Việt Trinh khóc khi biết tin nghệ sĩ gạo cội qua đời sáng 22/10. Chị xúc động nói: "Ba tháng trước, tôi còn trò chuyện với ông qua điện thoại. Lúc đó, ông vẫn minh mẫn, cứ bảo tôi và anh Lý Hùng nên tìm phim nào đóng chung vì cả hai vẫn còn đẹp đôi lắm".
Sau phim Tây Sơn Hào Kiệt (2010), ông ngừng hoạt động phim ảnh do tuổi cao sức yếu. Thế hệ diễn viên sau này đều ngưỡng mộ, xem ông là nguồn cảm hứng lớn về tình yêu, sự cống hiến cho nghề.
Từng có cơ hội đóng phim Nước mắt buồn vui do Lý Huỳnh đạo diễn, Việt Trinh nhớ phong cách làm việc chỉnh chu, nhiệt thành và hết lòng vì lứa diễn viên đàn con cháu của ông. Ở nhiều cảnh khóc vì trắc trở trong tình yêu, Việt Trinh diễn mãi không được. Lý Huỳnh kiên nhẫn phân tích tâm lý nhân vật, động viên chị vào vai. Phim hoàn thành, chị vẫn thường lui tới nhà ông để nghe đạo diễn truyền kinh nghiệm, kể các câu chuyện nghề. Chị cho biết; "Ông thường bảo tôi với anh Lý Hùng cố gắng theo nghề vì thời chúng tôi đóng phim đỡ vất vả. Thời ông phải yêu nghề lắm mới làm nổi. Sáng sớm, đoàn phim chỉ có chảo cơm chiên, mỗi người được một chén. Có những phim phải ghi hình trong rừng cả tháng, các thành viên bị sốt rét, bị vắt cắn thường xuyên. Quay phim nhựa về, rửa bị hư phim, đoàn phải lặn lội quay lại".
Diễn viên Công Hậu cũng bàng hoàng khi biết tin buồn. Cố nghệ sĩ là người thầy hướng dẫn cho anh ở buổi đầu đến với nghề diễn. Dù ở vai trò nào, tình huống nào, ông cũng làm việc nghiêm túc và kỹ lưỡng. Anh nói: "Nghệ sĩ Lý Huỳnh, Trà Giang, Lâm Tới là những cánh chim đầu đàn trong làng phim ảnh. Tôi xem họ như những nghệ sĩ lớn, có công mở hướng đi cho thế hệ sau noi theo".
Đạo diễn Phương Điền vô nghề sau Lý Huỳnh 30 năm nhưng có nhiều dịp được trò chuyện cùng ông. Những đề tài của ông khi làm phim luôn hướng đến dân tộc, tình yêu quê hương đất nước, truyền cho anh cảm hứng để làm các tác phẩm về con người miền Tây. Phương Điền nói bốn năm trước, khi anh làm phim truyền hình Cuộc chiến quý ông, mời Lý Hùng tham gia. Lúc đó, Lý Huỳnh gọi anh đến nhà ăn cơm trò chuyện và khuyên con trai nhận lời sau một thời gian dài không xuất hiện trên màn ảnh nhỏ. "Tôi luôn nhớ mãi nhận xét của cố nghệ sĩ dành cho phim của tôi: 'Điền làm phim tử tế, đàng hoàng, chú thấy hài lòng và yên tâm'. Tôi cảm nhận cả đời ông chỉ đau đáu niềm đam mê làm phim và luôn tâm niệm cống hiến hết sức lực cho nó", anh nói.
Những người cùng thời với Lý Huỳnh đều yêu quý tài năng của ông trong lĩnh vực diễn xuất lẫn đạo diễn. Theo nghệ sĩ Lê Cung Bắc, Lý Huỳnh là diễn viên có sức ảnh hưởng mạnh mẽ đến khán giả trước năm 1975. Sau 1975, điện ảnh Việt trỗi dậy, sinh hoạt sôi động hơn, ông càng có nhiều đóng góp to lớn. Ông là nghệ sĩ đầu tiên đầu tư vốn làm phim. Những tác phẩm mang thương hiệu Lý Huỳnh như Phạm Công - Cúc Hoa, Nước mắt học trò... tạo nên cơn sốt vé của phim Việt thời kỳ đầu bước vào kinh tế thị trường. Ông trở thành con chim đầu đàn của lực lượng làm phim tư nhân những năm thập niên 1990.
Ngoài đời thường, ông còn là tấm gương cho con cái, đồng nghiệp học hỏi về cách đối nhân xử thế. Đạo diễn Phương Điền ngưỡng mộ Lý Huỳnh đã nuôi dạy Lý Hùng, Lý Hương thành những nghệ sĩ sống trọn vẹn với nghề. Lý Hương vốn trải qua nhiều biến cố trong đời sống riêng. Chị cho biết nhờ tình yêu, nguồn cảm hứng lớn từ người cha mẫu mực, chị vượt qua sóng gió, bám trụ với nghề.
Còn Việt Trinh kính nể cố nghệ sĩ ở tấm lòng nhân ái. Vài năm trước khi mất, sức khỏe kém nhưng ông vẫn làm từ thiện đều đặn, ngồi trên xe lăn tặng tiền cho các bệnh nhân nghèo ở bệnh viện Chợ Rẫy TP HCM, thăm và tặng quà đồng nghiệp ở Viện dưỡng lão Nghệ sĩ.
Nhiều năm trước, khi cùng uống cà phê trước hãng phim Giải Phóng, đạo diễn Lê Cung Bắc bất ngờ khi Lý Huỳnh vẫy tay chào một người đạp xích lô trên đường. Sau đó, ông đuổi theo kéo người này lại để mời uống cà phê chung, giới thiệu là bạn cũ. "Sau hôm đó, tôi càng thêm quý Lý Huỳnh hơn vì ông sống nghĩa tình, có trước có sau, dù đã là một ngôi sao lớn", đạo diễn nói.
Hàng trăm bạn đọc của VnExpress bày tỏ tiếc thương Lý Huỳnh. Độc giả Huu Si Dao viết: "Vĩnh việt nghệ sĩ. Còn nhớ mãi Lý Huỳnh với phim Ông Hai Cũ hồi thập niên 1980, lúc mình bảy tuổi có đoàn về chiếu phim này tại xã vào một hôm giữa mùa đông. Hồi đó đói kém, nhà nghèo trẻ em không được bố mẹ cho tiền mua vé, nên chiều hái bắp, luộc mang đến đứng chờ trước cổng. Mấy chú soát vé chắc cũng đói nên bảo 'cháu cho chú cái ngô luộc, chú cho vào xem phim'. Tôi sung sướng quá, có bao nhiêu cho các chú hết".
Tâm Giao