Cách đây một năm, cháu quan hệ chừng một phút thì xuất tinh, cảm giác giống như nước tiểu tràn ra chứ không giống xuất tinh, tinh dịch có màu vàng. Sau đó lần nào cũng bị tương tự. Cháu ngại nên chỉ đi khám ở khoa Thận Tiết niệu. Sau khi xét nghiệm máu và nước tiểu, bác sĩ bảo bị nhiễm khuẩn đường tiết niệu và kê đơn thuốc kháng sinh cho uống. Kết quả là nước tiểu đỡ bị màu vàng thôi chứ vấn để tiểu sót vẫn còn.
Gần đây tiểu xong cháu vẫn có cảm giác buồn, đi lại thì có một hai tia nước, cứ thế cả chục lần không xong nên đứng mãi trong nhà vệ sinh. Xin hỏi có phải cháu bị rối loạn cơ co thắt bàng quang và viêm tuyến tiền liệt hay viêm túi tinh không? Nên đi khám tiết niệu hay nam học? Cháu sợ sau này không thể có con được. Xin cảm ơn bác sĩ. (Hoàng).
Trả lời:
Chào em,
Theo như mô tả, sau khi tiểu xong, em vẫn có cảm giác buồn và lại tiểu được từ một đến hai tia nước. Triệu chứng này gọi là tiểu dắt hay tiểu lắt nhắt.
Tiểu lắt nhắt là tình trạng đi nhiều lần trong một ngày, mỗi lần số lượng nước rất ít, mỗi khi chỉ có vài giọt hoặc không có giọt nào kèm theo cảm giác khó chịu và khó tiểu, mới tiểu xong lại muốn đi nữa. Tình trạng này cần phải phân biệt với tiểu nhiều lần như trong bệnh đái tháo đường hay đái tháo nhạt, người bệnh đi tiểu nhiều lần nhưng số lượng nước tiểu nhiều, dễ tiểu, không có cảm giác buồn sau khi mới đi xong.
Tình trạng khó chịu ở niệu đạo, đi tiểu nhiều, lắt nhắt khó chịu thường do các viêm nhiễm ở đường tiểu dưới. Chẳng hạn như viêm bàng quang, viêm vùng tam giác cổ bàng quang, sỏi bàng quang, u xơ tiền liệt tuyến, viêm niệu đạo. Khi có nhiễm trùng đường tiểu dưới, nhất là ở khu vực cổ bàng quang, cơ vòng rất dễ bị kích thích, khối lượng nước tiểu rất ít cũng đủ gây phản xạ buồn tiểu, từ đó bệnh nhân phải đi tiểu nhiều lần và cảm giác không đi hết.
Theo tôi, tình huống của em có thể là nhiễm trùng mạn tính ở đường tiểu dưới có triệu chứng kéo dài trong nhiều năm. Điều này cũng phù hợp với chẩn đoán nhiễm trùng tiểu lần trước của bác sĩ dựa trên thăm khám cũng như xét nghiệm nước tiểu.
Để xác định rõ, em cần đến khám chuyên khoa niệu khoa sớm, thông qua thăm khám và xét nghiệm nước tiểu, bác sĩ có thể chẩn đoán em bị nhiễm trùng tiểu ở mức độ nào. Ngoài ra, làm thêm siêu âm, chụp hệ niệu cản quang để tìm các yếu tố thuận lợi như sỏi bàng quang, chèn ép niệu đạo… Trong một số tình huống, nhất là khi điều trị kháng sinh ban đầu kém đáp ứng, bác sĩ có thể sẽ cho xét nghiệm soi và cấy nước tiểu, làm kháng sinh đồ để tìm kháng sinh thích hợp khi điều trị.
Về biểu hiện buồn tiểu khi "yêu", có thể đây là phản ứng của tình trạng viêm bàng quang trước các kích thích tình dục khi quan hệ. Như đã trình bày bên trên, khi có viêm nhiễm, vùng cổ bàng quang rất nhạy cảm với kích thích, bao gồm cả cảm xúc và hưng phấn tình dục cũng như kích thích cơ học từ hành vi giao hợp. Trước mắt, em cần thăm khám và chấm dứt nguyên nhân viêm nhiễm. Nếu triệu chứng buồn tiểu khi quan hệ không hết, lúc này mới nghĩ đến những nguyên nhân khác.
Chúc em nhiều sức khỏe.
Bác sĩ Nguyễn Tấn Thủ