi. Ảnh: Thành Trương. |
Chua xót nhưng ấm áp tình người, "Trái tim trong trắng" là câu chuyện về những mảnh đời éo le trong cảnh tranh tối, tranh sáng của xã hội một thời. Đó là Luân, anh bộ đội vừa xuất ngũ, đang vui mừng vì sắp được giới thiệu người yêu cho gia đình thì phải vào tù vì bị buộc tội oan giết người. Hay như Bốn, người giúp đỡ Luân thoát cảnh tù tội, chỉ vì không muốn con bị đói giữa đêm giao thừa mà đi ăn cắp, giữa đường bị giằng xé tâm can định quay lại trả đồ thì bị bắt, phải ngồi sau song sắt trại giam suốt 5 năm trời. Không ít khán giả trẻ mắt sũng nước khi nhìn cảnh Phương, người yêu của Luân, phải đánh đổi 5 năm tuổi trẻ, từ giáo viên thành nhân viên vệ sinh để minh oan cho anh, mặc cho người nhà Luân khuyên can nên tìm chỗ dựa mới.
Câu chuyện về "2000 ngày oan trái" (tên gọi khác của vở kịch) cũng khiến người xem phải lắc đầu khi chứng kiến cảnh đại úy Hùng, người phụ trách vụ án, chỉ vì tắc trách, nóng vội mà buộc tội oan khiến Luân phải chịu cảnh tù tội suốt mấy năm ròng. Nhân vật Hoát (NSƯT Xuân Đồng), người anh trai gia trưởng, quan liêu của Luân, cũng tạo ra những tiếng cười sảng khoái khi luôn miệng nói với bố mình là "đồng chí thấy" cùng những câu nói giống hệt như đi họp khi giao tiếp với người thân trong gia đình. Các nhân vật trong vở kịch có sức hút lớn đến nỗi lúc Hoát quay lưng nói sai sự thật về chính em trai mình trước tòa, một khán giả đã giẫm chân quát: "Đấm vỡ mồm thằng đó đi!" khiến những người xung quanh, thay vì bực dọc chuyện làm ồn trong rạp, đều quay lại nhìn đồng cảm.
"Trái tim trong trắng" là câu chuyện về tình yêu và công bằng. Ảnh: Hiền Đỗ. |
Một khán giả trẻ đặc biệt yêu các tác phẩm của Lưu Quang Vũ chia sẻ, sau khi bạn xem vở Trái tim trong trắng về tình cờ gặp một chú xe ôm nhà đối diện rạp Công Nhân (Hà Nội) cũng mê kịch của tác giả họ Lưu cuồng nhiệt tới mức ngày trước hễ có vở hay là chú lại chạy sang đường để xem. "Kịch anh Vũ hay lắm. Vở nào cũng sâu sắc thời sự. Tiếc là anh Vũ đoản mệnh". Chú bảo với bạn rằng thời xưa, ghế trong rạp hát là ghế gỗ chứ nào được đệm nhung đỏ như bây giờ, cựa nhẹ mình là nó kêu cọt kẹt. Cũng cái vở Trái tim trong trắng diễn hôm nay, khán giả còn đứng bật cả dậy, đạp ghế ầm ầm ấy. Khóc, giận, đau khổ vật vã cứ như thể chính mình bị oan ức không bằng.
Vị khán giả này tâm sự: "Kịch Lưu Quang Vũ luôn còn chỗ đứng trong trái tim khán giả, có lẽ một phần nhờ ông đẩy được khán giả đến cực điểm của cảm xúc, dù rằng, so với thế hệ lớp diễn viên ngày xưa, diễn viên trẻ hiện nay vẫn bị coi là không thể diễn hay bằng".
NSND Hoàng Dũng (thứ hai từ phải sang) đem lại cái nhìn mới về vở kịch của Lưu Quang Vũ. Ảnh: Thành Trương. |
Với nhịp độ đẩy cao cùng nhiều nút thắt tiếp nối, đạo diễn, NSND Hoàng Dũng đã đưa khán giả tới mọi cung bậc cảm xúc, từ giận dữ trước những bất công cho đến hạnh phúc khi công lý được thực thi và tình yêu được trọn vẹn. Điểm khác biệt của vở kịch lần này là bên cạnh việc lên án sự quan liêu, tắc trách của những người "đại diện cho công bằng", NSND Hoàng Dũng còn lột tả được sự dày vò của kẻ phạm tội, điều ít được quan tâm trong mỗi vụ án.
Dù được viết cách đây gần 30 năm, những giá trị tinh thần của "Trái tim trong trắng" vẫn không hề cũ. Đình Chương (24 tuổi, Hà Nội) cho biết: "Những câu chuyện và bài học từ vở kịch vẫn đúng cả với lớp trẻ như tôi bây giờ. Bản thân tôi rất tâm đắc với câu nói của nhân vật Bốn trong vở kịch: Làm thú thì dễ. Làm người mới khó... Mà khi đã bị vào tù oan thì lại càng phải cố làm người".
Video: Cảm nhận của khán giả về vở kịch 'Trái tim trong trắng'
Liên hoan Các vở diễn của tác giả Lưu Quang Vũ do Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam tổ chức nhằm tưởng niệm 25 năm ngày mất của kịch tác gia xuất sắc này. Liên hoan diễn ra từ 9 đến 16/9 tại Hà Nội, thu hút chín đoàn nghệ thuật như Kịch Việt Nam, Kịch Hà Nội, Nhà hát Tuổi Trẻ, Chèo Hà Nội, Cải lương Hải Phòng, Kịch nói Nam Định, Ca kịch Huế… tham dự. Có 12 vở diễn dựa trên chín kịch bản của tác giả Lưu Quang Vũ đã được dàn dựng và làm mới, thuộc nhiều thể loại như kịch nói, chèo, cải lương, kịch hình thể như: Hồn Trương Ba, da hàng thịt, Trái tim trong trắng, Ông không phải bố tôi, Mùa hạ cuối cùng… |
Thành Trương