Tám huyện thị, thành trên gồm TP Chí Linh (Hải Dương), huyện Đông Sơn, Hoằng Hóa (Thanh Hóa), Cẩm Xuyên, Nghi Xuân (Hà Tĩnh) và huyện Nghi Lộc, Hưng Nguyên, TX Cửa Lò (Nghệ An), theo thông tin từ Trung tâm Lao động ngoài nước.
Vào kỳ thi đầu năm 2023, lao động tại các địa phương trên bị tạm dừng tuyển bởi có trên 70 người cư trú bất hợp pháp tại Hàn, trên 27% lao động hết hạn hợp đồng không về nước. Tuy nhiên, Việt - Hàn cùng thống nhất không áp dụng chính sách này vào kỳ thi năm nay do các địa phương đã giảm được tỷ lệ cư trú bất hợp pháp dưới mức cam kết.
Thời gian đăng ký dự thi ngày 26-30/1 và kỳ kiểm tra năng lực tiếng Hàn từ ngày 5/3-14/6, áp dụng với lao động cả nước. Song các bên sẽ rà soát kỹ, loại trừ thí sinh có thân nhân là bố mẹ, vợ chồng, con cái hoặc anh chị em ruột đang cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc.
Kỳ thi dự kiến lấy hơn 15.400 lao động trúng tuyển đi làm việc tại nhiều ngành nghề, cụ thể sản xuất chế tạo hơn 11.200, xây dựng 200, nông nghiệp gần 900 và ngư nghiệp khoảng 3.000 người. Riêng ngành nông, ngư nghiệp lấy lao động là người dân tộc thiểu số, thường trú tại một trong 74 huyện nghèo, 54 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo giai đoạn 2021-2025.
Chương trình EPS có đặc thù là chủ doanh nghiệp Hàn Quốc sẽ chọn lao động dựa trên hồ sơ được giới thiệu ngẫu nhiên mà không chỉ định, không ai tác động được tới quy trình ký kết hợp đồng. Lao động vì thế vượt qua hai vòng thi, nộp xong hồ sơ cũng không chắc chắn sẽ được chọn đi Hàn, không biết trước thời gian xuất cảnh. Trung tâm khuyến cáo thí sinh nộp xong hồ sơ vẫn nên duy trì công việc bình thường, không nên ở nhà chờ đợi trong căng thẳng, lãng phí thời gian.
Lao động đồng thời cảnh giác trước thông tin tuyển chọn thuộc nhóm ngành dịch vụ, bởi hiện Hàn Quốc có kế hoạch tiếp nhận người làm việc nâng hạ, bốc dỡ hàng hóa nhưng phía Việt Nam chưa phái cử đi. Trung tâm Lao động ngoài nước cũng là nơi duy nhất phối hợp Cơ quan phát triển nguồn nhân lực Hàn Quốc (HRD Korea) tuyển chọn và đưa người đi làm việc theo chương trình EPS.
Thống kê cho thấy 9 tháng của năm 2023, tỷ lệ lao động Việt Nam cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc tăng trở lại mức 34,5% trong khi cam kết với nước này là 28%. Hải Dương, Lạng Sơn, Nam Định, Vĩnh Phúc là các địa phương ghi nhận tỷ lệ dao động 33-37%.
Lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc, hết hạn hợp đồng không về nước khiến đồng hương mất cơ hội xuất cảnh, nhiều huyện thị của địa phương bị liệt vào danh sách tạm ngừng đưa người đi.
Hai bên cùng đưa ra nhiều biện pháp chống trốn, như phía Việt Nam yêu cầu lao động ký quỹ 100 triệu đồng; ngừng đi làm việc tại nước ngoài 2-5 năm; hạn chế thi năng lực tiếng Hàn. Phía Hàn Quốc quy định chủ doanh nghiệp nếu dùng lao động nước ngoài cư trú bất hợp pháp sẽ bị hạn chế tuyển dụng trong 3 năm; lao động vi phạm có thể bị phạt tù hoặc phạt tiền 30 triệu won. Hàn Quốc đồng thời xem xét lại hạn ngạch tuyển dụng năm tiếp theo cho quốc gia có nhiều lao động trốn ra ngoài làm việc.
Hồng Chiêu