Container chở hơn 45 tấn xoài từ Tiền Giang được anh Hường đưa lên biên giới nửa tháng, song chưa thể xuất sang Trung Quốc. Đỗ xe bên đường, tài xế Hường nấu ăn, sinh hoạt hàng ngày trong tiếng máy xe kêu rầm rầm để làm lạnh trái cây.
Sáng 16/12, nóng ruột vì chờ đợi quá lâu, anh Hường gọi điện cho chủ hàng xin phá niêm phong bằng chì để kiểm tra hàng trăm thùng xoài phía trong. Cánh cửa lâu ngày không mở rỉ sét, khi bung mở mùi thơm của xoài xộc thẳng vào mũi. Anh Hường thở dài khi thấy nhiều thùng xoài chuyển qua màu vàng. Thông thường trái cây xuất khi còn xanh, để được lâu ngày, còn đã chín nghĩa là không giữ được lâu.
Tài xế quê Bình Định sau đó cầm chiếc điện thoại quay lại hiện trạng, rồi gửi cho chủ hàng xin ý kiến. Bên kia đầu dây, giọng một người phụ nữ nói vọng lại "thôi cố chờ thêm ít ngày nữa". Hường đóng sập cửa lại rồi lên cabin nằm chờ.
Sau nửa tháng chờ đợi, nhiều tài xế như anh Hường chung tình trạng "ngồi trên đống lửa", họ không thể quay về và cũng không biết bao giờ mới xuất được hàng, trong khi "năm đã hết, Tết gần đến".
Anh Huỳnh Xuân Thái, một tài xế quê Bình Định, cho hay đã 7 ngày không tắm, còn 40 tấn mít trong thùng xe của anh "bắt đầu đen vỏ".
"Ở đây chúng tôi không kiếm đâu ra nước để sinh hoạt hàng ngày", anh Thái nói. Để có nước rửa mặt, đánh răng... nhiều tài xế phải lấy xô hứng nước chảy ra từ máy lạnh, cứ một ngày thì đầy xô. Hàng tuần, Thái đi bộ hơn 2 km lên một bãi xe để tắm dịch vụ với giá 20.000 đồng. Mỗi ngày kẹt lại, anh nhẩm tính tốn khoảng 1,5 triệu đồng. "Tiền ăn uống không đáng mấy nhưng tiền xăng dầu, bến bãi tốn nhiều", Thái cho hay.
Trước khi bị kẹt ở biên giới, mỗi tháng anh Thái có thể chạy được hai chuyến xe chở nông sản từ Nam ra Bắc, mỗi chuyến tiền công gần 5 triệu đồng. "Cứ nghĩ đợt này cố lên 3-4 chuyến mỗi tháng để có tiền sắm Tết, không ngờ bị kẹt lâu như thế này, coi như gặp xui xẻo cuối năm", anh Thái chia sẻ.
Khác với các đồng nghiệp đã lên biên giới nhiều lần, tài xế Nguyễn Tuấn Phúc cho hay trong lần đầu chạy xe lạnh lên cửa khẩu đã bị kẹt lại. Trước đó, trên đường di chuyển, tài xế Phúc nghe thông tin ùn ứ nhưng "xe chạy rồi thì vẫn phải lên biên theo lệnh chủ hàng, không thể quay về".
Từng ngày trôi qua, anh Phúc chỉ mong trái cây trong thùng xe không bị hỏng và Trung Quốc sớm cho hàng qua cửa khẩu. "Chúng tôi là tài xế lo một, thì các chủ hàng lo mười, vì chờ lâu quá họ sẽ mất vốn", anh Phúc nói.
Trưa 16/12, ông Phạm Thế Lộc, Giám đốc Công ty TNHH vận tải Phú Lộc, cho hay đang từ Bình Thuận đến Lạng Sơn để tìm cách giải quyết tình trạng xe hàng bị mắc kẹt. Tại cửa khẩu, công ty của ông Lộc có 110 xe hàng thanh long đang nằm chờ ở bãi.
"Nếu không xuất được sớm, số thanh long bị hỏng, công ty có thể phá sản", ông Lộc nói, cho hay một số xe của công ty ông đi từ 22/11 thì tới 15/12 mới được thông quan, những xe xuất phát sau đó vẫn phải chờ.
Bà Thoan, một tiểu thương chuyên buôn trái cây, nói "trái cây chỉ được giá khi còn xanh, để lâu chín sẽ bị ép giá, lúc đó có bán tháo vẫn không đủ tiền cước xe".
"Xe chạy từ Tiền Giang ra tới Lạng Sơn chưa tính tiền hàng, chỉ riêng tiền cước và các chi phí khác cả trăm triệu đồng. Nếu bán tháo, mỗi container chỉ được khoảng 80 triệu đồng. Như vậy thiệt hại tiền hàng vào khoảng 300 triệu đồng", bà Thoan cho hay.
Theo thống kê từ Ban quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng (tỉnh Lạng Sơn), đến sáng 16/12, lượng phương tiện chờ xuất khẩu tồn 4.550 xe. Trong đó, cửa khẩu Tân Thanh nhiều nhất với 2.601 xe, cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị là 1.263 xe, Chi Ma là 687 xe. Lượng xe tồn chủ yếu là nông sản như mít, xoài, thanh long, ván bóc, linh kiện điện tử.
Ông Hoàng Khánh Duy - Phó trưởng Ban quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng, cho hay với năng lực xuất khẩu những ngày gần đây, sẽ phải mất từ 15-22 ngày nữa mới xuất hết số xe hàng đang tồn ở Tân Thanh "với điều kiện không có xe hàng mới lên".
Cũng theo ông Duy, bằng thời điểm này năm ngoái, lượng xe lên Lạng Sơn tương đương song không ùn ứ như hiện nay. Ông Duy nêu 2 nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng chậm thông quan là Trung Quốc tăng cường kiểm soát dịch Covid-19 và lỗi hệ thống mạng tại cửa khẩu nước này; các cửa khẩu khác thông quan chậm (Quảng Ninh, Cao Bằng) hoặc dừng thông quan (Lào Cai) nên tất cả "đổ dồn về Lạng Sơn".
Các cơ quan chức năng ở Lạng Sơn đang tích cực đàm phán với phía Trung Quốc để sớm thông qua các xe hàng. Tỉnh này cũng khuyến cáo các địa phương xem xét không đưa nông sản lên cửa khẩu trong thời gian này.
Phạm Chiểu - Ngọc Thành