Hai bức tượng Phật cổ khổng lồ được tạc vào vách đá ở thung lũng Bamyan, vùng Hazarajat, miền trung Afghanistan, cao lần lượt 55 m và 38 m. Khi Taliban lần đầu giành quyền kiểm soát Afghanistan, nhóm đã cho phá hủy các bức tượng bằng chất nổ hạng nặng.
Tuy nhiên, từ khi tái giành quyền kiểm soát đất nước hồi tháng 8 và thành lập chính phủ mới, Taliban nhiều lần khẳng định muốn thể hiện hình ảnh ôn hòa hơn, trong đó có biến thung lũng Bamyan thành điểm thu hút du khách.
Với giá khoảng 5 USD, những du khách tò mò có thể đi dạo xung quanh và chụp ảnh những cái khoảng trống khổng lồ trên vách đá, nơi từng có tượng Phật cổ. Dưới lá cờ trắng của Taliban, binh sĩ đứng trong lều và ghi vé vào cửa.
Sidiq Ullah, người ủng hộ Taliban, tuần này đến xem di tích lịch sử cùng những người bạn từ thành phố Kandahar, cách Bamiyan hơn 560 km về phía tây nam. Ullah nói rằng giờ đây khi Taliban nắm quyền kiểm soát, anh cảm thấy tự do đi tham quan đất nước.
"Khi những bức tượng bị phá hủy, tôi mới khoảng 7 tuổi. Kể từ đó tôi đã mong ước được đến đây và xem những gì đã xảy ra. Tôi rất vui vì tượng đã bị phá và tôi đến đây thực sự chỉ để xem những tàn tích", anh nói.
Khu vực này từng là thánh địa dành cho các tín đồ Phật giáo trên con đường Con đường Tơ lụa, tuyến đường giao thương cổ đại giữa Trung Quốc và châu Âu. Khi Taliban công bố kế hoạch phá hủy các bức tượng vào năm 2001, cộng đồng quốc tế đã gây áp lực lớn. Tuy nhiên, Taliban vẫn tiến hành với lý do những bức tượng không phải của đạo Hồi.
Taliban hiện phải đối mặt với những thách thức kinh tế và an ninh, đồng thời chịu áp lực từ các tổ chức quốc tế để bảo vệ di sản văn hóa Afghanistan.
"Bamiyan luôn là một phần của Afghanistan mà thế giới bên ngoài chú trọng", Llewelyn Morgan, tác giả cuốn "Những vị Phật của Bamiyan" và là giáo sư tại Đại học Oxford, Anh, cho biết. "Taliban biết điều đó và đó là lý do họ cố gắng thể hiện là chính phủ có tính xây dựng".
Các hang động ở đây từng là tu viện và thánh địa Phật giáo, nhưng bây giờ đều trống rỗng. Các hang động ở xa hơn là nơi sinh sống của nhiều gia đình. Quần áo treo trên dây phơi, trẻ em chơi trong hang và một số hang thậm chí còn được lắp cửa sổ kính.
Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO) hồi năm 2003 tuyên bố Thung lũng Bamiyan là Di sản Thế giới. UNESCO đã làm việc với chính phủ Afghanistan do Mỹ hậu thuẫn để bảo tồn tàn tích các bức tượng Phật sau khi Taliban phá hủy địa điểm này.
UNESCO cũng hỗ trợ một trung tâm văn hóa và bảo tàng ở Bamiyan để "hòa nhập các cộng đồng địa phương cũng như xác định nguồn gốc văn hóa phong phú của Bamiyan", theo trang web của tổ chức. Hiện chưa rõ trung tâm có tiếp tục tồn tại dưới thời Taliban.
Sau khi Taliban giành chiến thắng hồi tháng 8, UNESCO ra tuyên bố kêu gọi bảo tồn các địa điểm tương tự. "Điều quan trọng đối với tương lai của Afghanistan là bảo vệ và bảo tồn những địa danh này", tổ chức cho hay.
Rất ít du khách đến di tích lịch sử Bamiyan khi phóng viên NBC News có mặt tuần này, dù Taliban đã tuyên bố sẵn sàng chào đón du khách.
Abdullah Sarhadi, thống đốc khu vực và từng bị giam 4 năm ở nhà tù Vịnh Guantanamo, nói rằng Taliban đã thay đổi và họ sẽ bảo tồn các di tích lịch sử. Ông đang chờ thêm thông tin từ cấp trên trong chính quyền Taliban trước khi thực hiện bất kỳ thay đổi nào đối với địa điểm này.
"Chúng tôi muốn cho thế giới thấy có hòa bình và an ninh ở Afghanistan", Sarhadi nói.
Huyền Lê (Theo NBC News)