Theo Bloomberg, lý do Trung Quốc thực hiện chiến dịch chấn chỉnh ngành công nghệ là một trong những nội dung của phiên thảo luận bí mật giữa Ủy ban điều tiết chứng khoán Trung Quốc (CSRC) và các tên tuổi hàng đầu Phố Wall như Goldman Sachs, Citadel... Cuộc họp diễn ra hôm 16/9 kéo dài 3 tiếng, đánh dấu lần đầu các lãnh đạo tài chính Mỹ - Trung ngồi vào bàn tròn kể từ tháng 9/2018.
Trong cuộc họp, Phó chủ tịch CSRC Fang Xinghai cho biết, các hành động trấn áp công nghệ gần đây của Trung Quốc là nhằm tăng cường quy định cho những công ty có nền tảng đông người dùng, đồng thời cải thiện quyền riêng tư dữ liệu và an ninh quốc gia. Ông cũng bổ sung rằng, những hạn chế như cấm dạy thêm online hay hạn chế trò chơi điện tử là để "giảm bớt lo lắng cho xã hội".
Bên cạnh đó, ông Xinghai nhấn mạnh việc tăng cường giám sát và hạn chế các công ty công nghệ trong nước không phải là hành động "tách khỏi Mỹ" hay "rời xa thị trường quốc tế" vì Bắc Kinh vẫn cam kết với thế giới về công nghệ.
Trong khi đó, một số đại diện Phố Wall yêu cầu phía Trung Quốc cần minh bạch hơn trong các động thái của mình, bao gồm việc hạn chế "Big Tech" trong nước. Các chuyên gia phương Tây chưa thể lý giải đầy đủ cho hành động siết chặt của Trung Quốc, ngoài việc dự đoán chính phủ nước này muốn kiểm soát dữ liệu, không để chúng nằm trong tay các doanh nghiệp công nghệ.
Trong năm nay, Trung Quốc đã đưa ra một loạt các lệnh "thanh trừng" nhắm vào giới công nghệ, khiến không ít nhà đầu tư toàn cầu lo lắng. Theo SCMP, chiến dịch điều tiết các doanh nghiệp trong nước đã "cuốn bay" 1.500 tỷ USD khỏi thị trường chứng khoán Trung Quốc thời gian ngắn, do hàng loạt nhà đầu tư lo ngại và bán tháo một cách cực đoan. Những công ty công nghệ hàng đầu đều bị ảnh hưởng, như "gã khổng lồ Internet" Tencent bị văng khỏi 10 công ty hàng đầu thế giới dựa theo vốn hóa trên sàn chứng khoán Hong Kong, hay cổ phiếu Alibaba cũng giảm hơn 30% kể từ đầu năm.
Một số nguồn tin cho biết, Hội đồng Nhà nước Trung Quốc hồi tháng 7 đưa ra một loạt quy tắc đối với các công ty muốn niêm yết trên các sàn giao dịch chứng khoán nước ngoài. Ngoài ra, các nhà hoạch định chính sách cũng đang xem xét giám sát chặt chẽ hơn với các công ty công nghệ có ý định nhắm vào thị trường nước ngoài làm nơi đầu tư chính. Theo giới quan sát, động thái này có thể tạo nên sự chia rẽ sâu sắc giữa hai nền kinh tế Mỹ - Trung.
Như Phúc