Một tuần qua, anh Ngô Ngọc Đức (ngụ ở TP HCM), phải bỏ tiền thuê xe chở hàng trong khi ôtô trọng tải 1,7 tấn "đắp chiếu" tại nhà vì không được đăng kiểm. Xe đã hết hạn từ đầu tháng 4 nhưng phải đợi đến 14/6 anh mới có thể được đăng kiểm ở trung tâm 61-02S ở Bình Dương.
Trước đó sau khi đặt lịch đăng kiểm online không thành, anh Đức lái xe đến xếp hàng tại các trung tâm tại TP HCM, Bình Dương nhưng bị từ chối vì ở đây đã quá tải. "Thậm chí tôi chạy xe lên tới Bình Phước chờ 3-4 ngày cũng không thể làm được", anh Đức nói, cho biết xe không đủ điều kiện hoạt động nhưng anh phải trả lương giữ tài xế trong hai tháng tới. Để duy trì mối chở hàng hóa, anh đã thuê xe và tài xế bên ngoài chạy tạm thời với chi phí hơn 100 triệu đồng.
Tương tự, sau nhiều ngày chờ đợi ông Dương Quang Toàn (ở TP HCM) nhận phiếu hẹn đăng kiểm hai xe đầu kéo vào ngày 26/4 từ nhân viên của trung tâm đăng kiểm 50-04V tại phường Thạnh Mỹ Lợi, TP Thủ Đức. Trước khi nhận phiếu hẹn tại đây, ông Toàn thử đặt lịch qua ứng dụng, đi nhiều nơi những không thể tìm được chỗ kiểm tra xe trong tháng 4.
Theo ông Toàn, xe của công ty chuyên chở hàng từ cảng Cát Lái đi nhiều nơi trong thành phố. Hàng ngày, mỗi chiếc chở 1-2 container hàng hóa, doanh thu 5-6 triệu đồng. Do trễ đăng kiểm không được lấy hàng trong cảng, sắp tới công ty phải ngưng hoạt động hai ôtô hơn nửa tháng, mất nhiều đơn hàng.
Tình trạng tài xế phải chờ đợi nhiều ngày khi đưa xe đi kiểm tra diễn ra trên cả nước suốt 5 tháng qua, sau khi ngành đăng kiểm bị phát hiện sai phạm có hệ thống. Đến nay, gần 80 trung tâm bị công an khám xét, gần 500 người bị khởi tố. Là trung tâm kinh tế, mỗi ngày TP HCM có ít nhất 3.000 ôtô đến hạn đăng kiểm, song năng lực chỉ đáp ứng hơn 30% nên lượng xe dồn rất lớn.
Cơ quan chức năng dự báo tháng 4 là thời điểm thành phố có lượng ôtô đến hạn đăng kiểm cao nhất trong năm với gần 90.000 chiếc. Để hạn chế ùn tắc, gần một tháng qua nhiều trung tâm đăng kiểm các tỉnh phía nam được tăng cường lực lượng từ đơn vị khác. Gần 30 CSGT và chiến sĩ quân đội được huy động chi viện cho 13 trung tâm đăng kiểm ở TP HCM.
Tuy vậy việc bổ sung nhân lực vẫn chưa thể lấp khoảng trống thiếu đăng kiểm viên. Theo ông Nguyễn Xuân Hải, Giám đốc Trung tâm đăng kiểm 50-04V, hai CSGT được bổ sung trước đó chỉ quen xét xe công vụ 4-7 chỗ, không nhiều kinh nghiệm với xe tải loại lớn, đầu kéo. Do đó các công đoạn chính khi kiểm tra hàng trăm xe trọng tải lớn mỗi ngày đều do lực lượng đăng kiểm viên thực hiện.
Hiện, trung tâm 50-04V có 4 dây chuyền. 14 nhân viên đăng kiểm và hai CSGT phải làm việc hết công suất từ 7h đến 20h mỗi ngày nhưng không thể đáp ứng lượng xe đổ về quá nhiều. Vì vậy xe đến đăng ký phải lấy phiếu chờ đến gần nhất là 26/4. Nhiều xe có hạn đăng kiểm rơi vào cuối tháng 4, đầu tháng 5 phải chờ đến cuối tháng sau mới được kiểm tra.
Giám đốc trung tâm đăng kiểm 50-08D Trần Việt Hùng cho hay từ cuối tháng 3, nhiều nhân viên xin nghỉ và phải làm việc với cơ quan điều tra, trung tâm chỉ còn 7 người, được bổ sung hai chiến sĩ quân đội. Tuy nhiên lực lượng tăng thêm chỉ giúp ở những bước đơn giản, phụ đo thùng xe, chứ chưa thể kiểm tra các công đoạn kỹ thuật như đo khí thải, phanh, đèn...
"Có đến hàng trăm chi tiết kỹ thuật trong một ôtô, vì vậy việc kiểm tra cần đăng kiểm viên chuyên nghiệp, nhiều năm kinh nghiệm mới làm được", ông Hùng nói. Trung tâm này đã phát hơn 3.500 phiếu hẹn đăng kiểm trong tháng 4 và không nhận xe mới.
Ngoài khó khăn về nhân lực, ông Bùi Hòa An, Phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP HCM, cho rằng Thông tư 02 (kéo dài chu kỳ đăng kiểm từ 6 tháng thành 9-12 tháng với một số xe cũ, hiệu lực từ 22/3) chưa thể giúp ngành đăng kiểm giảm tải ngay. Bởi quy định mới chỉ áp dụng cho các xe từ lần đăng kiểm sau, còn hiện tại ôtô đến hạn vẫn phải đưa đi kiểm tra.
Để giảm tải trong thời gian cao điểm, ông An đề nghị chủ xe nên rà soát thời gian, đưa phương tiện tới các tỉnh lân cận, khi đăng kiểm phải kiểm tra xe kỹ càng, đúng quy định để hạn chế làm nhiều lần, mất thời gian của hai bên.
Đình Văn - Gia Chính