Nhiều năm trước, chuyện thương tâm báo đăng khiến tôi động lòng. Bài báo kể về hai đứa trẻ trạc tuổi con tôi bỗng trở thành mồ côi sau khi bố mẹ bất ngờ qua đời bởi tai nạn. Trong ảnh, hai đứa trẻ ngơ ngác ngồi trong căn lều rách nát, gần đó, người bà lâm bệnh nằm thoi thóp.
Tôi lập tức chuyển khoản theo số tài khoản báo đăng, kèm theo tin nhắn thông báo về đóng góp của mình. Một ngày, hai ngày, tin nhắn không được hồi âm. Tới ngày thứ ba, tôi thử gọi lại, chỉ có tiếng tò te tí. "Dù thế nào, chắc chủ tài khoản vẫn cần số tiền này hơn mình", tôi tự nhủ.
Kể từ đó, tôi chỉ tham gia những chương trình thiện nguyện mà mình biết rõ người khởi xướng. Đó có thể là người bạn lâu năm chủ trì dự án xây nhà cho những gia đình có chồng, con hy sinh trong cuộc chiến bảo vệ đảo Hoàng Sa và Trường Sa hoặc đồng nghiệp thân thiết mong chuyển chút quà về cho họ hàng ở quê mùa bão lũ. Ít ra, tôi cũng biết một chút về họ chứ không chỉ nhìn vào một cái tên.
Với trường hợp không quen thân, tôi chọn đặt lòng tin vào thương hiệu cá nhân của họ. Tôi cẩn thận theo dõi cách họ thể hiện trên truyền thông, mạng xã hội, những vấn đề họ quan tâm, cách họ triển khai các hoạt động xã hội. Nói thẳng ra, tôi tạm ứng và và đầu tư niềm tin vào họ. Bởi rất có thể, niềm tin đó nhầm chỗ nếu người tôi gửi gắm không làm tròn phận sự.
Năm 2007, Washington Post mời Joshua Bell, nghệ sĩ vĩ cầm hàng đầu thế giới làm một thử nghiệm. Họ để Bell vi hành chơi nhạc ngoài một ga tàu điện ngầm ở thủ đô Washington D.C. Gần đó là tòa nhà Thư viện Quốc hội, nơi đang quảng cáo buổi biểu diễn của anh mà theo định giá, mỗi phút chơi nhạc của Bell đáng giá 1.000 USD.
Bell chơi đàn say mê bằng cây vĩ cầm 300 tuổi Stradivarius trị giá bốn triệu USD. Tuy nhiên, trong bộ dạng tuềnh toàng, Bell dường như tàng hình trước đám đông qua lại. Không ai nhận ra Bell và thứ âm nhạc kỳ diệu của anh.
Ví dụ kinh điển này cho thấy sức mạnh của thương hiệu cá nhân và giá trị của sản phẩm văn hóa kèm theo. Những cá nhân nổi trội về ngoại hình, tài năng, sự khác biệt... được công chúng chấp nhận sở hữu thương hiệu riêng. Họ dễ dàng lôi kéo đám đông hơn người thường. Người ta khao khát vào nhà hát để được nghe tiếng đàn trứ danh của Joshua Bell, nhưng lại hoàn toàn hờ hững với cũng tiếng đàn ấy phát ra từ một kẻ "vô danh" và có vẻ nghèo.
Có thể giống như tôi, nhiều khán giả ngạc nhiên khi gần đây khá nhiều nghệ sĩ có tiếng xuất hiện thường xuyên trên các video quảng cáo, từ thuốc làm trắng da, trị tiểu đường tới chữa rụng tóc, nhức xương. Tôi chưa bao giờ đủ kiên nhẫn xem hết một quảng cáo kiểu này. Tuy nhiên, sẽ có bao nhiêu người tin tưởng đặt mua sản phẩm vì mến mộ nghệ sĩ? Và vì con người thường quyết định dựa trên cảm xúc - cũng giống như tôi xưa kia - lật đật chuyển khoản từ thiện không hề suy tính.
Người nổi tiếng sở hữu quyền lực với đám đông. Công chúng theo dõi họ vì ngưỡng mộ tài năng, yêu mến, tin cậy, và đôi khi có cả "nhu cầu thơm lây". Khi quen biết một người có vị thế, nổi tiếng, người ta đôi khi cảm thấy mình cũng trở nên quan trọng.
Có lẽ những người nổi tiếng hiểu rõ điều này. Họ phát triển một cộng đồng thân cận, và đổi lại, nhận từ cộng đồng đó sự yêu mến, niềm tin, sự ủng hộ tinh thần và cả vật chất - một loại vốn xã hội có thể quy ra thành thu nhập. Ở phía khán giả, "hiệu ứng hào quang" khiến hầu hết chúng ta mặc định rằng một tài năng trên sàn diễn, sân bóng cũng có thể làm tốt các kỳ vọng khác ta trao gửi.
Tuy nhiên, một cá nhân có thương hiệu bền vững không chỉ dựa vào tài năng nghề nghiệp. Thương hiệu ấy còn nhờ những giá trị như sứ mệnh cá nhân, trách nhiệm xã hội, lòng nhân ái, cam kết tạo ra thay đổi tích cực cho cộng đồng...
Sở hữu một thương hiệu cá nhân "khủng" không dễ. Người nổi tiếng cũng phải chịu nhiều áp lực của riêng mình. Bên cạnh đó, hào quang, tiền bạc, đặc quyền và sự kiêu ngạo có thể làm người ta lạc lối. Việc dễ dàng kêu gọi đám đông hành động theo mình khiến nhiều người tự tin rằng: miễn khán giả thương, mọi việc đều có thể "thể tất".
Mọi tranh cãi xung quanh góc nhìn nên thông cảm hay không với những sơ suất của người nổi tiếng chỉ có giá trị khi chúng ta xác định đúng đối tượng bị thiệt hại, và sơ suất đó thuộc phạm trù đạo đức hay phạm trù luật pháp.
Ở góc độ luật pháp trong câu chuyện quyên góp thiện nguyện của một số nghệ sĩ, thực ra, Nghị định số 64/2008 đã quy định thời gian phân bổ tiền, hàng cứu trợ chậm nhất không quá 20 ngày sau khi kết thúc quyên góp. Song vì nó còn chung chung, không yêu cầu các cá nhân đứng ra quyên góp giải trình nên Chính phủ đang xây dựng dự thảo nghị định mới. Vấn đề là, theo đại diện cơ quan soạn thảo, nghị định mới cũng chưa quy định rõ về thời gian phải phân phối số tiền hàng cứu trợ vì cho rằng đó là thỏa thuận riêng giữa người tiếp nhận và bên ủng hộ.
Ở góc độ công chúng, người dân hoặc rộng hơn là các tổ chức dân sự có quyền lên tiếng nếu niềm tin của họ bị đánh cắp. Và, thật tốt biết bao nếu tiếng nói của họ cũng được luật pháp bảo hộ.
Còn từ góc độ quản lý xã hội, chỉ khi ban bố khuôn khổ pháp luật đầy đủ về các hoạt động gây quỹ, quảng bá sản phẩm, nhà nước mới có thể giúp cộng đồng trưởng thành, thúc đẩy tiến bộ xã hội, đồng thời giúp người của công chúng gìn giữ thương hiệu cá nhân của mình.
Cẩm Hà