Tuần này, JD.com thông báo người sáng lập Richard Liu chuyển chức Chủ tịch cho Phó chủ tịch Xu Lei, động thái được cho là để tiến tới việc từ bỏ vai trò điều hành công ty.
Liu là tỷ phú công nghệ mới nhất của Trung Quốc thay đổi vị trí lãnh đạo công ty do mình sáng lập. Đầu năm nay, Zhang Yiming của ByteDance (công ty đứng sau TikTok) và Collin Huang của Pinduoduo cũng đã đưa ra thông báo về việc rời vị trí CEO.
Những tên tuổi kể trên đại diện cho thế hệ tỷ phú trẻ thành danh từ các công ty công nghệ do họ lập ra. Đây đều là những doanh nghiệp được hình thành trong quá trình thúc đẩy nền kinh tế Internet trong hai thập kỷ qua của Trung Quốc.
Tuy nhiên, trong khi CEO các công ty công nghệ phương Tây thường nghỉ hưu khi cao tuổi, những tỷ phú này bắt đầu rút khỏi vai trò điều hành khi còn khá trẻ. Liu hiện 47 tuổi, Yiming 38 tuổi và Huang 41 tuổi.
Việc rút lui được cho là do sức ép của chính phủ Trung Quốc ở mảng công nghệ trong năm nay. "Các doanh nhân trong ngành biết rằng giới tỷ phú hiện có thể phải chịu sức ép khủng khiếp trong hệ thống luật pháp của Trung Quốc", Phó giáo sư Victor Shih của Đại học California, nhận xét.
Theo ông, các tỷ phú công nghệ dường như không còn chắc chắn ở vị trí hiện tại, dù từng là "công thần" giúp nền công nghệ Trung Quốc phát triển như ngày nay. Do đó, họ chọn một chức danh khác thấp hơn để dễ đứng hơn.
Trong thư chia tay, các CEO công nghệ Trung Quốc thường viện dẫn những sở thích và lý do cá nhân để rời vị trí lãnh đạo. Liu, hiện được Bloomberg xếp hạng là người giàu thứ 108 trên thế giới, đã chuyển giao vị trí Chủ tịch của JD.com để dành nhiều thời gian "xây dựng chiến lược dài hạn của công ty" và giúp "hồi sinh sự hiện diện của JD ở các khu vực nông thôn".
Trong khi đó, Huang của Pinduoduo cũng cũng rời bỏ vị trí để "dành nhiều thời gian hơn cho nghiên cứu thực phẩm, khoa học và đời sống". Hai tháng sau, Yiming của ByteDance cũng từ chức vì muốn "theo đuổi đam mê" và "tìm hiểu, phát triển các công nghệ mới nhất".
Edward Tse, người sáng lập và CEO công ty tư vấn Gao Feng, cho rằng có thể các lý do kể trên là sự thật. "Sau nhiều năm làm việc chăm chỉ, đã đến lúc các nhà sáng lập công nghệ cần thời gian nghỉ ngơi. Họ đã có tiền để chi tiêu cho những lĩnh vực mình quan tâm, cũng như yên tâm vì công ty mình sáng lập đã đi đúng hướng", Tse nói.
Tuy nhiên, những chuyên gia khác lại nhận định, có thể các tỷ phú công nghệ đang muốn né tránh sau những tranh cãi gần đây liên quan đến công ty của họ, cũng như chính sách mới của Trung Quốc đối với Big Tech nước này.
Thực tế, Huang từ chức sau cái chết của một nhân viên trẻ Pinduoduo, người đã làm việc nhiều giờ và gục ngã trên đường về nhà lúc nửa đêm. Yiming từ bỏ vị trí CEO sau khi kế hoạch IPO của ByteDance bị hoãn. Hình ảnh của Liu cũng bị "hoen ố" kể từ 2018, khi ông bị bắt ở Minneapolis, Minnesota (Mỹ), vì cáo buộc cưỡng hiếp một nữ sinh. Dù cáo buộc hình sự được bãi bỏ, ông vẫn đối mặt với một vụ kiện dân sự từ nữ sinh này.
Một số tỷ phú công nghệ khác cũng đang rút khỏi ngành công nghệ Trung Quốc. Jack Ma, nhà sáng lập của Alibaba, từ chức ở tuổi 55 vào tháng 9/2019, được cho là liên quan đến văn hóa làm việc 996 tai tiếng - từ để miêu tả thời gian làm việc của mỗi người từ 9h sáng đến 9h tối, 6 ngày một tuần. Jack Ma cũng gần như "quy ẩn" từ tháng 10/2020 khi công ty Ant Group của ông bị điều tra trước thềm IPO.
Pony Ma, nhà sáng lập "gã khổng lồ Internet Trung Quốc" Tencent, cũng biến mất gần 2 năm, trước khi xuất hiện trở lại hồi tháng 3. Người sáng lập Meituan, Wang Xing, gây tranh cãi vào tháng 5 khi đăng một bài thơ ẩn ý và cũng không xuất hiện từ đó đến nay.
Feng Chucheng, đối tác tại công ty nghiên cứu Plenum, đánh giá rằng việc hạn chế xuất hiện của các tỷ phú giúp công ty của họ tránh sự giám sát ngày càng gia tăng của Bắc Kinh. "Mối quan tâm của Trung Quốc đối với an ninh mạng, bảo mật dữ liệu và độc lập công nghệ là điều tối quan trọng", Chucheng nói.
Cameron Johnson, giảng viên Đại học New York và là chuyên gia của công ty tư vấn Tidal Wave Solutions có trụ sở tại Thượng Hải, cho rằng hai năm qua, việc "trở thành nhân vật nổi tiếng" của các tỷ phú công nghệ không mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp của họ.
Tuy nhiên, theo Johnson, tỷ phú công nghệ Trung Quốc không hoàn toàn bỏ lại công ty của mình mà vẫn giữ sự kiểm soát đáng kể. "Rõ ràng, dù người sáng lập giờ có chức danh gì, họ vẫn đang kiểm soát công ty", Johnson nói. "Quyền lực và việc ra quyết định vẫn thuộc về nhà sáng lập".
Như Phúc (theo SCMP)