"Hậu quả xảy ra trên toàn quốc, nhưng đặc biệt ở Kabul. Sẽ xảy ra mất điện và đưa Afghanistan quay lại 'thời kỳ tăm tối' về điện và viễn thông. Đây là tình huống thực sự nguy hiểm", Daud Noorzai, người đã từ chức giám đốc điều hành công ty điện lực nhà nước Da Afghanistan Breshna Sherkat (DABS), cảnh báo hôm 4/10.
Noorzai từ chức gần hai tuần sau khi Taliban tiếp quản Kabul hồi giữa tháng 8. Hiện ông vẫn giữ liên lạc chặt chẽ với quan chức DABS.
Điện nhập khẩu từ các nước láng giềng Uzbekistan, Tajikistan và Turkmenistan chiếm một nửa lượng điện tiêu thụ của cả Afghanistan. Sản xuất điện trong nước, hầu hết tại các trạm thủy điện, năm nay bị ảnh hưởng do hạn hán. Afghanistan thiếu lưới điện quốc gia và Kabul phụ thuộc gần như hoàn toàn vào nguồn điện nhập khẩu từ Trung Á.
Nguồn điện ở Kabul hiện dồi dào vì Taliban không còn tấn công các đường dây dẫn từ Trung Á. Một lý do khác là công nghiệp đình trệ, các cơ sở quân sự và chính phủ hầu như không hoạt động nên có thêm nhiều nguồn điện đến với người dân, không còn tình trạng mất điện luân phiên phổ biến như trước đây.
Tuy nhiên, điều này có khả năng kết thúc đột ngột nếu các nhà cung cấp Trung Á, đặc biệt là Tajikistan, quốc gia có mối quan hệ đang xấu đi nhanh chóng với Taliban, quyết định cắt nguồn cung điện cho DABS vì không thanh toán. Tajikistan đã cung cấp nơi trú ẩn cho các lãnh đạo kháng chiến chống Taliban và gần đây điều thêm quân đến biên giới với Afghanistan.
"Các quốc gia láng giềng có quyền cắt điện của chúng tôi. Chúng tôi đang thuyết phục họ không làm vậy và chúng tôi sẽ thanh toán", Safiullah Ahmadzai, giám đốc điều hành DABS, cho biết hôm 3/10.
Văn phòng phát ngôn viên Taliban cũng như phát ngôn viên bộ năng lượng và nước chưa phản hồi yêu cầu bình luận.
Khi Taliban tiếp quản Kabul, DABS có khoảng 40 triệu USD tiền mặt trong tài khoản, số tiền mà Noorzai nói một số quan chức chính quyền cũ đã cố buộc ông giao nộp. Taliban, vốn thiếu tiền vì các lệnh trừng phạt quốc tế, không chấp thuận dùng số tiền đó để thanh toán cho các nhà cung cấp điện.
Theo Ahmadzai, các khoản nợ của DABS đã lên hơn 90 triệu USD và đang tăng. Trong khi đó, doanh thu từ khách hàng giảm 74% tháng trước, chỉ còn 8,9 triệu USD kể từ 15/8.
Với việc các bộ không trả lương suốt nhiều tháng và hệ thống ngân hàng tê liệt, nhiều người Afghanistan không có tiền thanh toán hóa đơn tiền điện. Năm ngoái, khách hàng ở Kabul chiếm khoảng một nửa trong tổng doanh thu 387 triệu USD của DABS.
Ahmadzai cho biết DABS cần gấp 90 triệu USD để ngăn sụp đổ. Ông kêu gọi các nhà tài trợ quốc tế giải quyết trực tiếp khoản nợ của công ty với các quốc gia Trung Á hoặc để trang trải các hóa đơn chưa thanh toán của người tiêu dùng Afghanistan.
"Đây không phải vấn đề chính trị, đây là khoản thanh toán trực tiếp cho người dân nghèo Afghanistan, không phải chính phủ. Điện cần thiết để duy trì bánh xe nền kinh tế", ông nói.
Cộng đồng quốc tế cam kết viện trợ khẩn cấp hơn một tỷ USD cho Afghanistan tại hội nghị do Liên Hợp Quốc tổ chức tháng trước. Nhưng một nhà ngoại giao phương Tây nói rằng các nhà tài trợ muốn số tiền đó tài trợ thực phẩm, nơi ở và chăm sóc sức khỏe cho người dân Afghanistan thay vì trả cho các nhà cung cấp điện ở Trung Á. Theo ông, tình hình tùy thuộc việc các quốc gia Trung Á có sử dụng số tiền nợ làm đòn bẩy để chống lại chế độ Taliban mới hay không.
Người đứng đầu chính sách đối ngoại của Liên mình EU Josep Borrell hôm 3/10 cho biết Afghanistan đang phải đối mặt "một cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng và sự sụp đổ kinh tế xã hội đang rình rập", gây nguy hiểm cho an ninh khu vực và quốc tế.
"Afghanistan là một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới, với hơn 1/3 dân số sống dưới hai USD/ngày. Trong nhiều năm, nước này phụ thuộc rất nhiều vào viện trợ nước ngoài. Năm 2020, viện trợ quốc tế chiếm 43% GDP của đất nước và 75% lương trả cho dịch vụ dân sự đến từ viện trợ nước ngoài", Borrell cho biết.
Huyền Lê (Theo WSJ)