Những cái tên đều quen thuộc, gắn liền với từng thứ đồ tiêu dùng từ nhỏ nhặt đến hạ tầng to lớn tôi cần mỗi ngày. Và quen thuộc còn bởi, phần lớn doanh nghiệp trong danh sách trên đều xuất hiện trong báo cáo của Kiểm toán nhà nước với tình trạng âm vốn, nợ nần, kinh doanh thua lỗ trăm tỷ...
Nhiệm vụ của tôi là kiểm tra việc công bố thông tin tại những doanh nghiệp "có vấn đề" đó. Tôi sẽ lên website của Bộ Kế hoạch đầu tư và của riêng các công ty, vào mục văn bản báo cáo. Tôi sẽ xem những thông tin thiết yếu về hoạt động kinh doanh có được các doanh nghiệp này đăng tải đầy đủ đúng hạn hay không.
Nói một cách dễ hiểu, tôi sẽ làm hai việc: Một là tìm lỗi các doanh nghiệp nhà nước vừa làm ăn bê bối vừa không công bố thông tin. Hai là "tố giác" tình trạng khó giám sát của các doanh nghiệp có vốn nhà nước (cho dù không phải 100% vốn thì họ cũng cầm tiền của dân). Chủ đề lớn. Và trong tâm thế khao khát lập công của một phóng viên trẻ, tôi hồ hởi vào việc.
Chỉ ba phút sau cái click chuột đầu tiên, tôi đã tìm thấy dữ liệu đáng kể cho sản phẩm báo chí của mình. Báo cáo tài chính duy nhất trong 3 năm qua của một tổng công ty phát triển giao thông đường bộ, mở ra lại là báo cáo của một công ty hàng hải.
Không lâu sau, sự phấn khởi lại ập đến. Một tập đoàn nắm hàng trăm nghìn tỷ vốn nhà nước, cũng thiếu báo cáo tài chính, chế độ lương thưởng và tổng kết hoạt động kinh doanh của nhiều kỳ trên website. Tập đoàn này là tác giả của nhiều dự án thua lỗ hàng chục nghìn tỷ.
Tôi vào website của một nhà xuất bản đang báo lỗ, bấm vào tab "công bố thông tin". Ba trong số bảy văn bản xuất hiện tại đây là bảng giá thông báo mời thầu in sách. Không có báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm 2018.
Tại website của một doanh nghiệp đang có hàng nghìn tỷ đồng tài sản "đắp chiếu", văn bản duy nhất do công ty này soạn thảo và ban hành, là những Thư mời tham gia chào thầu giá vận chuyển. Doanh nghiệp này, đang được nêu lên như một dự án tiêu biểu cho sự yếu kém trong đầu tư của Việt Nam thập kỷ này.
Tôi vào website của một công ty đang có tỷ lệ nợ gấp gần 10 lần số vốn chủ sở hữu. Trong số danh mục công bố thông tin, khi mở ra đều xuất hiện chung một dòng chữ màu đỏ: "Không có dữ liệu."
Tôi thậm chí tìm được cả những doanh nghiệp nắm đồng vốn "của dân", nhưng không có nổi một website để công bố thông tin sau cả thập niên hoạt động.
Trên lý thuyết, công việc của tôi đang diễn ra suôn sẻ. Tôi bắt được nhiều lỗi và nên cảm thấy mừng. Tất cả những doanh nghiệp kể trên đều nắm vốn nhà nước, thậm chí là rất nhiều vốn nhà nước. Họ đều thiếu minh bạch. Tâm lý của tôi lúc ấy, một người được giao nhiệm vụ đi bới rác, là khấp khởi hy vọng có sai phạm mỗi lần sờ đến một cái tên, và hưng cảm khi nhìn thấy lỗi lầm.
Nhưng rồi những sai phạm nối tiếp sai phạm, tôi bỗng không còn cái hứng khởi "làm việc lớn, lập công to" lúc ban đầu. Các con số lỗ, nợ vẫn không ngừng hiện ra trước mắt tôi theo đơn vị nghìn tỷ đồng. Cái mà tôi đang làm, với những điệp khúc lên án cao vút nối tiếp nhau, trong hình dung ban đầu, sẽ là một bản tráng ca. Nhưng rồi nhìn kỹ lại, với từng kia tiền bạc của nhân dân, nó hình như là một khúc điếu bi ai.
Tôi không còn vui khi viết về chủ đề này. Hạnh phúc nhỏ nhặt của cô phóng viên trẻ trong tôi, thật ra là một bất hạnh của xã hội.
Tôi không phải phóng viên chuyên trách kinh tế. Những nhân vật tôi gặp từ lúc vào nghề đều là những người phải vuốt phẳng phiu từng tờ một, hai nghìn đồng để dành mua thuốc, mua gạo, trả nợ ngân hàng, hay cho con cái đi đại học. Một tỷ với họ là ước mơ không bao giờ chạm tới.
1,37 triệu tỷ đồng chính là số vốn Nhà nước đang nằm trong các doanh nghiệp, và tổng nợ ở những đơn vị này thì đã lên đến hơn 1,6 triệu tỷ đồng.
Rất ít người tôi hỏi có khả năng trả lời nhanh 1,37 triệu tỷ đồng có tổng cộng bao nhiêu số 0, quy ra USD là bao nhiêu. Độc giả có thể thử nhẩm như một bài toán luyện tư duy.
Hồi bé, đi học trường công là một thứ để những đứa trẻ như tôi có quyền thấy mình giỏi giang hơn những bạn phải vào trường dân lập. Lớn lên, đi đu học theo diện chính phủ là điều khiến bố mẹ tôi tự hào vì không phải lo kinh tế cho con mình tự túc ở một đất nước xa xôi. Thế hệ tôi ra trường, vẫn có nhiều người sẵn sàng đánh đổi nhiều chi phí để đổi lấy một công việc trong các cơ quan nhà nước.
Khái niệm nhà nước, trong tâm thức của người dân, đồng nghĩa với sự ổn định và vững chãi. Nhưng rất khó nghĩ về sự tin cậy ấy trong lần này, khi bàn đến vốn nhà nước trong doanh nghiệp.
Năm 2017, Bộ kế hoạch đầu tư thống kê, chỉ 42,6% doanh nghiệp nhà nước thực hiện đúng quy định công bố thông tin. Tức là ở đây, có một sai phạm mang tính chủ đạo. Việc người dân không thể giám sát được tiền vốn của mình trong doanh nghiệp là một thực tế chủ yếu. Thậm chí còn hiển nhiên, vì bây giờ chưa có quy định nào xử lý doanh nghiệp nếu họ không công bố.
Bác sĩ phát hiện bệnh để phục vụ cho động tác tiếp theo, là điều trị. Người nhặt rác bới ra những chai nhựa PET cũng với một lợi ích rõ ràng: chúng có thể được tái chế. Còn tôi, tự so sánh với người nhặt rác đã là một xa xỉ: tôi sẽ phải chờ xem thứ mình tìm được, có thể phục vụ cho điều gì.
Thanh Lam