Chính phủ Nhật Bản cho biết Takata - nhà cung cấp phụ tùng ôtô - đã giao khoảng 9 triệu dây an toàn không đạt tiêu chuẩn chất lượng cho khách hàng trong nước. Bộ Giao thông vận tải đưa ra con số trên dựa vào báo cáo do Joyson Safety Systems Japan (JSSJ) - tên mới của Takata, cung cấp. Những dây an toàn không đạt tiêu chuẩn được sản xuất tại nhà máy trong nước, nhưng đã được thử nghiệm lại nhằm đáp ứng các yêu cầu an toàn.
Bộ đã thông báo cho các nhà sản xuất ôtô chuẩn bị cho đợt triệu hồi, có khả năng lên tới 2 triệu xe trên toàn quốc. JSSJ đã làm giả dữ liệu về dây an toàn cho ghế trẻ em, điều này có nghĩa rất nhiều ghế trẻ em trên ôtô có thể gặp vấn đề bất cứ lúc nào.
JSSJ chiếm 40% thị phần trong nước về dây an toàn và hợp tác với hầu hết các hãng xe Nhật, bao gồm cả Toyota. Ngoài ra, sản phẩm của JSSJ cũng được xuất khẩu ra nước ngoài.
Theo các nguồn tin, trong một số bài kiểm tra độ bền tại một nhà máy ở Hikone - thành phố phía tây Nagoya, JSSJ đã thay đổi dữ liệu để làm giả các dây đáp ứng yêu cầu an toàn. Các sản phẩm bị lỗi sau đó đã được giao cho khách hàng.
Vào tháng 4, một người tố giác đã đưa hành vi sai trái ra ánh sáng, khiến JSSJ phải khởi động một cuộc điều tra nội bộ vào giữa năm nay.
Theo số liệu của Bộ Giao thông vận tải Nhật Bản, trong năm ngân sách trước đó kết thúc vào tháng 3, số lượng xe bị triệu hồi tại Nhật Bản đã tăng 28%, lên 10,53 triệu chiếc. Việc triệu hồi 2 triệu xe sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng cho ngành công nghiệp ôtô.
Số lượng dây đai an toàn hoặc phương tiện bị ảnh hưởng bởi thao tác dữ liệu của JSSJ có thể thay đổi trong tương lai, không dừng lại ở con số 9 triệu.
Ngoài ra, JSSJ đã thao túng dữ liệu độ bền trên dây đai an toàn cho ghế trẻ em. Điều này cũng xảy ra tại nhà máy Hikone và liên quan đến các vấn đề tương tự như dây an toàn bị lỗi. Qua đó có thể đưa hàng chục nghìn ghế trẻ em không đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng bắt buộc theo luật ban hành thị trường. Bộ Giao thông vận tải đã yêu cầu JSSJ chuẩn bị việc triệu hồi toàn bộ sản phẩm lỗi.
Đại diện công ty JSSJ cho biết: "Chúng tôi chưa tiếp nhận trường hợp nào về sự cố đứt đai an toàn hay bất kỳ tai nạn nào khác vào thời điểm này". Tuy nhiên công ty có thể phải đối mặt với áp lực vì vấn đề liên quan đến sự an toàn của trẻ em.
Một vụ bê bối trước đó liên quan đến hệ thống bơm túi khí Takata bị lỗi, dẫn đến việc triệu hồi 100 triệu sản phẩm trên toàn thế giới, buộc Takata phá sản vào năm 2017. Sau một năm, công ty Nhật Bản được mua lại bởi Key Safety Systems, một công ty có trụ sở tại Mỹ nhưng thuộc sở hữu của Trung Quốc. Key Safety Systems sau đó đổi tên thành Joyson Safety Systems, để cùng hệ thống tên với hãng mẹ Joyson Electrics, có trụ sở tại Ninh Ba, Trung Quốc.
Thương hiệu ghế an toàn dành cho trẻ em của Joyson Safety Systems chiếm thị phần khá nhỏ trên toàn cầu, chỉ một chữ số. Nhưng công ty còn cung cấp dây an toàn cho các hãng xe và nhà sản xuất ghế trẻ em khác. Vụ mua lại Takata năm 2018 tuy đã loại trừ bộ phận dây an toàn, nhưng có vẻ bê bối vẫn tiếp tục đeo bám công ty này, như một thứ văn hóa không tốt đẹp.
Minh Quân (theo Nikkei)