Lái xe taxi là một trong những nghề nghiệp nguy hiểm nhất. Thống kê của Viện an toàn và sức khỏe nghề nghiệp Mỹ (NIOSH) cho thấy người làm nghề này có xác suất bị giết hại lớn gấp 60 lần so với nhiều công việc khác.
Tài xế phải làm việc một mình trong môi trường không quen thuộc, hay tiếp xúc với người lạ mặt. Họ phải thường xuyên làm việc vào buổi tối, liên tục nhiều giờ dẫn tới mệt mỏi, dễ mất cảnh giác. Ngoài ra, tiền mặt lại là phương tiện giao dịch chủ yếu, khiến họ có thể trở thành "cây ATM di động" trong mắt kẻ xấu.
Để bảo vệ tính mạng và an toàn của tài xế, một số nơi trên thế giới đã ban hành quy định taxi cần phải trang bị thiết bị bảo đảm an ninh. Phổ biến nhất là lắp đặt camera trong xe hoặc màn chắn trong suốt ngăn cách giữa tài xế và hành khách.
Đầu thập niên 1990, trước việc có hơn 40 tài xế bị sát hại mỗi năm tại New York (Mỹ), chính quyền địa phương ban hành quy định bắt buộc chủ hãng taxi hoặc chủ xe phải lắp đặt màn ngăn cách trong suốt chống đạn, phải có đèn nháy khẩn cấp ở phần chắn bùn trước và sau, New York Times đưa tin.
Tuy nhiên nếu chủ xe cũng chính là tài xế taxi thì không buộc phải lắp đặt màn chắn nhưng phải trang bị điện thoại có tính năng quay số cảnh sát khẩn cấp.
Nhờ chính sách này, kết hợp với những hỗ trợ về ngân sách và các biện pháp ngăn chặn tội phạm khác, New York hiện đã trở thành thành phố an toàn nhất cho tài xế taxi tại Mỹ. Năm 2016, New York đã bỏ quy định bắt buộc taxi phải lắp đặt màn chắn để tạo điều kiện giúp tài xế cạnh tranh với các dịch vụ gọi xe như Uber. Tuy nhiên, chủ xe phải lắp đặt camera an ninh trong xe nếu tháo bỏ màn chắn.
Một biện pháp nữa thường được nhắc tới là lắp đặt camera an ninh ngay trong xe. Sự hiện diện của ống kính có thể gửi đi thông điệp rằng kẻ có ý đồ xấu sẽ bị ghi hình. Ngoài tác dụng ngăn ngừa tội phạm, camera an ninh còn cung cấp bằng chứng trong những trường hợp có mâu thuẫn giữa hành khách và lái xe.
New Zealand là một trong những quốc gia thông qua quy định để buộc xe taxi phải trang bị hệ thống camera an ninh, có hiệu lực từ 1/8/2011. Theo đó, taxi hoạt động ở những khu vực đông đúc (như Queenstown, Hamilton, Nelson, New Plymouth,...) phải lắp đặt camera an ninh. Ống kính phải được để ở vị trí dễ nhìn, cả bên ngoài và trong xe phải dán thông báo để khách hàng biết mình sẽ bị ghi hình khi sử dụng dịch vụ. Đồng thời, camera phải đảm bảo quay được rõ ràng khuôn mặt của hành khách dù ngồi ở bất cứ vị trí nào.
Các đoạn ghi hình cần được lưu giữ trong ít nhất 168 tiếng. Để đảm bảo quyền riêng tư của hành khách bị ghi hình, luật cũng quy định chỉ có cảnh sát hoặc nhân viên có thẩm quyền của hãng taxi mới được phép truy cập dữ liệu.
Hiệu quả của camera an ninh và màn chắn trong việc đảm bảo an toàn tài xế taxi đã được chứng minh trong nhiều nghiên cứu khoa học. Trong đó có nghiên cứu kéo dài 15 năm ở Mỹ với quy mô khảo sát tại 20 thành phố lớn nhất (7 thành phố chỉ lắp đặt camera trong taxi, 6 thành phố chỉ lắp đặt màn chắn, 7 thành phố còn lại không lắp đặt cả camera lẫn màn chắn). Kết quả cho thấy những thành phố lắp đặt camera có xác suất tài xế taxi tử vong khi làm việc thấp hơn 3 lần so với không lắp đặt gì.
Cũng theo nghiên cứu, việc lắp đặt màn chắn chống đạn không cho thấy hiệu quả đáng kể như camera an ninh. Mặc dù vậy, các nhà nghiên cứu không thể phủ nhận màn chắn bảo vệ có thể giúp ngăn ngừa rủi ro bị tấn công từ phía sau, trong khi chi phí lắp đặt và bảo trì thấp.
Tuy nhiên, trang thiết bị chỉ là phương tiện hỗ trợ. Để đảm bảo an toàn bản thân, quan trọng nhất vẫn là tinh thần cảnh giác của tài xế khi đón trả khách. Theo Taxi-library, lái xe cần lưu ý một số điều như:
- Cảnh giác với những địa chỉ "mơ hồ": Nếu hành khách do dự và tỏ vẻ cáu bẳn, tài xế cần đề cao cảnh giác, chú ý cử chỉ hành động của đối phương. Tương tự, tài xế cần đề phòng khi hành khách đột ngột bảo chuyển hướng.
- Nhắc nhở hành khách không ngồi ngay sau ghế tài xế: Vị trí này là điểm mù trí mạng của người lái, nên cần dùng mọi lý do nhưng vẫn lịch sự nhắc nhở hành khách ngồi lệch sang bên phải (ví dụ như để cho cân xe, do quy định công ty,...), nếu chỉ có một khách. Giao tiếp bằng mắt với đối phương qua gương chiếu hậu để thể hiện mình đang cảnh giác.
- Không phản kháng khi bị đe dọa: Tính mạng luôn quý hơn tài sản. Nếu đã bị đe dọa bằng vũ khí nguy hiểm, bạn hãy đưa tiền cho kẻ xấu và báo cảnh sát sau đó.
- Không để lộ mình có tiền: Lái xe không nên mặc trang phục đắt tiền. Nếu đeo vòng cổ, nên chọn loại sợi nhỏ cho dễ đứt khi bị thắt cổ từ sau. Hạn chế thanh toán bằng tiền mặt, chỉ nên giữ một số tiền nhỏ trong người. Nếu hành khách đưa tiền mệnh giá lớn, lái xe có thể chở đối phương tới cửa hàng gần nhất để đổi tiền; không nên nói rằng hôm nay mình bắt được nhiều khách.
- Luôn ở trong xe: Kể cả khi hành khách chạy trốn để bùng tiền, tài xế vẫn nên ở trong xe để đảm bảo an toàn.
- Không tranh cãi với hành khách: Lái xe không nên lý luận với hành khách vì có thể làm tình hình căng thẳng, nghiêm trọng hơn.