Từng bị hành khách ngồi ghế trước dí tuốc nơ vít vào cổ đe doạ để cướp tiền, tài xế Nguyễn Khắc Thành luôn nung nấu nghĩ lắp vách ngăn để bảo vệ tính mạng trong công việc. Một lần sang Trung Quốc, anh thấy tài xế ở đây sử dụng nhiều hình thức vách bảo vệ nên tranh thủ tìm hiểu ưu, nhược điểm từng loại.
Cuối tháng 1, trước vụ án tài xế bị cứa cổ tử vong, chết sau khi bung cửa chạy ra đường ở khu vực cổng sau sân vận động Mỹ Đình, Hà Nội, anh Thành càng thấy bất an nên gấp rút "biến ước mơ thành sự thật". Vách kính bảo vệ anh khi lái xe được hoàn thành vào đầu tháng 2.
Anh chọn vật liệu là khung nhôm kết hợp với tấm mica cường lực trong suốt dày khoảng 9 mm. Anh giải thích, mica nhẹ hơn kính, độ bền cao, thẩm mỹ tối ưu nên sẽ đảm bảo an toàn, sự thân thiện giữa hành khách và lái xe.
Anh Thành khá bất ngờ khi chỉ năm ngày sau khi hình ảnh về chiếc xe của mình được lan truyền trên mạng, 7 tài xế đã liên hệ đặt hàng. Giá của tấm bảo vệ từ 1,5 đến 2,5 triệu đồng, tuỳ theo loại và đời xe. Anh mất 2,5 tiếng để cắt, lắp đặt song không hề phải khoan đục làm ảnh hưởng đến thiết kế của xe.
Tài xế Đỗ Đức Kiên cho hay dù ban đầu cảm giác khi lái xe với vách ngăn còn khó chịu, song bù lại thấy yên tâm hơn hẳn. "Trước kia tôi không dám chở khách quá 0h nhưng bây giờ không phải nơm lớp lo sợ chẳng may gặp kẻ xấu trên xe", anh Kiên nói.
Lãnh đạo Cục Đăng kiểm cho hay, hiện quy định về quản lý chất lượng an toàn kỹ thuật xe cơ giới đường bộ không cấm việc lắp thêm kết cấu vách ngăn. Tuy nhiên, xe phải có hồ sơ thiết kế được phê duyệt của Sở Giao thông Vận tải các tỉnh và cơ quan đăng kiểm nghiệm thu, chứng nhận an toàn.
Lãnh đạo Cục đăng kiểm hướng dẫn, để đảm bảo an toàn cho phương tiện, vách ngăn của taxi cần đạt một số điều kiện như: không ảnh hưởng đến việc điều khiển phương tiện của lái xe, không ảnh hưởng đến vô lăng, phanh chân, tay, đặc biệt khi có va chạm thì túi khí không bị thay đổi.
Ngoài ra, vật liệu làm vách ngăn phải chắc chắn, không gây thương tích cho hành khách và lái xe nếu có va chạm trên đường.