Quân đội Tajikistan tổ chức duyệt binh ở hai tỉnh miền nam giáp Afghanistan hôm 29-30/9, trong bối cảnh căng thẳng với Taliban tăng lên sau khi Tổng thống Tajikistan Emomali Rakhmon từ chối công nhận chính quyền mới ở Kabul và chỉ trích các hành động được ông mô tả là vi phạm nhân quyền, khi Taliban tấn công lực lượng kháng chiến ở tỉnh Panjshir hồi tháng trước.
Để đáp trả, Taliban cảnh báo Tajikistan không can thiệp vào công việc nội bộ của Afghanistan và thông báo điều hàng chục nghìn tay súng đặc nhiệm đến tỉnh đông bắc Takhar giáp với Tajikistan. Tuy nhiên, phát ngôn viên Taliban Bilal Karimi khẳng định đây không phải hành động tăng cường lực lượng ở biên giới.
Bộ Ngoại giao Nga cho biết đã nắm thông tin về hoạt động điều chuyển binh sĩ của Afghanistan và Tajikistan đến gần biên giới, kêu gọi hai bên giải quyết bất đồng bằng những biện pháp hai bên cùng chấp nhận. "Chúng tôi quan ngại trước căng thẳng đang gia tăng trong quan hệ Tajikistan - Aghanistan, giữa những phát biểu cứng rắn từ lãnh đạo hai nước", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Alexei Zaitsev cho hay.
Chính phủ Tajikistan từng nhiều lần công kích chính quyền Taliban trong những tuần gần đây, cho rằng bộ máy chính phủ lâm thời của Afghanistan không có sự đa dạng về thành viên và bày tỏ lo ngại về nguy cơ bất ổn trong khu vực.
Taliban tiến hành chiến dịch quân sự chớp nhoáng và chiếm phần lớn lãnh thổ Afghanistan ngay sau khi Mỹ và đồng minh rút phần lớn lực lượng. Sau khi tiến vào thủ đô Kabul hôm 15/8, Taliban thành lập chính phủ lâm thời và Tiểu vương quốc Hồi giáo Afghanistan.
Tajikistan là nơi đặt căn cứ đồn trú số 201, một trong những cơ sở quân sự lớn nhất của Nga ở nước ngoài. Quân đội Nga đã điều động thêm hàng loạt khí tài đến đây trong hai tháng qua, bao gồm hàng chục xe tăng chủ lực đời mới, 17 xe chiến đấu bộ binh BMP-2, tên lửa phòng không vác vai Verba, súng trường AK-12, súng tỉa và súng máy hiện đại, tên lửa nhiệt áp và tên lửa diệt tăng Kornet.
Moskva từng nhiều lần lo ngại tình hình tại Afghanistan có thể đẩy người tị nạn và các phần tử Hồi giáo cực đoan về khu vực Trung Á, làm mất ổn định khu vực sườn phía nam nước Nga. Biên giới giữa Tajikistan và Afghanistan dài 1.344 km, chủ yếu là địa hình đồi núi và rất khó kiểm soát.
Vũ Anh (Theo Reuters)