Để có tiền nuôi gia đình, Saleha, người phụ nữ 40 tuổi làm nghề dọn dẹp nhà cửa ở Herat, miền tây Afghanistan, đã phải mượn tiền từ ông chủ. Người mẹ 6 con này chỉ kiếm được 70 xu mỗi ngày, trong khi chồng cô không đi làm.
Khi số tiền nợ lên tới 550 USD, Saleha không còn cách nào khác là bán con gái Najiba mới ba tuổi cho ông chủ để gạt nợ.
"Nếu cuộc sống cứ tiếp tục tồi tệ như thế này, tôi sẽ giết con và tự sát mất", Saleha cho biết. "Tôi thậm chí không biết tối nay chúng tôi sẽ ăn gì".
"Tôi sẽ cố gắng kiếm tiền để cứu con gái mình", người chồng Abdul Wahab nói.
Ông chủ Khalid Ahmad nói rằng phải nhận bé gái ba tuổi để giải quyết khoản nợ. "Tôi cũng không có tiền. Họ chưa trả tiền cho tôi nên tôi không có lựa chọn nào khác ngoài việc nhận bé gái", Ahmad cho hay.
Tháng trước, Chương trình Phát triển của Liên Hợp Quốc (UNDP) cho biết Afghanistan đang trên đà tiến tới " tình trạng nghèo đói toàn diện" sau khi Taliban tiếp quản đất nước. Kanni Wignaraja, Giám đốc khu vực châu Á - Thái Bình Dương của UNDP, nói rằng trong một năm tới, tỷ lệ nghèo đói ở Afghanistan sẽ lên tới 97-98%.
Taliban tiếp quản Afghanistan hồi cuối tháng 8, sau khi Mỹ hoàn tất rút quân khỏi quốc gia này. Taliban sau đó đổi tên đất nước thành Tiểu vương quốc Hồi giáo, từng được sử dụng khi lực lượng này nắm quyền ở Afghanistan giai đoạn 1996-2001.
Sau khi Mỹ can thiệp quân sự và xây dựng chính phủ thân phương Tây trong hai thập kỷ qua, Afghanistan đã đạt những thành tựu kinh tế đáng kể, bao gồm tăng gấp đôi thu nhập bình quân đầu người và tăng số năm giáo dục trung bình.
Tuy nhiên, sau khi Taliban quay lại nắm quyền, nền kinh tế Afghanistan đang đứng trên bờ vực sụp đổ, khi gần 10 tỷ USD dự trữ của ngân hàng trung ương nước này gửi ở Mỹ bị chính quyền Tổng thống Joe Biden ra lệnh đóng băng.
Shah Mehrabi, thành viên hội đồng quản trị cấp cao của Ngân hàng Da Afghanistan, nói rằng động thái này của Mỹ là hướng đi sai lầm và gây tổn hại cho dân thường Afghanistan nhiều hơn là Taliban.
Huyền Lê (Theo WSJ, Business Insider)