Người gửi: Hồng Hoa
Tôi là một giáo viên tiểu học ra trường và làm việc được 4 năm. Số năm công tác đó không phải là con số đáng nói nhưng tôi đã được tiếp xúc và va chạm thực tế với cả 2 môi trường làm việc ở trường dân lập và trường công lập.
Trong suốt 4 năm công tác đó, tôi vẫn thường xuyên đọc sách, báo và theo dõi các bài viết của bạn đọc trên VnExpress.net. Tôi đặc biệt chú ý những bài viết liên quan đến ngành nghề của tôi. Và càng đọc tôi càng thấy buồn (thậm chí là đôi lúc thấy thất vọng) cho mình, cho đồng nghiệp và cho cả cái nghề cao quý mà tôi đã từng mơ ước từ ngày tôi còn là học sinh cấp 1.
Đọc bài viết "Nhà trường dồn hết trách nhiệm dạy học cho phụ huynh" của chị Hera Nguyen mà tôi thấy bức xúc quá. Tôi không biết con chị học trường nào và do cô giáo nào chủ nhiệm nhưng điều trước tiên tôi cảm thấy là chị đã đưa ra một ý kiến cực kỳ cảm tính, không suy xét từ nhiều phía.
Chị và nhiều phụ huynh khác nữa (cũng có ý kiến như chị) cho tôi hỏi một câu là: "Sao các anh chị không đến lớp ngồi học thử một buổi cùng với con mình, để biết và hiểu được buổi học đó, cô giáo và học sinh phải làm những công việc gì?"
Các anh chị có biết rằng, một tiết học của chúng tôi không được kéo dài quá 40 phút. Mà trong 40 phút ấy, cô giáo vừa phải truyền thụ kiến thức mới, vừa hướng dẫn các con làm bài vào vở ô li. Mà các con cấp 1, đặc biệt là lớp 1, 2, 3 viết bài rất chậm. Giáo viên chúng tôi phải rèn từng tí một, từ cách viết tên đề bài lùi vào mấy ô cho đẹp, rồi hết bài phải kẻ ngắn, kẻ chân bài,...
Các anh chị không thể biết được là các con mình còn nhỏ quá, đến việc cầm chiếc thước kẻ để kẻ cho thẳng cũng còn lúng túng. Mà lớp thì không phải chỉ có 5 đến 10 cháu. Ở các trường công lập đông học sinh, một lớp có đến 50 cháu, mà chúng tôi phải cố gắng làm sao hướng dẫn cho được phần đông cả lớp. Các con lại viết chậm nên rất nhiều con làm không kịp đủ lượng bài, không hoàn thành ngay trong tiết học đó. Nên chúng tôi phải lấn sang tiết học khác.
Vậy là đương nhiên tiết hướng dẫn làm bài tập về nhà (theo thời khóa biểu buổi chiều) không còn thời gian nữa. Mà lại muốn các con đạt hiệu quả tối thiểu, nên bắt buộc chúng tôi phải yêu cầu các con phải về nhà làm bài tập.
Các anh chị nào gửi con đến trường cũng mong con mình học giỏi, điểm cao. Nhưng khi cô giáo giao bài về nhà để con rèn luyện thêm cho thành thạo các kỹ năng làm bài, kỹ năng tính toán thì lại kêu: "Nhà trường dồn trách nhiệm dạy học cho phụ huynh".
Đã bao giờ các anh chị quan tâm để hiểu hết được đặc thù công việc của người giáo viên chưa ạ? Các anh chị sau 8 tiếng làm việc ở công ty, trở về nhà là được dành thời gian cho gia đình, rồi có thời gian xem ti vi giải trí. Đến 22h, các vị được lên giường đi ngủ, còn giáo viên chúng tôi lại khác.
Hết giờ dạy học ở trường, tối về lo việc nhà, cho con đi ngủ xong, chúng tôi lại phải ngồi vào bàn soạn giáo án, rồi chấm chữa bài. Nếu là giáo viên tiểu học thì phải soạn không chỉ một môn. Tôi chỉ lấy ví dụ, riêng môn Tiếng Việt đã có tới 6 phân môn. Mà giáo án năm nào phải soạn của năm đó, có ghi ngày tháng bằng bút mực (để tránh việc sử dụng lại giáo án của năm trước).
Hôm nào chúng tôi cũng phải thức khuya. Sáng thì dậy sớm để có mặt ở trường lúc 7h15 và 7h30 bắt đầu tiết học đầu tiên. Trong khi quý vị thường là 8h mới phải bắt đầu làm việc.
Tôi chỉ nói 1 ví dụ đơn giản như vậy về công việc của người giáo viên. Các vị cứ tự hỏi mình xem, đã bao giờ các vị tìm hiểu để cảm thông và chia sẻ với công việc dạy chữ - rèn nết người của người thầy giáo.
Chúng tôi làm việc không phải là 8 tiếng ở trường nữa mà về nhà vẫn phải tiếp tục. Sức lao động chúng tôi bỏ ra nhiều hơn rất nhiều so với ngành nghề khác trong xã hội. Nhưng lương của một giáo viên biên chế, tính theo trình độ chuẩn hệ CĐ Sư phạm, tính cả 500 nghìn phụ cấp là khoảng 1,8 triệu đồng, cộng thêm lương dạy 2 buổi mỗi ngày thì được khoảng 3 triệu đồng mỗi tháng.
Chúng tôi làm việc đến 12h đêm vẫn chưa xong việc để đi ngủ, trong khi quý vị chỉ 8 tiếng đã có 4,5 triệu đồng mỗi tháng rồi. Nhưng giáo viên biên chế mới được gần 3 triệu đồng, còn giáo viên hợp đồng như tôi chỉ được 900.000. Các vị thử nghĩ xem, những gì chúng tôi được hưởng có xứng đáng với sức lao dộng chúng tôi bỏ ra?
Vậy mà các vị phụ huynh đã không cảm thông, động viên, lại còn có những ý kiến như vậy. Các anh chị muốn con mình học giỏi, thành tài thì không thể chỉ dừng lại tiếp thu những kiến thức sơ giản mà SGK biên soạn theo trình độ chung của học sinh cả nước. Mà muốn thế thì chẳng còn cách nào khác là luyện tập để rèn kỹ năng thành thạo.
Hơn nữa, chúng tôi có giao bài về nhà hay yêu cầu các con xem trước nội dung bài học hôm sau, mục đích cũng là để rèn cho các con thói quen tự giác ngồi vào bàn học. Nếu bài tập nhiều thì mục đích cũng là giúp các con biết định hướng sắp xếp thời gian biểu cho hợp lý. Nếu rèn được các thói quen đó thì lên cấp 2, các con sẽ không vất vả trong việc chủ động lĩnh hội những kiến thức đòi hỏi tư duy logic rất nhiều.
Vì thời gian có hạn, nên trên đây cũng chỉ là một chút tâm sự buồn - vui nghề giáo mà tôi muốn chia sẻ với tất cả bạn đọc của VnExpress.net.
Tôi hy vọng, sau bài viết này, các vị phụ huynh cũng nhìn nhận lại một chút. Và tôi nghĩ, phụ huynh và giáo viên chủ nhiệm nên có những sự trao đổi tâm tư nguyện vọng với nhau để hiểu nhau hơn, tránh việc đổ lỗi cho nhau: trách nhiệm thuộc về người này hay người kia.
Hai lực lượng nòng cốt trong cả quá trình giáo dục những mầm non của đất nước là phụ huynh và giáo viên. Nếu giữa hai lực lượng này luôn có sự trao đổi và hợp tác lẫn nhau, thay vì phê phán nhau, thì công cuộc "trồng người" của chúng ta mới hiệu quả và thành công được.
Người gửi: Cẩm Tú,
Tôi có đọc bài phản hồi của chị Lê Phương và tôi hoàn toàn không đồng ý với những lời lẽ của chị.
Nếu ai cũng như chị, bỏ ra ngoài làm, thì còn ai là người sẽ là người dạy cho con chị? Không phải họ không có khả năng ra ngoài làm để có lương cao như chị mà vì họ yêu nghề, yêu trẻ như chị nói. Tôi không phải là người trong ngành sư phạm để phải bao biện. Cũng như chị, tôi đang làm cho công ty nước ngoài mười mấy năm nay nhưng tôi không như chị, xem việc đó là điều đáng tự hào để buông lời miệt thị những người đã, đang hoặc sẽ dạy con chị. Người xưa có nói rằng "trọng thầy mới được làm thầy" và tôi nghĩ đó là những điều chị nên dạy con chị, chứ không phải những lời lẽ như chị viết.
Người gửi: Nguyễn Anh Thư,
Có phải mình giáo viên khổ
Phải đâu mỗi mình chị khổ
Bởi thế gian còn khổ hơn nhiều
Trăm nghề, trăm việc còn cơ cực
và nỗi bực mình chẳng phải riêng ai!
Nghề giáo viên than ôi vất vả
Nghiệp trồng người sao chẳng vinh quang
Tự dấn thân hay cần công việc
áp lực nghề xã hội ai hơn!
Thư cô viết lên đã kỹ càng
hay hôm nào đó bực mình ơi!
Xin cô một lần cúi xuống
Nhìn bao người lương mới mấy trăm!
Họ cũng có con
Họ cũng cần con đi học
Cái chữ nhọc nhằn
Cái chữ oằn mình, cái chữ đau!
Bởi có chữ mới nên người
Nhưng người dạy chữ lại so đo.
14% và còn hơn thế nữa
là người nghèo khổ, khổ hơn cô!
Người gửi: Lê Phương,
Tôi có đọc bài viết tâm sự của cô Hồng Hoa. Thực sự tôi thấy thật khó khăn để thông cảm cho cô. Dù tôi không phải là một giáo viên nhưng trong gia đình tôi có nhiều người làm nghề giáo. Bản thân tôi cũng đã từng làm gia sư nhiều năm. Tôi có thể khẳng định rằng lượng chất xám mà một cô giáo tiểu học bỏ ra là rất thấp. Với một cô giáo tiểu học việc yêu nghề, yêu trẻ là rất quan trọng. Khi cô nói rằng trở thành một cô giáo là ước mơ từ khi còn học cấp 1 vậy cô có bao giờ tự hỏi tại sao mình lại có ước mơ như vậy? Chắc hẳn người dạy cô phải là người gieo mầm ước mơ ấy?! Cô có tự hỏi rằng trong số 50 học sinh cô đang dạy có mấy em mơ ước trở thành cô giáo như cô?
Cô nói cô phải thức đến 12h ư? Cô có nói quá thế không? Mỗi ngày cô chấm 50 bài (mỗi bài của các em cấp 1 tôi nghĩ tối đa chỉ 2 trang giấy tổng cộng cô chỉ phải đọc hay đúng hơn là nhìn 100 trang). Cô nói cô phải soạn mấy giáo án - nhưng theo tôi biết cô chỉ phải chép lại giáo án thay vì ngồi nghĩ ra. Thu nhập của cô thấp ư? Vậy sao cô không tìm một nghề khác có thu nhập cao hơn. Tôi cũng đã từng làm cho một cơ quan nhà nước với mức lương bậc chuyên viên hơn 500.000 đồng trong 1 năm tập sự. Nhưng cũng như cô tôi muốn có mức thu nhập cao hơn nên tôi bỏ ra ngoài làm. Cô có nghĩ đến những người làm cho các công ty nước ngoài với mức lương cao không? Chúng tôi phải cố gắng rất nhiều để có được một vị trí tốt còn nếu chỉ làm nhân viên bình thường thu nhập cũng chỉ hơn cô một chút thôi nhưng họ luôn sẵn sàng bị sa thải nếu không đáp ứng được với công việc.
Thực sự tôi thấy thất vọng về suy nghĩ của cô. Dù sao tôi cũng rất kính trọng các nhà giáo, nhưng với tình hình hiện nay sự kính trọng của tôi cũng giảm sút nhiều.
Người gửi: Quynh,
Tôi đọc tâm sự của cô giáo và cũng đọc rất nhiều tâm sự của phụ huynh học sinh, rất nhiều vấn đề cần được bàn đến, tôi chỉ mạo muội 1 chút thôi, gọi là ý kiến chủ quan của mình.
Tôi có 2 con trai, hiện 1 cháu học THCS và 1 cháu còn học tiểu học. Nhưng thật sự đáng báo động là các cháu bây giờ thiếu hẳn ý thức tự giác ngồi học ở nhà như thế hệ chũng tôi ngày xưa. Cháu trai lớn trước đây học trường dân lập, tôi phải đề nghị cô giáo giao bài về nhà cho riêng cháu ( ì có quy định không cho giao bài về nhà, nếu phát hiện cô giao bài cho cháu cô sẽ bị khiển trách) nên giờ cháu có nếp phải ngồi vào bàn học buổi tối nhưng không tự tìm bài làm mà chỉ chờ mẹ giao. Tôi thấy gần như cháu học là đối phó với sự kèm ở nhà của mẹ. Còn cháu bé đi học về khi mẹ bắt học là y như rằng cãi cô không giao bài.
Tôi thấy vô cùng thông cảm cho các cô khi phải quản lý các cháu nhiều như vậy trong khi ở nhà chỉ với 2 cháu thôi tôi đã thấy mệt nhoài. Tôi nghĩ rằng phải cải cách công tác giáo dục của chúng ta sao cho có hiệu quả, sao cho các con thật sự hiểu việc học để làm gì chứ không phải học để đối phó với cô, với nhà trường, với bố mẹ như hiện nay.
Người gửi: HAL,
Tôi cũng có con vừa vào lớp 1, cũng có nhiều tâm tư nhưng vì mọi người đã viết nhiều, nên ở đây chỉ xin có ý kiến ngắn thôi. Tôi rất hiểu là các thầy cô giáo ở trường đã vất vả như thế nào, tôi khâm phục và tôn trọng những thầy cô giáo hết mình vì nghề sư phạm. Nhưng vấn đề mà phụ huynh chúng tôi bức xúc, đó không phải là bản thân các thầy cô giáo không có trách nhiệm, mà là hệ thống giáo dục của chúng ta. Ở bài viết của cô Hồng Hoa có những câu ví dụ như: "Các anh chị không thể biết được là các con mình còn nhỏ quá, đến việc cầm chiếc thước kẻ để kẻ cho thẳng cũng còn lúng túng. "Thực ra, phụ huynh chúng tôi rất biết rằng con mình còn bé, còn rất lóng ngóng, và vì thế chỉ mong các nhà sư phạm phải tính được tới điều này, dạy các con khối lượng kỹ năng và kiến thức phù hợp với tuổi của các con, đừng bắt các con phải cặm cụi cả buổi tối, thức khuya dậy sớm để bù lại thời gian "lóng ngóng do tuổi còn nhỏ" ở lớp. Phụ huynh chúng tôi mong muốn con mình học giỏi, được điểm cao để đánh giá đúng khả năng và sự cố gắng của con về những kỹ năng và kiến thức phù hợp với lứa tuổi của nó. Vì vậy chỉ mong là khối lượng kỹ năng và kiến thức ấy phải được thiết kế phù hợp để các con có thể hấp thụ tốt, đồng thời vẫn có thời gian để phát triển kiến thức về xã hội, hội họa, âm nhạc, tham gia các hoạt động thể chất, chứ không phải cặm cụi tối ngày với khối lượng kiến thức, kỹ năng nặng quá mà mất cả ngày ở trường các con (cùng với sự nỗ lực hết mực của các thầy cô) vẫn không làm hết nổi phải mang về nhà làm tiếp.
Người gửi: Trần Kim Anh,
Đọc bài "Tâm sự của một giáo viên..." của cô giáo "hợp đồng" Hồng Hoa, tôi hoàn toàn nhất trí với những suy tư của cô. Tôi cũng là một GV, vào nghề từ đầu những năm 60, dạy từ cấp 2 đến Đại học. Bây giờ nghỉ hưu, nhưng vẫn đang dạy kèm cho các cháu học sinh THCS. Lớp tôi dạy chỉ có dăm ba cháu, nhiều lắm là chục cháu. Cả đời làm GV, tôi dám nói rằng mình chẳng thiếu gì kinh nghiệm giảng dạy và quản lý học sinh. Ấy vậy mà chỉ với dăm bảy học sinh nhưng đôi lúc tôi cũng cảm thấy bất lực vì các cháu thiếu tập trung học tập, không chịu làm theo hướng dẫn của thày, uốn nắn mãi cũng vẫn thế. Đấy là các cháu đã ở tuổi học sinh THCS.
Còn với các cháu Tiểu học thì khỏi phải nói. Tôi thực sự không hiểu nổi làm thế nào mà các cô giáo có thể dạy và quản lý được tới 40, thậm chí 50 học sinh lít nhít và non nớt đủ thứ như cô Hồng Hoa đã tâm sự. Ngành GD-ĐT có biết việc này không? Sao không cải cách từ khâu này? Người VN ta ai chẳng biết câu "dạy con từ thuở còn thơ", sao lại cứ để dạy ô hợp thế mãi được? Nhà nước ta đào tạo khá nhiều GV ở các trường SP. Tại sao ở nơi này , nơi nọ vẫn thiếu GV? Và GV chỉ tuyển Hợp đồng? Không an cư thì sao lạc nghiệp? Xã hội và ngành GD không yêu mình thì sao đòi hỏi mình yêu nghề được ? Cói lý đã rõ mồn một , sao không chịu cải cách?