Người gửi: Hera Nguyen
Sáng nào, tôi và con cũng ra khỏi nhà từ 6h30, tôi chở con đến điểm ôtô trường đón các con, đưa con lên xe xong, tôi bắt đầu đến văn phòng làm việc. Chiều chiều, xe đưa đón học sinh của trường trả con về điểm ngay cổng cơ quan tôi lúc 16h30.
Do công việc bận bịu nên tôi thường kết thúc công việc trong ngày và rời khỏi văn phòng để về nhà vào 19-20h. Cháu học xong mà về nhà luôn thì cũng không có ai đón, cho ăn tối và tắm rửa. Vậy nên tôi đành đón cháu về cơ quan tôi sau giờ học mỗi ngày, lên văn phòng của mẹ. Sau khi tự lo ăn uống vệ sinh cá nhân, gần 18h, con ngồi vào bàn và học trong khi mẹ vẫn cặm cụi với công việc. Tôi vừa làm việc vừa tranh thủ kiểm tra bài vở của con học trên lớp và hướng dẫn con hoàn thành bài tập về nhà.
Mặc dù con đã học bán trú cả ngày ở trường, vậy mà vẫn được cô giao một lô bài tập về nhà làm, nào là học thuộc lòng hay đọc 10 lần bài tiếng Việt, học thuộc lòng phần đối thoại và chép 5 dòng từ mới bài tiếng Anh, hoàn thành bài tập toán ở phiếu bài tập Toán cô giao thêm và bài tập toán trong vở, rồi đọc và chép chính tả ở phiếu bài tập tiếng Việt...
Con cần ít nhất 3 tiếng để hoàn thành toàn bộ lượng bài tập này và đương nhiên tôi phải dành phần lớn thời gian lúc này để liên tục chỉ bảo, hướng dẫn, kiểm tra, uốn nắn con hoàn thành bài tập và vừa tranh thủ làm việc.
Nhưng tôi cũng như nhiều phụ huynh nhận ra rằng hình như nhà trường đang dồn trách nhiệm dạy văn hóa của giáo viên sang cho phụ huynh. Nếu không có sự trợ giúp của phụ huynh, các con không thể hoàn thành với chất lượng cao một khối lượng bài tập lớn như vậy, đó là chưa nói đến mức độ khó của chương trình học.
Nếu mỗi người cố gắng làm việc hiệu quả hơn, giáo viên cố gắng tận dụng thời gian trên lớp, ở trường để truyền tải kiến thức trong chương trình giáo dục đến cho các con một cách hiệu quả nhất thì có lẽ các con về nhà không cần làm nhiều bài tập như vậy mà phụ huynh sau khi làm việc 8-12 giờ ở văn phòng sẽ không cần dành thêm ít nhất 3 giờ để kèm con học.
Mức độ khó của chương trình giáo dục thể hiện ở đây là: nếu các con chưa đọc thông viết thạo trước khi vào lớp 1 thì sẽ theo học lớp 1 vô cùng vất vả. Kết thúc chương trình lớp 1 đòi hỏi các con phải đọc thông tiếng Việt, viết bút máy mực tím thành thạo. Đáng chú ý, nhiều học sinh lớp 1 (sinh năm 2000, 2001) viết bút máy đẹp như chữ in và đương nhiên bậc thầy về chữ đẹp của các cô chú (thế hệ sinh năm 1975, 1976) viết chữ cải cách.
Ngoài ra, các con còn phải làm toán cộng trừ thành thạo trong phạm vi 20 và nghe nói đọc viết tiếng Anh thành thạo những giao tiếp cơ bản. Độ khó của chương trình giáo dục cứ tăng dần cho các lớp 2, 3, 4 và tiếp theo các lớp sau này.
Các phụ huynh chỉ biết ta thán với nhau là các con học chương trình nặng quá, đến nay thì nhiều người nhận ra mặc dù học sinh học khó như vậy, học nặng như vậy nhưng lượng kiến thức để sau này ứng dụng trong công tác thì lại rất hạn hẹp.
Ví dụ, một kế toán trưởng đâu cần đến kiến thức tích phân, giải tích hay đạo hàm, bác sỹ đâu cần học các kiến thức vật lý cao siêu như học sinh lớp 12 đang học, một luật sư đâu cần một mớ phản ứng hóa học của chương trình THPT, trong khi học sinh học tốt nghiệp THPT thì tiếng Anh (hệ 12 năm) nói ngọng líu ngọng lô, sinh viên ra trường đi làm thì doanh nghiệp phải đào tạo lại, các kiến thức về âm nhạc và hội họa dường như mù tịt.
Cuối cùng, bài toán đặt ra là "Tại sao lại ép buộc con lao động cật lực và bản thân phụ huynh cũng phải tăng giờ lao động để giúp con mình nhồi nhét một mớ kiến thức mà có đến hơn một nửa không để làm gì sau này". Ai sẽ là người có trách nhiệm để đưa ra lời giải cho bài toán này?
Bạn có ở vào tình huống tương tự? Gửi ý kiến tại đây.