Nhà sản xuất túi khí có trụ sở tại Tokyo (Nhật Bản) nộp đơn phá sản lên tòa án ở Mỹ và quê nhà. Theo Chương 11, luật phá sản ở Mỹ, tòa án ở bang Delaware liệt kê khoản nợ lên tới 10 tỷ USD, bao gồm cả các yêu cầu bồi thương từ các hãng xe như Honda, Toyota và bao gồm cả những cá nhân thực hiện các vụ kiện tập thể.
Giám đốc điều hành Takata, Shigehisa Takada, phát biểu trong buổi họp báo hôm 26/6 tại Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: Reuters. |
Việc phá sản bắt nguồn từ vụ kiện cách đây 8 năm, nguyên nhân do máy bơm bị hỏng, khiến túi khí làm bắn những mảnh vỡ kim loại vào những hành khách. Theo thống kê, có đến 17 trường hợp tử vong trên toàn thế giới liên quan đến lỗi như trên.
Takata, công ty 84 năm tuổi sẽ bán lại cho đối thủ sản xuất túi khí KSS (Key Safety Systems), thuộc Tập đoàn điện tử Ningbo Joyson Electronic, nhà sản xuất phụ kiện lớn ở Trung Quốc do Wang Jianfeng thành lập với giá 1,6 tỷ USD.
"Chúng tôi phải đối mặt với tình huống nghiêm trọng và không thể chờ đợi lâu hơn nữa", chủ tịch kiêm tổng giám đốc Takata, ông Shigehisa Takada phát biểu tại cuộc họp báo ở Tokyo hôm thứ 2, ngày 26/6. Người đàn ông 51 tuổi này sẽ từ chức sau khi trao quyền quản lý cho công ty mới.
Việc bán Takata cho KSS và hoàn thành các thủ tục phá sản dự kiến vào đầu năm 2018. Key Safety sẽ giữ lại toàn bộ nhân viên của Takata trên toàn thế giới, đại diện hãng túi khí cho biết. Theo thống kê của Bloomberg, Takata có đến 50.530 nhân viên tính đến tháng 3/2016.
Theo KSS, hãng sẽ loại trừ tài sản và hoạt động liên quan đến việc sản xuất - kinh doanh túi khí sử dụng hợp chất amoni nitrat của Takata. Hóa chất này là nguyên nhân chính của cuộc khủng hoảng.
Hợp chất amoni nitrat dễ bay hơi rất nguy hiểm trong bơm túi khí, bộ phận quan trọng đẩy túi khí bung. Ít nhất 16 người thiệt mạng và hơn 180 người bị thương bởi bơm túi khí Takata bị lỗi, nổ quá mạnh khiến mảnh vỡ kim loại găm vào người trên xe. Hơn 100 triệu túi khí lắp trên ôtô ở Mỹ của GM và 16 hãng khác.
Theo tuyên bố của KSS, nhà sản xuất túi khí đồng ý vay thêm 223,4 triệu USD từ ngân hàng Sumitomo Mitsui, để tài trợ cho hoạt động phá sản.
Kể từ tháng 9/2016, sau cáo buộc của các hãng xe, cổ phiếu của Takata sụt giảm 62%, khiến giá trị của công ty giảm xuống còn 120 triệu USD. Sở giao dịch chứng khoán Tokyo đã đình chỉ giao dịch cổ phiếu của Takata hôm 26/6 và sẽ bị hủy bỏ niêm yết vào ngày 27/7.
Minh Vũ