Xin cảm ơn Tòa soạn Báo VnExpress đã mở ra mục Diễn đàn về chủ đề sử dụng các từ trọng tải, tải trọng, trọng lượng và khối lượng trong các văn bản giao thông đường bộ. Điều này là rất cần thiết để đi đến việc hiểu thống nhất giữa các bên liên quan và trong cộng đồng, đặc biệt là đông đảo học sinh, sinh viên và giáo viên cùng học viên các trường lái xe.
Bài này, xin nêu lại những lý do cần loại bỏ từ “tải trọng”, trái ngược với ý kiến của tác giả Nguyễn Phúc Tâm, trong bài “Không nên loại bỏ từ tải trọng ra khỏi văn bản luật tại Việt Nam”.
Sự khác biệt ý kiến này có thể là ở chỗ, tác giả Nguyễn Phúc Tâm và chúng tôi dựa trên các căn cứ khác nhau. Câu mà tác giả lấy làm chuẩn để dựa vào là "Tải trọng của đường bộ là khả năng chịu tải khai thác của cầu/đường để đảm bảo tuổi thọ của công trình theo thiết kế". Nhưng câu ấy lại dẫn ra từ chính văn bản giao thông đường bộ (Điều 4, Thông tư số 07/2010/TT-BGTVT).
Thiết nghĩ, nếu muốn chứng minh nghĩa của tải trọng như vậy là đúng thì tác giả Nguyễn Phúc Tâm cần dựa vào những cơ sở pháp lý và khoa học khác, độc lập với văn bản chúng ta đang xem xét.
Trong câu “biển báo 115 là biển hạn chế trọng lượng phương tiện cơ giới đường bộ, ví dụ: xe 10 tấn”, tác giả Nguyễn Phúc Tâm đã hiểu sai khi ví dụ “xe 10 tấn”. Thực ra, nói xe 10 tấn, thì 10 tấn là trọng tải (chứ không phải trọng lượng) của xe, tương tự như nói cần trục 16 tấn, tàu 10.000 tấn. Đó là một con số không đổi, xuất hiện từ ý định thiết kế, chế tạo ban đầu, chưa liên quan gì đến cầu/đường, và là khối lượng lớn nhất mà xe có thể chở được, xem từ "trọng tải" trong Từ điển tiếng Việt.
Còn con số ghi trên biển 115 là giới hạn khối lượng toàn bộ xe, gồm khối lượng bản thân xe cộng với khối lượng chở, trong đó khối lượng chở thay đổi theo mỗi chuyến chở thực tế vơi hay đầy và được xác định ở trạm cân xe trên đường. Hiểu sai sẽ dẫn đến nhầm lẫn giữa “vượt trọng tải” và “quá tải”.
Giống như các văn bản đang nói đến, trong bài viết của mình, tác giả Nguyễn Phúc Tâm chưa phân biệt được trọng lượng với khối lượng và các đơn vị đo của chúng, tuy mong muốn dùng từ phải có hệ thống nhất quán.
Do khuôn khổ có hạn của bài báo, chỉ xin nêu vắn tắt rằng, chúng là hai đại lượng hoàn toàn khác nhau, trọng lượng là một loại lực, đơn vị cơ bản là niutơn (N); còn khối lượng là đại lượng cơ bản của Hệ Quốc tế (SI) và pháp định của nước ta, được đo bằng kilôgam (kg) và tấn (t).
Điều này đã được học từ sách giáo khoa Vật lí lớp 6. Người soạn thảo các văn bản nhà nước có liên quan đến hai đại lượng này cần tìm đến các quy định chi tiết hơn trong Luật Đo lường 2011 và trong Nghị định của Chính phủ số 86/2012/NĐ-CP. Ngoài ra Công ước Vienna 1968 cũng không dùng các từ tải trọng và trọng lượng mà dùng từ khối lượng (mass), xem các biển báo C,7 và C,8 của Công ước.
Độc giả Phan Văn Khôi
Bài viết do Lương Dũng biên tập
Liên hệ: luongdung@vnexpress.net