Suốt nhiều tháng qua, Mykhail và đồng đội Aleksander tại Lữ đoàn biệt kích rừng số 71, quân đội Ukraine, cảm thấy như bị "trói một tay sau lưng" khi phương Tây cấm họ dùng vũ khí được viện trợ để tập kích vào đội hình binh sĩ, khí tài Nga bên kia biên giới.
"Nếu Nga sử dụng vũ khí của họ nhằm vào lãnh thổ chúng tôi, vậy thì mọi thứ cần công bằng, chúng tôi nên được tập kích vào lãnh thổ họ", Aleksander nói.
Nga ngày 10/5 triển khai hàng nghìn quân vượt biên giới ở Kharkov và nhanh chóng kiểm soát nhiều khu dân cư tại tỉnh này, uy hiếp thành phố Kharkov, đô thị lớn thứ hai ở Ukraine. Quân đội Ukraine đã phát hiện từ sớm lực lượng Nga tập kết bên kia biên giới ở Kharkov, nhưng không thể tấn công phủ đầu.
"Mọi thứ thật bất công. Trinh sát cung cấp cho chúng tôi tọa độ của các mục tiêu Nga, nhưng chúng tôi không thể tấn công họ", Mykhail kể.
Giới quan sát cho hay chiến dịch tấn công Kharkov của Nga là "giọt nước tràn ly" khiến các quan chức ngoại giao, quân sự hàng đầu trong chính quyền Tổng thống Joe Biden thay đổi quan điểm về hỗ trợ vũ khí cho Ukraine. Ngày 30/5, ông Biden đã ngầm "cởi trói" cho lính Ukraine, nhưng yêu cầu họ chỉ tập kích mục tiêu quân sự trong lãnh thổ Nga gần biên giới với Kharkov.
Các binh sĩ Ukraine ở thành phố Vovchansk, tỉnh Kharkov, ngày 4/6 nói với Telegraph rằng họ hoan nghênh động thái trên, gọi đây là quyết định đúng đắn dù có muộn màng.
Vovchansk đã bị tàn phá đáng kể khi Nga mở chiến dịch tiến công ở Kharkov ba tuần trước. Lực lượng Ukraine ở đây nói các chỉ huy của họ biết vị trí các mục tiêu quan trọng của Nga nhưng không thể làm gì, bởi Nga phát động tấn công từ bên kia biên giới.
Tập kích vào các chuỗi hậu cần, căn cứ không quân, trận địa pháo binh và vị trí tập trung quân sẽ giúp ngăn cản đáng kể nỗ lực của Nga nhằm tiến sâu hơn vào Kharkov, các binh sĩ Ukraine kỳ vọng.
"Điều quan trọng chúng tôi cần làm là phá các chuỗi hậu cần của họ ở hậu phương", theo Aleksander.
Andriy Yermak, chánh văn phòng Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, có quan điểm tương tự. Theo Yermak, sự thay đổi chính sách của phương Tây sẽ giúp Ukraine đẩy lùi các đợt tiến công của Nga, đối phó các đợt tập kích và phòng thủ tốt hơn tại Kharkov.
"Cho phép sử dụng vũ khí phương Tây tập kích lãnh thổ Nga là quyết định quan trọng", ông Yermak nói. "Động thái sẽ tác động đến cách tác chiến, lên kế hoạch phản công và làm suy yếu khả năng triển khai lực lượng từ khu vực biên giới của Nga".
Sau khi được nới "vòng kim cô", lực lượng Ukraine đã sử dụng pháo phản lực phóng loạt tự hành HIMARS để tập kích loạt mục tiêu trong lãnh thổ Nga.
Thông tin và video đăng trên Telegram cho biết hệ thống phòng không S-300/S-400 tại tỉnh biên giới Belgorod của Nga ngày 2/6 đã trúng đạn HIMARS. Hai bệ phóng của tổ hợp được cho là bị phá hủy hoàn toàn, các thành phần khác bị hư hại.
Giới chức Nga chưa bình luận về thông tin. Điện Kremlin trước đó cảnh báo Washington về "hậu quả nghiêm trọng" khi cho phép Ukraine tập kích xuyên biên giới như vậy.
Trên tiền tuyến, binh sĩ Ukraine không mấy quan tâm đến những cảnh báo như vậy. "Ít nhất, chúng tôi sẽ có thể đẩy lùi họ phần nào", một lính bộ binh Ukraine nói. "Chúng tôi có lẽ sẽ có thêm thời gian để xoay xở. Tình hình vốn rất nguy nan".
Binh sĩ Ukraine tại tiền tuyến đã tiếp nhận thêm đạn dược từ Mỹ, sau khi quốc hội nước này duyệt gói viện trợ hơn 60 tỷ USD cho Kiev cuối tháng 4. Tuy nhiên, họ vẫn đang bị hỏa lực của Nga áp đảo.
"Nếu chúng tôi khai hỏa 10 phát, họ sẽ bắn lại 50 phát", một pháo thủ Ukraine nói. "Và dù có thêm đạn, nòng pháo của chúng tôi cũng đã cũ và hao mòn".
Cho phép tập kích vào lãnh thổ Nga sẽ giúp ích, pháo thủ này dự đoán, nhưng cho rằng số lượt tấn công qua biên giới chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ trong tổng số mục tiêu Ukraine nhắm đến.
"Tất nhiên, họ nên cho chúng tôi lựa chọn đó. Chúng tôi sẽ không dùng vũ khí nhằm vào dân thường, mà chỉ tấn công mục tiêu quân sự", binh sĩ này cho hay. "Chúng tôi cần phải hạ lính Nga để họ không thể đến được đây".
Sau đợt tiến công của Nga, giới chức Ukraine cho biết khoảng 80% công trình tại Vovchansk đã bị hư hại. Theo các binh sĩ Ukraine, tình hình tiền tuyến gần đây đã ổn định và họ đang kiểm soát khoảng 70% thành phố này. Tuy nhiên, lính Ukraine vẫn đối mặt nguy cơ từ bom lượn, loại vũ khí có thể được thả từ phi cơ Nga ở ngoài tầm bắn của phòng không của Ukraine.
Mykhail nói tình trạng khan hiếm đạn dược đã được giải quyết phần nào sau khi Mỹ duyệt gói viện trợ.
"Tình hình rất hiểm nghèo vào cuối năm 2023, nhưng chúng tôi giờ đây đã có thể khai hỏa pháo trở lại. Tác chiến chỉ dùng bộ binh là bất khả thi", Mykhail nói. "Nếu các đồng minh tăng cường viện trợ, chúng tôi có thể cứu thêm nhiều sinh mạng Ukraine".
Nhưng giới quan sát đánh giá quyết định nới "vòng kim cô" vũ khí cho Ukraine khó khiến cục diện chiến sự thay đổi, mà chỉ phần nào ngăn cản khả năng Nga tấn công qua biên giới.
"Ukraine không có đủ nguồn lực để kiểm soát toàn bộ biên giới, và sẽ phải khai hỏa từ những vị trí khá xa lãnh thổ Nga", Nikolay Mitrokhin, nhà nghiên cứu tại Đại học Bremen, Đức, nhận định. "Hy vọng Ukraine có thể thành công trong việc tập kích lực lượng Nga cùng khí tài của họ đang chuẩn bị triển khai".
Như Tâm (Theo Telegraph, Al Jazeera)