Bác sĩ Thái Thanh Yến, Khoa Da liễu - Thẩm mỹ Da, Bệnh viện Đại học Y dược, TP HCM, giải thích màu sắc của tóc do sắc tố melanin quyết định. Theo thời gian, melanin dần chết đi, chuyển sang màu xám và cuối cùng là màu trắng.
Quá trình bạc tóc bình thường bắt đầu vào giữa độ tuổi 30 ở người da trắng, cuối độ tuổi 30 ở người châu Á và giữa độ tuổi 40 ở phụ nữ Mỹ. Tuy nhiên, tóc bạc sớm có thể xuất hiện với một số người trẻ tuổi do quá trình sản xuất các sắc tố melanin bị rối loạn ở bên trong nang tóc.
Không có cách nào để ngăn chặn các sợi tóc bạc xuất hiện. Do đó, nhiều người có thói quen nhổ tóc với mong muốn loại bỏ sợi màu trắng. Ban đầu, chúng ta có thể nhổ một hoặc hai sợi tóc bạc ở chân tóc, lâu dài thành "nghiện" dẫn đến nhổ nhiều hơn, gây tổn thương nghiêm trọng như nhiễm trùng, mụn mủ vùng nang tóc.
Nhổ tóc nhiều lần có thể làm tăng sắc tố sau viêm, nguy cơ gây rụng tóc sớm khó thể phục hồi do nang tóc bị tổn thương, mất chức năng hoạt động, chu kỳ tóc ít đi khiến tóc càng mỏng, thưa hơn. Do đó, chúng ta không nên nhổ tóc bạc.
Nguyên nhân:
- Stress: Khi cơ thể bị căng thẳng quá mức sẽ kích thích các hệ thần kinh giao cảm sản xuất ra các noradrenaline. Đây là một chất dẫn truyền thần kinh khiến cho các melanin có thể di chuyển ra khỏi nang lông và làm cho tóc bị bạc màu nhanh hơn.
- Hút thuốc lá: Hoạt chất nicotine trong thuốc lá là một trong những nguyên nhân khiến cho tóc bạn bạc nhanh hơn.
- Di truyền: Nếu trong gia đình có bố mẹ hoặc là người thân bị chứng tóc bạc sớm thì bạn cũng có nguy cơ.
- Chế độ dinh dưỡng hợp lý và thói quen không lành mạnh: Nếu không bổ sung đầy đủ các dưỡng chất có thể khiến cho cơ thể của bạn dễ bị suy nhược hơn dẫn đến sự thiếu hụt vitamin và khoáng chất, làm giảm lượng máu cung cấp đến nang tóc và bạn sẽ bạc nhanh hơn nhiều. Lúc này, cơ thể không cung cấp được những dưỡng chất cần thiết để nuôi tóc khiến tóc trở nên yếu hơn, dễ bị gãy rụng và bạc màu sớm hơn. Đặc biệt, nếu cơ thể thiếu đi các dưỡng chất vitamin nhóm B, E và D cùng với nhiều loại khoáng chất quan trọng khác cũng sẽ ảnh hưởng đến tóc của bạn.
- Bệnh lý khác liên quan: Tóc bị bạc sớm còn có thể bắt nguồn từ nhiều loại bệnh lý khác nhau như rối loạn tuyến yên, tuyến giáp, bạch biến hoặc những người bị chứng thiếu máu mạn tính. Lạm dụng thuốc kháng sinh, sử dụng hóa chất làm tóc, thường xuyên để tóc tiếp xúc với ánh nắng mặt trời cũng khiến cho mái tóc chuyển bạc sớm hơn.
- Tiếp xúc với hóa chất độc hại: Những người làm việc trong điều kiện độc hại cũng có thể nhận thấy tóc bạc sớm như những công nhân tiếp xúc nhiều với formaldehyde và những tạo mẫu tóc sử dụng hóa chất làm tóc.
Điều trị:
Hiện chưa có bất cứ một phương pháp nào điều trị triệt để tình trạng tóc bạc sớm. Để giảm thiểu, chúng ta có thể khắc phục và ngăn ngừa tình trạng này bằng phương pháp sau:
- Ngủ đủ giấc mỗi ngày và giữ một trạng thái tinh thần thoải mái, tránh stress hoặc căng thẳng.
- Bổ sung thêm đầy đủ những dưỡng chất, vitamin cần thiết để nuôi dưỡng một mái tóc chắc khỏe, bóng mượt như cung cấp đủ các vitamin nhóm B, vitamin A, vitamin C và vitamin E cùng acid folic hoặc riboflavin, thực phẩm giàu đồng, canxi, crom, kẽm, iốt và sắt, các sản phẩm từ sữa, thịt bê, trứng, nấm và các loại đậu.
- Không nên sử dụng quá nhiều các loại hóa chất như thuốc nhuộm, uốn, thuốc duỗi khiến tóc bị ảnh hưởng. Nên ưu tiên các sản phẩm có thành phần tự nhiên, an toàn hơn và ít gây nên thương tổn, kích ứng cho da đầu.
- Đội mũ rộng vành, bảo vệ mái tóc tránh khỏi sự tác động của tia UV và ánh nắng mặt trời.
- Không sử dụng các thức uống, chất kích thích có hại cho sức khỏe như rượu, bia, thuốc lá.
- Không nên nhổ tóc thường xuyên để không khiến các nang chân tóc bị tổn thương và viêm.
- Sử dụng những loại dược liệu thiên nhiên có khả năng làm đen tóc, giúp cấu trúc tóc chắc khỏe, bóng mượt hơn như hà thủ ô, hạt đỗ đen, hạt vừng đen.
- Uống đủ nước mỗi ngày.
Thùy An