"Tôi hy vọng số lượng vũ khí và súng ống phục vụ cho chiến thắng của Ukraine sẽ tăng lên", Mozart, chỉ huy 39 tuổi của một đơn vị pháo binh Ukraine đang chiến đấu ở tiền tuyến Donbass nói ngày 7/1, sau khi được phóng viên AP thông báo rằng ông Donald Trump đã đắc cử tổng thống Mỹ.
Đơn vị của Mozart không liên tục theo dõi tình hình bầu cử Mỹ, vì thi thoảng mới có thể kết nối Internet bằng thiết bị Starlink và quá bận rộn với chiến sự để có thể chú ý đến những gì diễn ra ở bên kia đại dương.
Họ bắn đạn pháo vào lực lượng Nga hàng ngày và bị đối phương đáp trả với mức độ gần như tương tự. Gần đây, họ còn giăng lưới bắt được một thiết bị bay không người lái (drone) tự sát của Nga.
"Chúng tôi không quan tâm ai là tổng thống Mỹ tiếp theo, miễn là họ không cắt viện trợ cho Ukraine, vì chúng tôi cần điều đó", Mozart nói.
Thắng lợi của ông Trump khiến giới quan sát bày tỏ hoài nghi về ủng hộ của Mỹ dành cho Ukraine trong tương lai, cũng như khả năng chiến thắng của Kiev trong xung đột với Moskva.
Tổng thống đắc cử Trump tự nhận mình có quan hệ tốt với Tổng thống Nga Vladimir Putin và từng khen ông chủ Điện Kremlin "thông minh" vì đã mở chiến dịch đặc biệt tại Ukraine.
Ông Trump nhiều lần chỉ trích ủng hộ của Washington dành cho Kiev và mô tả Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky là "người bán hàng giỏi nhất thế giới" vì đã kêu gọi được khoản viện trợ trị giá hàng trăm tỷ USD của Mỹ.
Ông khẳng định sẽ giải quyết xung đột Ukraine trong vòng 24 giờ, song không nêu biện pháp cụ thể. Trong cuộc tranh luận trực tiếp với Phó tổng thống Kamala Harris hồi tháng 9, ông Trump hai lần từ chối trả lời khi được người điều phối hỏi có muốn Ukraine chiến thắng hay không.
Điều này này làm dấy lên lo ngại rằng Kiev sẽ đối mặt sức ép phải chấp nhận các điều khoản bất lợi trong thỏa thuận do ông Trump làm trung gian, thậm chí có thể phải chấp nhận nhượng bộ lãnh thổ trước Nga.
Nhưng Mozart và một số binh sĩ Ukraine vẫn hy vọng ông Trump sẽ duy trì ủng hộ cho nước này sau khi lên nắm quyền.
"Tôi không nghĩ việc ông Trump được bầu sẽ khiến Mỹ ngừng ủng hộ Ukraine. Ngược lại, sẽ có nhiều hành động quyết đoán hơn được đưa ra, như cho phép Ukraine sử dụng tên lửa ATACMS để tập kích lãnh thổ Nga", lính bắn tỉa Ukraine có biệt danh Bart đang tham chiến ở mặt trận Kharkov cho biết.
Mỹ tới nay chưa cho phép Ukraine sử dụng vũ tầm xa do Washington cung cấp để tấn công mục tiêu nằm sâu trong lãnh thổ Nga, do lo ngại vượt "lằn ranh đỏ" do Moskva vạch ra.
Bart cho rằng chính quyền của Tổng thống Joe Biden "thiếu năng lực" và nước Mỹ dưới thời ông không còn là cường quốc, chỉ biết chịu đựng. "Nhân tiện, ông Trump là người đã chuyển những tên lửa Javelin đầu tiên cho chúng tôi", binh sĩ này nói.
Mỹ lần đầu viện trợ vũ khí cho Ukraine vào năm 2017, trong nhiệm kỳ đầu của ông Trump, nhằm hỗ trợ Kiev ứng phó lực lượng ly khai ở miền đông. Số tên lửa Javelin chuyển giao trong đợt này đã đóng vai trò quan trọng giúp Ukraine chống đỡ lực lượng Nga trong giai đoạn đầu tiên của cuộc xung đột.
Sĩ quan Ukraine Myroslav Hai nhận định động thái của chính quyền ông Trump đã mở đường để Kiev có thể tiếp nhận nhiều vũ khí hơn từ các đối tác phương Tây. Hai cũng cho biết dưới thời ông Trump, lực lượng Mỹ đã tỏ ra cứng rắn với Nga tại Syria và từng đánh bại một nhóm lính đánh thuê thuộc tập đoàn quân sự tư nhân Wagner.
"Điều đó chứng tỏ ông Trump trước đây rất cứng rắn về mặt chính trị với Nga. Tôi không hiểu tại sao một số người cho rằng tình hình sẽ xấu đi khi ông ấy trở thành tổng thống", sĩ quan này nói.
Tổng thống Zelensky cũng thể hiện thái độ tích cực trước tin ông Trump đắc cử. Ông là một trong các lãnh đạo thế giới đầu tiên công khai chúc mừng ông Trump.
"Tôi đánh giá cao cam kết của Tổng thống Trump về cách tiếp cận 'hòa bình thông qua sức mạnh' đối với các vấn đề toàn cầu. Đây chính là nguyên tắc có thể mang hòa bình đến gần hơn với Ukraine trên thực tế. Tôi hy vọng chúng tôi có thể cùng nhau triển khai nguyên tắc này", Tổng thống Zelensky viết trên mạng xã hội.
Dù vậy, cũng có không ít binh sĩ Ukraine tỏ ra bi quan trước thông tin ông Trump đắc cử tổng thống Mỹ.
"Tôi không tin ông Trump có năng lực kỳ diệu để gây sức ép với ông Putin", Yurii, quân nhân 52 tuổi được triển khai ở mặt trận Zaporizhzhia, nói. "Sẽ là thảm họa nếu ông ấy đưa ra những quyết định kỳ lạ như trong quá khứ, ví dụ tuyên bố muốn rời khỏi NATO".
Trong 4 năm làm tổng thống Mỹ, ông Trump đã nhiều lần chỉ trích các thành viên châu Âu của NATO và đe dọa rút khỏi liên minh nếu họ không đóng góp nhiều hơn cho chi tiêu quân sự của khối.
Oleksii, lính quân y Ukraine thuộc Lữ đoàn Tăng Kryvyi Rih số 17, không tin tưởng giới chính trị gia vì họ "luôn làm những điều bất ngờ". "Với ông Trump thì sự nghi ngờ này tăng gấp đôi. Tôi muốn mọi thứ kết thúc bằng chiến thắng chứ không phải sự nhượng bộ", anh nói.
Serhii Koniukh, lính quân y Ukraine 55 tuổi ở mặt trận Zaporizhzhia, nhắc lại rằng đảng Dân chủ là bên ủng hộ Kiev hơn so với đảng Cộng hòa. "Rõ ràng đảng Dân chủ hậu thuẫn cho chúng tôi nhiều hơn, trong đó có viện trợ quân sự. Trong tương lai thì sự ủng hộ này sẽ không còn chắc chắn nữa", Koniukh nhận định.
Dưới thời chính quyền Biden, Mỹ đã viện trợ cho Ukraine hơn 60 tỷ USD vũ khí, đạn dược và các hỗ trợ quân sự khác kể từ khi xung đột bùng phát ở nước này đầu năm 2022.
Trong khi đó, dự luật viện trợ nước ngoài trị giá 95 tỷ USD, trong đó có một khoản lớn dành cho Ukraine, đã bị chặn trong nhiều tháng ở quốc hội Mỹ trước khi được thông qua vào tháng 4, do vấp phải phản đối của các nghị sĩ đảng Cộng hòa.
Theo Koniukh, Ukraine cần phải tự lực tự cường, thay vì tiếp tục trông chờ vào sự hỗ trợ từ bên ngoài để tránh rơi vào tình huống như hiện tại. "Chúng tôi có tổng thống của mình, người giờ sẽ phải dẫn dắt toàn bộ đất nước và không phụ thuộc vào bất kỳ cuộc bầu cử nào", binh sĩ này nhấn mạnh.
Phạm Giang (Theo AP, Kyiv Independent)