Trong ngôn ngữ xã hội hằng ngày, theo thói quen có thể thấy hai đại lượng này dùng lẫn cho nhau, nhưng theo Luật Đo lường, trong văn bản của cơ quan nhà nước thì không được. Ngoài ra, dùng ký hiệu đơn vị T trên các biển báo 106b, 115 và 116 cũng như viết M, Km, KM, KM/H trên các biển báo khác cũng là trái pháp luật. Chỉ riêng các biển báo trên đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng mới khánh thành phần lớn là được viết đúng; các con đường khác cần làm theo như vậy.
Nói lại rằng, theo Từ điển tiếng Việt (Hoàng Phê chủ biên, cuốn từ điển có uy tín của Viện Ngôn ngữ học, đã được trao tặng Giải thưởng nhà nước về Khoa học công nghệ năm 2005 và được viết lời giới thiệu bởi ông Phạm Văn Đồng, vị cố thủ tướng quan tâm đến sự trong sáng của tiếng Việt). “Tải trọng” được giải nghĩa đầu là “Lực (hay ngẫu lực) từ bên ngoài tác động lên một vật, xét về mặt sức bền cơ học của vật đó”.
Như vậy, tải trọng là tập hợp các lực (lực tập trung, ngẫu lực, lực phân bố, áp lực, v.v.); vì là lực, nó phải được đo tương ứng bằng niutơn (N), niutơn mét (N.m), niutơn trên mét (N/m), niutơn trên mét vuông (N/m2), v.v. Khi đã đo bằng đơn vị khối lượng kilôgam (kg) hay tấn (t) thì không thể gọi đó là tải trọng (lực), như trong các văn bản đường bộ hiện nay.
Trong lúc tải trọng là các lực từ bên ngoài tác động vào, như trọng lượng tĩnh và di động, các lực do gió bão, động đất, trượt lở, sụt lún, v.v. thì “khả năng chịu tải” là một khái niệm rộng, chủ yếu bao gồm các yếu tố bên trong một công trình, như vật liệu, kích thước, cấu tạo, bố trí phần tử kết cấu, v.v để chống lại tác dụng của tải trọng, giống như quan hệ giữa cường độ lao động, khắc nghiệt thời tiết, virus, v.v. với sức đề kháng của một người. Vì vậy chúng tôi mới nói rằng chúng là "hai khái niệm hầu như đối lập". Các từ tải trọng và khả năng chịu tải với nghĩa như vậy cũng đã được dùng từ lâu trong Cơ học, mà sinh viên các trường đại học kỹ thuật đã làm quen có hệ thống, bắt đầu từ môn Sức bền vật liệu trở đi.
Như vậy, căn cứ vào Luật, Nghị định hiện hành, Công ước Vienna mà nước ta là thành viên, Từ điển tiếng Việt Hoàng Phê, sách giáo khoa từ phổ thông đến đại học và thực tế sử dụng ở các lĩnh vực kỹ thuật khác, chúng tôi đề nghị loại bỏ cụm từ “tải trọng của đường bộ” và thay bằng “năng lực chịu tải của đường bộ”.
Nhắc lại rằng, chúng tôi đề nghị thay bằng “năng lực chịu tải của đường bộ” chứ không phải “năng lực lưu thông” như tác giả Nguyễn Phúc Tâm nói. Năng lực chịu tải cùng với khổ đường bộ là một khía cạnh của năng lực lưu thông của một tuyến đường, liên quan đến xe; nó cho biết xe nặng đến mức nào và cồng kềnh đến mức nào có thể lưu hành bình thường trên tuyến đường đó.
Cũng lưu ý thêm rằng, các Tiêu chuẩn ngành (TCN) nay đã lỗi thời, nên tránh viện dẫn, mà cần sớm chuyển đổi chúng thành Quy chuẩn hoặc Tiêu chuẩn, theo quy định của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật 2006 và Nghị định của Chính phủ số 127/2007/NĐ-CP.
Trên đây chủ yếu nói về “tải trọng của đường bộ”; còn nhiều thông số “tải trọng của xe” cũng đang gây tranh cãi. Chúng tôi sẽ đưa ra đề xuất thay đổi cụ thể trong bài viết sau.
“Rối tung hết cả lên” là tình trạng thực tế đã và đang xảy ra, không phải do các bàn luận bổ ích này. Chính diễn đàn trên báo được nhiều người thảo luận xây dựng sẽ góp phần làm thay đổi triệt để và có hệ thống, để tình trạng đó sớm chấm dứt và dẫn chúng ta đến hiểu nhau và hội nhập quốc tế.
Độc giả Phan Văn Khôi